Ký kết CPTPP: Sẽ xuất hiện thêm nhiều thị trường “tỷ đô”?

(PLO) - 11 nước tham gia, trong đó có những nước chưa từng tham gia bất kỳ một hiệp định thương mại tự do nào, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (được ký kết vào rạng sáng hôm nay, 9/3/2018 tại nước CH Chile) đang khiến cho nền sản xuất trong nước hồi hộp về những giá trị mà nó mang lại.
Ký kết CPTPP: Sẽ xuất hiện thêm nhiều thị trường “tỷ đô”?

Kim ngạch xuất khẩu sang châu Mỹ sẽ tăng mạnh?

CPTPP, tên viết tắt của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có sự tham gia của 5 nước châu Á (Nhật Bản, Brunei, Singapore, Malaysia, Việt Nam); 2 nước châu Đại Dương (Úc, New Zealand) và 4 nước châu Mỹ (Mexico, Canada, Peru, Chile) đã chính thức được ký kết vào hôm qua tại thủ đô Santiego của nước Cộng hòa Chile, sau 13 năm khởi động và đàm phán. 

Dù đã mất đi “ông lớn” Hoa Kỳ nhưng CPTPP vẫn được đánh giá là một hiệp định mà Việt Nam có thể trông chờ vào những kết quả sẽ đạt được cho nền kinh tế, đặc biệt phải kể đến kim ngạch xuất nhập khẩu. Ông Đỗ Kim Lang, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đánh giá, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Nam Mỹ trong những năm gần đây là một điểm sáng với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 30-40%. Nhiều sản phẩm của Việt Nam được ưa chuộng, có khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với khả năng thanh toán của thị trường. 

Vào được các quốc gia Nam Mỹ cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể tiếp cận với một số thị trường liên quan như Bắc Mỹ, châu Mỹ Latin (thông qua Mexico) và tiến tới có thể mở rộng cả thị trường châu Mỹ. Bởi các mặt hàng có nhu cầu cao từ châu lục này đều là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như nông, thủy sản, gỗ, linh kiện điện tử… 

Đây chính là một trong những điều được mong đợi khi CPTPP chính thức có hiệu lực. Bởi hầu hết các ý kiến từ các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đều kỳ vọng, CPTPP sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy hoạt động thương mại với các nước như Canada, Mexico hay Peru - những nước chưa ký kết FTA với Việt Nam.

Tính đến thời điểm này, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước châu Á đang chiếm tỷ trọng khá lớn với 51,9%, đứng thứ hai là châu Mỹ với 24,6%. Tuy nhiên, với thị trường châu Á, Việt Nam đang ở vị thế nhập siêu, trong khi với thị trường châu Mỹ, Việt Nam lại ở thế xuất siêu. Nhiều chuyên gia đánh giá, cứ sau mỗi lần tham gia chính thức vào một hiệp định thương mại, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng lên đáng kể. Đây là một trong những lý do có thể chờ đợi kim ngạch xuất khẩu sẽ có bước chuyển mình đáng kể trong năm 2018. 

Ngoài ra, còn một lý do khác có thể chờ đợi vào kim ngạch xuất khẩu sang châu Mỹ. Đó là thị trường các nước CPTPP vẫn còn quá rộng mở với Việt Nam bởi trong con số gần 48 tỷ USD xuất khẩu sang châu Mỹ, Hoa Kỳ đã chiếm 38 tỷ USD. Như vậy, dư địa thị trường xuất sang các nước CPTPP (không có Mỹ) sẽ còn lại khá lớn, nếu doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và tận dụng những lợi thế, đặc biệt là ngành dệt may. 

Dệt may sẽ có bước đại nhảy vọt? 

Đã có những số liệu thống kê cho thấy, 6 nước thành viên CPTPP gồm Úc, Canada, Mexico, New Zealand, Chile và Peru có giá trị nhập khẩu dệt may năm 2016 vào khoảng 40 tỷ USD, trong đó Canada và Mexico chiếm tỷ trọng lớn nhất với lần lượt là 33,7% và 26%. Số liệu này cũng cho thấy, giá trị nhập khẩu của 6 nước này gấp 3,5 lần con số xuất khẩu dệt may từ Việt Nam vào Mỹ năm 2016 và gấp 11 lần xuất khẩu vào thị trường EU. Có thể thấy, dư địa thị trường từ các nước thành viên CPTPP cho ngành dệt may rất lớn.

Cụ thể hơn, Canada là quốc gia có mức tiêu dùng hàng may mặc bán lẻ thuộc loại cao, khoảng 18 tỷ USD mỗi năm. Năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng may mặc vào thị trường Canada đạt 9,32 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015. Như vậy, Canada là một thị trường tiềm năng để doanh nghiệp dệt may tấn công và giành thị phần còn đang rất màu mỡ này.

Cùng với Canada là thị trường Úc, bởi hiện nay, kim ngạch dệt may xuất sang Úc mới đạt khoảng 160 triệu USD. Giám đốc một doanh nghiệp dệt may không ngần ngại đánh giá, có CPTPP, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Úc có thể đạt 1 tỷ USD không quá xa vời. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu, mong muốn có thêm khoảng 20 ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD. “Mục tiêu này có vẻ khá xa vời với nền sản xuất Việt Nam. Tuy nhiên, có thể chuyển thành mục tiêu “xuất hiện thêm nhiều những thị trường 1 tỷ USD” và dệt may có thể biến kỳ vọng này thành sự thật” - đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam bày tỏ. 

Ngoài các thị trường châu Mỹ đang được xem là rất tiềm năng để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, thị trường châu Á cũng được hy vọng đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu để có thể cân bằng được cán cân xuất nhập khẩu. Theo đó, ở thị trường Nhật, thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam thì hàng may mặc Trung Quốc và Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nhập khẩu hàng may mặc năm 2016, tuy nhiên tỷ trọng của Việt Nam rất nhỏ so với Trung Quốc (Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6% trong khi Trung Quốc chiếm đến 65%). 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tỷ trọng hàng dệt may Việt Nam tại Nhật Bản đang tăng dần lên do được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản. Do vậy, sau CPTPP, đang có rất nhiều hy vọng dệt may Việt Nam sẽ sớm tăng được tỷ trọng tại thị trường Nhật, để ngày càng rút ngắn khoảng cách với Trung Quốc. 

Đọc thêm