Luật đầu tư công tăng phân cấp cho tỉnh, thành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhẹ gánh?

(PLVN) - Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 với thay đổi lớn là triệt để phân cấp. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khi Luật này có hiệu lực từ 1/1/2020, nhiệm vụ của Bộ này sẽ vẫn rất nhiều và nặng nề…
Bộ KH&ĐT vẫn tăng cường kiểm soát để đảm bảo nguồn vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả
Bộ KH&ĐT vẫn tăng cường kiểm soát để đảm bảo nguồn vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả

Phân cấp triệt để quy trình thẩm định vốn

Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, với số đại biểu Quốc hội tán thành khá cao (90,7%). Điểm mới đầu tiên, có ý nghĩa rất lớn, đó là thống nhất được định nghĩa về nguồn vốn Đầu tư công. Theo đó, quy định 2 loại vốn Đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách nhà nước; và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

“Đây là một thay đổi rất quan trọng, dẫn tới thay đổi các quy trình, trình tự,  thủ tục về dự án và kế hoạch Đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách nhà nước (trước đây có sự phân biệt giữa ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư...). Đồng thời, sự thay đổi này giúp xây dựng được quy trình riêng cho các dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật theo hướng tăng cường phân cấp, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có nguồn vốn này nhưng vẫn đảm bảo được công tác theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo…”, ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân nói.

Đáng chú ý nhất, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đưa vấn đề này trở thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở tổng số vốn kế hoạch trung hạn của đơn vị mình được cấp có thẩm quyền phân bổ.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng  định, Luật Đầu tư công (sửa đổi) tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chịu trách nhiệm. “Chúng tôi sẽ giám sát và tăng cường giám sát hơn nữa để đảm bảo nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, của nhân dân được sử dụng hiệu quả tốt nhất”, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Vấn đề được đặt ra là khi đã phân cấp mạnh mẽ theo tinh thần Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm gì? Ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân khẳng định, nhiệm vụ của Bộ này vẫn rất nhiều và nặng nề.

“Cách tiếp cận của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, có nghĩa là giám sát sau khi các bộ, ngành, địa phương đã quyết định đầu tư dự án và trong quá trình hậu kiểm đó có phát hiện ra những vấn đề phát sinh chưa đúng với quy định của pháp luật, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có thẩm quyền báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm…”, ông Phương nói và khẳng định thêm, khi thực hiện dự án để xảy ra sai phạm, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu các cơ quan bộ, ngành trung ương và địa phương.

“Như vậy, định hướng, quan điểm và mục tiêu xây dựng Luật Đầu tư công đã được thể hiện rõ trong Luật lần này và có rất nhiều điểm mới trong đó phần phân cấp và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thực hiện dự án được đẩy mạnh,…”, vị này nhấn mạnh thêm.

Tinh thần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đã được lan tỏa từ khi xây  dựng Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, và theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, việc đẩy mạnh phân cấp trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này sẽ được tiếp tục trong Luật Đầu tư (sửa đổi) sắp tới. Thứ trưởng khẳng định, nhiều ngành lĩnh vực sẽ được bỏ ra khỏi ngành kinh doanh có điều kiện.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang làm việc với riêng từng bộ, ngành để rà soát danh mục ngành nghề có điều kiện, nhằm tạo môi trường tự do kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp…”, Thứ trưởng Thắng khẳng định.

Theo quy định của Luật hiện hành, việc quyết định giao kế hoạch bao gồm cả danh mục Đầu tư công trung hạn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Luật mới vẫn giữ nguyên chỉ chỉnh lý về mặt thời gian, Quốc hội thời kỳ nào quyết định Đầu tư công trung hạn thời kỳ đó. Do vậy, chỉ điều chỉnh mặt thời gian từ năm thứ 5 của kế hoạch trung hạn giai đoạn trước sang năm đầu tiên của kế hoạch trung hạn giai đoạn sau, còn thẩm quyền thì giữ nguyên là Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm