Lương tại DNNN: “Sếp” lãnh 2-3 tỷ đồng/năm đâu phải là cao?

(PLO) - “Vấn đề không phải là họ nhận được bao nhiêu tiền mà họ làm ra bao nhiêu tiền. Nếu mức lương này được tính theo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thì mức lương khoảng 1-2 tỷ hay 3 tỷ đồng/năm không thể gọi là cao và cũng không thể đo lường mức cao thấp theo thời giá thị trường được”, TS.Nguyễn Đình Cung nói về chuyện lương trong các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). 
Nhiều ý kiến cho rằng, DNNN nên được tự chủ trả tiền lương theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Nhiều ý kiến cho rằng, DNNN nên được tự chủ trả tiền lương theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Theo quy định hiện hành, mức lương cho lãnh đạo tại các DNNN đang được khống chế trần, ở mức 72 triệu đồng/tháng. Nhưng mới đây, rất nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đã đề nghị nên “gỡ” mức trần này. 

Cần “cởi trói” chính sách

Theo quy định hiện hành, mức lương, thù lao của lãnh đạo DNNN được trả theo mức lương cơ bản nhân với hệ số hoàn thành về chỉ tiêu lợi nhuận. Với quy định này, mức lương tối đa cho lãnh đạo DN 100% vốn nhà nước là 72 triệu đồng/tháng.Với DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, mức lương cao nhất mà lãnh đạo DN có thể nhận được ở mức 151,2 triệu. Tuy nhiên, mức lương này đã bị nhiều chuyên gia kinh tế và nhà quản lý lên tiếng về những bất cập của nó.

Ở Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN mới được tổ chức, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Tổng Giám đốc (TGĐ) DNNN cần phải là người chuyên nghiệp, được lựa chọn theo thị trường mới đảm bảo DNNN được vận hành theo mô hình quản trị hiện đại, minh bạch, công khai. Quan trọng nhất, mức lương mà các TGĐ này nhận được nên dựa vào hiệu quả hoạt động và nên dần hình thành một thị trường để có thể lựa chọn TGĐ, Giám đốc cho DNNN. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TƯ bày tỏ, DNNN không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh, đây là điểm rất gò bó, ràng buộc, khiến cho DNNN không thể hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Một trong những điểm phổ biến gò bó như không được tuyển dụng, sử dụng lao động và trả lương cho cán bộ cũng như người lao động theo nguyên tắc thị trường. Và mỗi khi có ông “tổng” nào đấy được trả mức lương khoảng 1-1,5 tỷ đồng/năm thì dư luận lại cho rằng rất cao.

 “Vấn đề không phải là họ nhận được bao nhiêu tiền mà họ làm ra bao nhiêu tiền. Nếu mức lương này được tính theo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thì mức lương khoảng 1-2 tỷ hay 3 tỷ đồng/năm không thể gọi là cao và cũng không thể đo lường mức cao thấp theo thời giá thị trường được”, ông Cung nói. 

Ngoài ra, ông Cung cũng đề nghị nên tháo bỏ những ràng buộc đối với DNNN để các DN có quyền tự chủ kinh doanh. “Tự chủ” ở đây theo ông Cung là ông chủ sở hữu (Nhà nước) xác định ngành nghề kinh doanh còn làm như thế nào thì để Hội đồng thành viên tự quyết định. 

Trả lương theo kết quả hoạt động?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá, hiện nay DNNN vẫn đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế, nhiều DN đảm bảo được cân đối nền kinh tế, đảm bảo kinh tế vĩ mô. Việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh luôn là mục tiêu, cần kiên trì bám vào mục tiêu này. Theo ông An, việc tiết giảm chi phí trong các hoạt động của DNNN là quan trọng nhưng sinh lời cũng là mục tiêu rất quan trọng. 

Thứ trưởng An cũng cho rằng, động lực cho Chủ tịch các DN, các Giám đốc điều hành rất cần thiết bởi từ động lực này mới có thể đưa ra những khát vọng chinh phục và mục tiêu lớn hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là động lực này phải xuất phát từ chính những người đứng đầu, không phải cứ lương cao thì mới có khát vọng, mà phải tự đặt ra những mục tiêu cao cả để chinh phục. “Do đó, việc chọn được nhân sự dám đặt ra khát vọng, dám làm và vươn tới tầm cao là rất quan trọng, tôi cho rằng, các TGĐ, những người khát khao chinh phục chắc không đặt nặng quá vấn đề thu nhập”, lời ông An. 

Trong khi đó, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lại cho hay, ông nhận được rất nhiều kiến nghị từ tập đoàn, địa phương liên quan đến vấn đề tiền lương, chính sách trong quá trình sắp xếp lại DNNN. Nhiều đơn vị cho rằng, chính sách này nên thay đổi, Nhà nước vẫn có thể quản lý tiền lương tối thiểu, nhưng cần có thêm chính sách trả lương theo chức danh đại diện chủ sở hữu DN, theo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Ông Diệp cho biết, đa phần DN đều cho rằng nên tăng cường tính tự chủ tiền lương cho DN, thực hiện giao khoán tiền lương và thưởng theo hiệu quả quản lý và sử dụng vốn DN; đổi mới cơ chế để DN chủ động trả lương, trả thưởng dựa vào năng suất, phù hợp với hiệu quả, quan trọng nhất không nên áp dụng mức lương tối đa đối với lãnh đạo các tập đoàn. 

Ngoài ra, có địa phương cũng đề nghị xem lại chính sách tiền lương khi chênh lệch tiền lương giữa chức danh người quản lý với người lao động quá lớn, sự chênh lệch tiền lương có thể lên đến 12 lần. Cũng có ý kiến cho rằng sự chênh lệch tiền lương giữa những người quản lý quá nhỏ nên vai trò người đứng đầu DN không được đánh giá đúng mức, mức độ chịu trách nhiệm chính về DN không được đánh giá cao. 

Ông Diệp cũng cho biết, Đề án cải cách chính sách tiền lương đã được Hội nghị TƯ 7 ban hành với tinh thần là giao cho DN xây dựng thang lương, bảng lương. Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu sẽ khoán tiền lương để người lao động và Ban Giám đốc gắn với hiệu quả lao động và kết quả sản xuất, kinh doanh; Xác định mức lương cơ bản của lãnh đạo, Hội đồng thành viên gắn với quy mô của DNNN, với mức độ phức tạp trong hoạt động sản xuất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hiệu quả quản lý nguồn vốn của Nhà nước. Đặc biệt, với DNNN làm nhiệm vụ bình ổn thị trường, những nhiệm vụ công ích sẽ có một cơ chế tiền lương riêng. 

Đọc thêm