Mai một làng nghề sản xuất bánh in tiến vua

(PLO) - Không đem lại thu nhập cao, lại có quy trình sản xuất khá phức tạp nên những năm gần đây số lượng các hộ gia đình theo nghề sản xuất bánh in tiến vua tại làng Kim Long đã suy giảm đáng kể.
Làng bánh in Huế đang ngày càng mai một với số lượng sản phẩm giảm lại
Làng bánh in Huế đang ngày càng mai một với số lượng sản phẩm giảm lại

Hàng năm cứ vào những ngày cuối đông đầu xuân, những cơ sở sản xuất bánh in tiến vua tại làng Kim Long (TP.Huế, Thừa Thiên- Huế) lại đua nhau sản xuất nhằm phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân trong dịp tết cổ truyền. Nhưng năm nay, không khí sản xuất vụ tết tại đây đã trầm lắng hơn hẳn khi chỉ có trên dưới chục hộ còn gìn giữ cái nghề truyền thống cha ông để lại.

Bánh in hay còn gọi bánh cộ, bánh ngũ sắc là loại bánh truyền thống được người dân Huế nói riêng và dân Việt Nam nói chung dùng để thờ cúng, đãi khách trong những ngày lễ tết. Vào dịp tết trên bàn thờ của hầu hết các gia đình đều trưng bày loại bánh truyền thống này, đặc biệt là những gia đình có thờ ông địa.

Theo nhiều người dân trong làng, loại bánh này khi xưa được vua chúa dùng mỗi khi uống trà nên công đoạn sản xuất bánh rất phức tạp, ví như loại bánh in chữ Thọ phải trải qua 7 công đoạn để cho ra mọt chiếc bánh bao gồm đãi đậu - nấu đậu - đánh đậu - giã đậu - in bánh - sấy bánh - gói bánh bằng giấy bóng ngũ sắc.

Ngày càng mai một

Cách đây 2-3 năm số hộ gia đình theo nghề gia truyền này để mưu sinh còn khoảng tầm 30 hộ, nhưng đến năm nay mặc dù chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa tết nguyên đán nhưng số hộ đang chạy đua sản xuất cho dịp tết chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn còn trên dưới 15 hộ. Không những số cơ sở sản xuất giảm, số lượng sản phẩm sản xuất ra ở từng cơ sở cũng suy giảm đáng kể khi các chủ cơ sở không còn mấy mặn mà.

Khâu quan trọng nhất để tạo nên chiếc bánh đẹp là gói bánh
Khâu quan trọng nhất để tạo nên chiếc bánh đẹp là gói bánh

Bà Hồ Thị Kim Liên (55 tuổi, chủ cơ sở sản xuất lớn nhất tại làng Kim Long) cho biết: “Trước đây, làng Kim Long có rất nhiều cơ sở sản xuất bánh in vì đây là loại bánh tiến vua, được nhiều người ưa chuộng, nhưng thời gian gần đây vì giả cả thị trường ngày càng suy giảm, giá nguyên liệu lại tăng, làm bánh trải qua nhiều công đoạn rất phức tạp nên các cơ sở sản xuất lần lượt bỏ nghề”.

Với giá bán khiêm tốn ở mức 100 đồng/1 cái, ước tính nếu mỗi ngày các cơ sở sản xuất ra được 10.000 cái thì chỉ thu về 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, mỗi cơ sở có khoảng 3-4 người làm, nếu chia tiền công và trừ chi phí nguyên liệu thì thu nhập của các công nhân cũng như chủ cơ sở chỉ dừng lại ở con số rất khiêm tốn.

“Chúng tôi rất muốn giữ ngành nghề truyền thống này của cha ông để lại, vì thế dù chỉ còn vài hộ sản xuất nhưng chúng tôi cũng cố gắng sản xuất đáp ứng phần nào nhu cầu của thị trường trong việc thờ cúng dịp tết sắp tới. Dù đang làm việc cật lực nhưng vì nhu cầu thị trường không chỉ ở Huế mà còn ở cả trong và ngoài nước nên rất khó đảm bảo số lượng.”, bà Liên bày tỏ.  

Đọc thêm