Ngân sách được công khai nhưng khó giám sát

(PLO) - Theo TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương – dự toán ngân sách nhà nước hiện đã được công khai nhưng các con số còn quá chung chung, vĩ mô nên rất khó giám sát hoạt động thu – chi cụ thể, dẫn tới không làm giảm được tình trạng lạm dụng ngân sách, chi lãng phí. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhận định trên được ông Doanh đưa ra tại Toạ đàm “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam trong giám sát ngân sách nhà nước - Khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn” được tổ chức mới đây.

Công khai chưa đủ để giảm lãng phí

Bình luận tại Tọa đàm, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng, dự toán ngân sách nhà nước hiện đã được công khai, là tiến bộ ban đầu rất đáng hoan nghênh. Song, theo TS. Doanh, việc công khai chưa minh bạch, chưa cụ thể, chi tiết; giữa những nội dung được công khai và hình thức công khai của Việt Nam với thế giới vẫn khoảng cách rất lớn. “Các con số trong dự toán ngân sách còn quá chung chung, vĩ mô nên rất khó giám sát hoạt động thu – chi cụ thể. Do đó, việc công khai ngân sách vẫn không làm giảm được tình trạng lạm dụng ngân sách, chi lãng phí như tiếp khách, đi nước ngoài… Trong khi đó, nội dung công khai ngân sách của các nước chi tiết đến hàng nghìn trang, rất cụ thể; nêu chi tiết từng khoản thu, chi, tạo điều kiện cho người dân giám sát”, ông Doanh nói.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, để đạt được tiến bộ cụ thể trong việc công khai ngân sách, Luật Ngân sách cần bổ sung trong một phụ lục các nội dung phải được công bố, ghi rõ thời hạn phải công bố. “Nếu không công bố những nội dung cụ thể, hiệu quả thực tế của Luật Tiếp cận thông tin cũng sẽ bị hạn chế. Bên cạnh đó, Luật cũng chưa quy định trách nhiệm giải trình, trách nhiệm cá nhân của người quyết định thu – chi, gây lãng phí ngân sách, kém hiệu quả. Ví dụ như các đoàn của các tỉnh đi nghiên cứu, khảo sát bằng tiền do doanh nghiệp tài trợ, việc này được thực hiện như thế nào, hiệu quả ra sao?”, ông phân tích thêm. 

Về hoạt động giám sát ngân sách nhà nước của MTTQ Việt Nam, thông tin tại Tọa đàm, ông Phan Văn Vượng – Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho biết, từ năm 2014 đến nay, MTTQ các cấp đã chủ trì giám sát 107.592 cuộc giám sát. Trong đó, đầu tư công đang là lĩnh vực được MTTQ các cấp thực hiện giám sát nhiều nhất. Theo ông Phan Văn Vượng, hoạt động giám sát của MTTQ tập trung vào 3 nội dung chính, bao gồm: việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và việc thực hiện công khai ngân sách nhà nước theo quy định.

Tuy nhiên, ông Vượng thừa nhận việc giám sát còn nhiều hạn chế như sự tham gia không thường xuyên do chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề; sự tham gia giám sát không kịp thời, không đến cùng và không toàn diện. Về nguyên nhân, theo ông Vượng, là do số cán bộ MTTQ còn ít, một số còn chưa chú trọng việc trau dồi kiến thức thực tiễn nên nhiều khi đi giám sát nhưng chưa nắm chắc vấn đề giám sát. Vẫn theo Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong vấn đề tiếp thu kiến nghị, giám sát của MTTQ là mang tính xã hội và tính nhân dân nên MTTQ không có kết luận giám sát như giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước cũng như Quốc hội hay HĐND các cấp. Thực tế, MTTQ chỉ thông báo kết quả giám sát còn việc tiếp thu đến đâu, tiếp thu thế nào chủ yếu tùy thuộc vào cấp ủy, chính quyền và cơ quan nơi đó. Vì vậy, ông Vượng cho rằng cần quy định rõ ràng và các biện pháp để cơ quan chức năng thực hiện giám sát được hiệu quả hơn.

Chưa “chạm” tới lĩnh vực BOT, BT

Bên cạnh đó, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, mặc dù Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 quy định quyền giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam và đã được triển khai, nhưng thực tế, hoạt động giám sát của MTTQ vẫn còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức. Việc giám sát theo ông mới chỉ được thể hiện qua việc nêu ý kiến ở các kỳ họp, phiên họp, chưa có những phương thức giám sát đúng nghĩa. Ông cho rằng, phía Mặt trận chưa tiến hành thường xuyên các hoạt động giám sát theo chuyên đề, việc tổ chức giám sát còn dựa nhiều vào báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát. 

Đặc biệt, TS. Doanh cũng chỉ ra rằng việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BOT, BT hiện nay lộ rõ nhiều lỗ hổng, gây bức xúc trong dư luận nhưng cơ quan MTTQ chưa thực hiện giám sát là sự thiếu sót rất khó chấp nhận. Về vấn đề này, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phan Văn Vượng thừa nhận kết quả giám sát đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT, BT rất hạn chế. “Hình thức giám sát với các dự án đầu tư xây dựng hiện nay mới chỉ dừng lại ở dự án có vốn từ ngân sách và do các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện”, ông Vượng cho hay.

Để góp phần nâng cao hiệu quả giám sát ngân sách của MTTQ, TS. Lê Đăng Doanh đề xuất kêu gọi các đơn vị chuyên môn như kiểm toán, tư vấn thuế, hoặc chuyên gia tham gia cùng MTTQ trong giám sát. Còn ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi thì kiến nghị các bộ, ngành trung ương cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cơ bản về tài chính ngân sách và kỹ năng giám sát ngân sách nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách MTTQ các cấp.

Đọc thêm