Phát huy hiệu quả chính sách bảo hiểm tiền gửi đối với kinh tế nông thôn ở Đồng Tháp

(PLO) - Là một trong 13 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cơ cấu kinh tế của Đồng Tháp tập trung chủ đạo vào phát triển nông nghiệp. Kinh tế nông thôn đã trở thành đối tượng chính và tập trung trong nhiệm vụ phát triển kinh tế của toàn tỉnh phía Tây Nam Bộ này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tính đến ngày 31/8/2018, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt gần 54.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm 2018; huy động vốn đạt hơn 40.000 tỷ đồng, tăng trên 10% so với đầu năm. Trong đó, tỷ lệ dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ bình quân qua các năm luôn chiếm trên 70%. 

Đồng hành với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương, chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đã góp phần tích cực vào việc duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tại Đồng Tháp. Đây là mô hình tổ chức tín dụng phổ biến, có vai trò quan trọng trong việc cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo, nhận gửi tiết kiệm để tích luỹ đời sống của bà con nông dân. Từ đó, góp phần đảm bảo an toàn cho nguồn vốn phục vụ sản xuất, đầu tư tại địa phương, giảm thiểu tình trạng “tín dụng đen” ở nông thôn. 

Tính đến hết tháng 9 năm 2018, các QTDND trên địa bàn đã có sự tăng trưởng tích cực về hoạt động, cụ thể huy động vốn đạt 605.985 triệu đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm; dư nợ cho vay đạt 639.718 triệu đồng, tăng 4% so với đầu năm; nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp so với tổng dư nợ (dưới 1%). Nhìn chung các QTDND trên địa bàn đảm bảo được hoạt động an toàn, ổn định, chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, là một công cụ hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.

Phát biểu tại Hội thảo “Chính sách BHTG đối với phát triển kinh tế nông thôn” do Chi nhánh BHTG Việt Nam (VN) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp  Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp tổ chức, ông Vương Trí Phong, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho hay: Trên địa bàn tỉnh hiện có 17/17 QTDND tham gia BHTG đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. 

BHTG VN hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và người gửi tiền cũng không cần đóng phí mà vẫn đảm bảo cho quyền và lợi ích cho họ, vì vậy tạo niềm tin cho họ vào các QTDND địa phương. Kết quả là hệ thống QTDND tại Đồng Tháp ngày càng phát triển đi lên, trở thành một loại hình TCTD phổ biến đối với bà con nông dân. 

BHTG VN và NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin, phát hiện các sai sót, xử lý các vướng mắc phát sinh trong hoạt động của các QTDND. Ông cũng đề xuất tăng cường tổ chức các hội thảo, các sự kiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến bà con nông dân về BHTG và an toàn hoạt động ngân hàng, tạo cơ sở phát triển hệ thống QTDND địa phương.

Chính sách BHTG đã góp phần đáng kể vào hoạt động ổn định, an toàn, tăng trưởng khả quan của các QTDND tại Đồng Tháp, nhận được nhiều sự ghi nhận và phản hồi tích cực từ phía các đơn vị này. Đơn cử như QTDND Tân Quy Tây hoạt động trên địa bàn xã Tân Quy Tây và phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã từng bước đi vào hoạt động ổn định, phát triển. Tính từ năm 2014 đến hết năm 2017, tổng nguồn vốn hoạt động của QTDND Tân Quy Tây tăng trưởng bình quân trên 12%, dư nợ cho vay tăng bình quân 11%, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân gần 12%. 

Ông Huỳnh Phước Dư, Giám đốc Quỹ nhận định: “Nhờ có chính sách BHTG mà thời gian qua quyền lợi của người gửi tiền đã được bảo vệ, niềm tin của họ vào Quỹ đã được nâng cao. Chi nhánh NHNN tỉnh và BHTG khu vực đã phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin đến người gửi tiền và hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ của quỹ, công tác huy động vốn và cho vay trên địa bàn  đã đạt nhiều mục tiêu đề ra, đồng thời đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và kinh doanh, nâng cao đời sống người dân”. 

Ông Nguyễn Hữu My - Giám đốc QTDND Tân Thuận Đông, một quỹ đã tham gia BHTG từ năm 2000 cho biết: “Kể từ khi tham gia BHTG, hoạt động của Quỹ chúng tôi đã có sự phát triển tích cực về nhiều mặt. Tính đến hết năm 2017, nguồn vốn hoạt động của quỹ đạt hơn 58 tỷ đồng, trong đó vốn huy động tiền gửi là gần 48 tỷ đồng, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2016. Thời gian qua, BHTG VN đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước về BHTG và đưa đến kết quả là người dân ngày càng hiểu về hoạt động tín dụng an toàn, lành mạnh, an tâm khi gửi tiền vào QTDND”. 

Không chỉ dừng lại ở đó, BHTG VN còn được đánh giá cao về công tác triển khai các hoạt động giám sát, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những sai sót tại các QTDND trong việc chấp hành pháp luật về BHTG. Ông Nguyễn Dương - Giám đốc QTDND An Long nhận xét: “Việc giám sát, kiểm tra của BHTG VN đối với các QTDND tại địa phương đã giúp nâng cao uy tín của Quỹ về việc chấp hành đầy đủ, đúng quy định của pháp luật trong hoạt động tín dụng. Quỹ An Long cũng trên cơ sở đó mà hoạt động ổn định, thu hút được tiền nhàn rỗi từ người dân, chủ động cân đối đáp ứng nhu cầu vay vốn kinh doanh nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp địa phương”.

Về phía người gửi tiền đồng thời cũng là thành viên các QTDND trên địa bàn tỉnh, đại diện một số quỹ bày tỏ: Các sự kiện hội thảo, đào tạo, phổ biến kiến thức do BHTG VN phối hợp với NHNN và các QTDND tổ chức là cơ hội để họ làm rõ nhiều thắc mắc trong quá trình tham gia các hoạt động tín dụng, là cơ sở để họ yên tâm gửi tiền và vay vốn đầu tư sản xuất. Vì vậy, bà con nông dân mong muốn được tham dự thêm nhiều sự kiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức hữu ích mà BHTG VN tổ chức trong tương lai. 

Đọc thêm