Sau 1 năm triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV: Nhiều hỗ trợ vẫn… nằm trên giấy

(PLVN) - Thông tin tại Hội nghị kết nối Ngân hàng - DN trên địa bàn Hà Nội mới đây, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT cho biết, lần đầu tiên DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam đã có Luật để được hỗ trợ, tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện Luật, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc…

 

Hình minh họa
Hình minh họa

“Nợ” 1 nghị định, 31 địa phương “nợ” chương trình hành động

Theo đại diện Cục Phát triển DN, đến nay đã có 3/4 Nghị định liên quan đến triển khai Luật được ban hành, gồm: Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

“Hiện Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện và trình Lãnh đạo Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV và dự kiến sớm được ban hành trong thời gian thới...” - ông Hùng cho hay.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 về tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành đã tiến hành xây dựng và ban hành các Thông tư hướng dẫn một số chính sách về chế độ kế toán cho DN siêu nhỏ (Bộ Tài chính), hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay có bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong DNNVV (Bộ LĐTB&XH), hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực (Bộ KH&ĐT)...

Về phía các địa phương, thông tin cập nhật của Bộ KH&ĐT cho biết, hiện có 32/63 địa phương xây dựng và ban hành Nghị quyết, chương trình hành động, đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn. Trong đó có một số địa phương đã rất quyết liệt trong công tác hỗ trợ DNNVV, bố trí kinh phí của địa phương ngay trong năm 2018 để triển khai hỗ trợ DNNVV như: Bắc Giang, Hà Tĩnh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Tháp…Tuy nhiên, những địa phương chưa triển khai không thấy báo cáo của Bộ KH&ĐT đề cập…

Vướng mắc còn nhiều…

Bên cạnh một số chuyển biến rõ nét và tích cực, theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, ông Lê Mạnh Hùng, sau 1 năm triển khai Luật đã bộc lộ một số tồn tại, khó khăn.

Trước hết, một số chính sách hỗ trợ DNNVV chưa triển khai được trên thực tế do quy định pháp lý chưa hoàn thiện, như: Chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN cho DNNVV, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn cho DNNVV từ Quỹ Phát triển DNNVV.

Cùng với đó, khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ quy định theo Luật Hỗ trợ DNNVV của các DNNVV còn rất hạn chế do quy định, thủ tục xét chọn, tuyển chọn, thẩm định kinh phí, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn khá rườm rà, nhiều thủ tục gây tâm lý e ngại cho các DN khi tham gia các chương trình, đề án hỗ trợ của Nhà nước.

Việc tiếp cận tín dụng cũng chưa thực sự hiệu quả khi các gói sản phẩm tín dụng dành cho đối tượng DNNVV chưa đa dạng, nhiều DNNVV đặc biệt là các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo phản ánh còn gặp khó khăn trong tiếp cận các khoản vay ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV như khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm DN và biện pháp phù hợp khác chưa được trển khai hiệu quả trên thực tế.

Ngoài ra, nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ còn hạn chế, dẫn đến các địa phương chưa chủ động bố trí được kinh phí hỗ trợ theo quy định. Đa số địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hoặc đề án hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Luật, nhưng chưa bố trí được kinh phí triển khai, trong khi nguồn lực T.Ư cũng chưa chủ động được để tập trung vào triển khai một số chính sách trọng tâm. Một số bộ chuyên ngành cũng chưa chủ động xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV trong phạm vi lĩnh vực, ngành quản lý…

Luật Hỗ trợ DNNVV được xem là một “cú hích” quan trọng để hướng tới mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020. Song với việc thực hiện Luật bằng tốc độ “rùa bò” như hiện nay, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về mục tiêu này và quan trọng hơn là tính thực thi của pháp luật…

Đọc thêm