Startup Việt có nguy cơ bỏ lỡ 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư

(PLVN) - Nguồn vốn đầu tư vào các Startup Việt ngày càng gia tăng, dự kiến trong vòng 3 năm tới, 18 quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ rót 10.000 tỷ đồng cho hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam. Nguồn vốn nhiều song các doanh nghiệp khởi nghiệp đang lo ngại sẽ bỏ lỡ cơ hội “vàng” này…
Nhiều trở ngại khiến các Startup khó tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. (Hình minh họa)
Nhiều trở ngại khiến các Startup khó tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. (Hình minh họa)

Vốn đầu tư ngày càng gia tăng

Với những hoạt động rất tích cực trong việc thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bức tranh khởi nghiệp của Việt Nam đang trở nên đầy triển vọng. Trong 3 năm trở lại đây, lượng vốn mà các doanh nghiệpstartup nhận được từ các quỹ đầu tư tăng rất nhanh lần lượt từng năm là 49%, 42% và 205% so với năm liền kề trước đó.

Theo Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp năm 2018 của Topica Founder Institute trong năm 2018, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD đầu tư trong 92 thương vụ với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, gấp 3 lần so với năm 2017 và gấp 6 lần năm 2016.

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm vừa qua đã tăng trưởng hết sức ấn tượng. Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp thì năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 startup. Trong 2 năm 2017-2018 đã phát triển mạnh mẽ với con số hiện có khoảng 3.000 DN.

Hiện nay, Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gần gấp đôi so với năm 2015. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm, như FPT, Viettel, Vingroup, CMC, CenGroup… Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước.

Trong năm 2018, nhiều tập đoàn lớn đã tăng cường đầu tư cho Hệ sinh thái khởi nghiệp như Vinacapital đã thành lập Quỹ đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD); Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ…

Năm 2019, hoạt động đầu tư tại Việt Nam tiếp tục diễn ra hết sức sôi động. Trong nửa đầu năm 2019, hàng chục thương vụ đầu tư đã được công bố với số tiền đầu tư vào các startup Việt ước tính lên đến 208 triệu USD chưa kể các thương vụ lớn chưa được công bố chính xác số tiền đầu tư. 

Cùng với đó là sự gia tăng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo. Tới thời điểm hiện tại, tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Ventures Summit 2019), 18 quỹ đầu tư mạo hiểm cam kết sẽ rót 10.000 tỷ đồng, tương ứng với 425 triệu USD cho hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam.

Điểm sáng của Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam là các startup đầu ngành hiện vẫn tăng trưởng, tiếp tục gọi vốn và mở rộng thị phần. Có thể kể đến những cái tên như: Tiki, Momo, Gotlt, Foody, Logivan… Tháng 1/2019, ví điện tử Momo – startup trong lĩnh vực fintech – nhận được khoản đầu tư lên đến 100 triệu USD. Mới đây, Abivin, doanh nghiệpkhởi nghiệp Việt cũng vừa giành Giải thưởng khởi nghiệp toàn cầu ở Hoa Kỳ với 1 triệu USD. 

Cơ hội có bị lỡ?

Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures cho biết, các doanh nghiệphầu hết đều mong muốn nhận được vốn từ nhà đầu tư chiến lược để thúc đẩy mở rộng thị trường. Song, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn lo ngại về thủ tục pháp lý, chuẩn hóa quy trình, luật bảo hộ cho nhà đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng. Chính vì vậy, các startup Việt bị bỏ lỡ nhiều cơ hội, 

“Là người thường xuyên được tiếp xúc với các nhà sáng lập, tôi hiểu rằng các doanh nghiệpkhởi nghiệp thường phải đối mặt với việc thiếu vốn và cần vốn nhanh, một hai tuần đôi khi quyết định sự tồn tại của họ”- ông Khanh chia sẻ.

Do đó, ông Khanh đánh giá, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của startup Việt Nam là quy trình thủ tục chính sách còn tốn khá nhiều thời gian. Trong khi đó, chỉ cần chậm vài tuần thì đã mất cơ hội được nhận vốn phát triển.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tuất, nhà sáng lập và CEO ứng dụng gọi xe FastGo cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư của startup Việt gặp khó là bởi các quy trình thủ tục từ lúc ký hợp đồng đầu tư đến lúc hoàn thành đầu tư mất khá nhiều thời gian. Điều này gây trở ngại cho các startup trong việc giải ngân và sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng đến việc phát triển các hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan đến từ thủ tục, quy trình gọi vốn, ông Nguyễn Việt Đức, nhà sáng lập và CEO ICM (Innovation Capital Management) cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, đến từ chính mặt hạn chế của các startup Việt Nam.

Đầu tiên là chất lượng dự án khởi nghiệp khá thấp, chỉ khoảng 5-10% các startup là có thể rót vốn. Thứ hai là kiến thức và kinh nghiệm của các nhà sáng lập còn non nớt. Thứ ba là thiếu hụt các công cụ tài chính cho đầu tư khởi nghiệp. Cuối cùng là sự rời rạc của Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.

Để khơi thông nguồn vốn đầu tư, các startup đề xuất nên xem xét cắt giảm các điều kiện và giấy phép kinh doanh. Chính phủ nên là đầu tàu dẫn dắt, hỗ trợ, tạo ra các chính sách có lợi, cũng như tổ chức một Hệ sinh thái khởi nghiệp gắn kết chặt chẽ các đơn vị khởi nghiệp.

Đọc thêm