Sự cố vỡ đập Thuỷ điện Sepien Senamnoi: Cảnh báo lớn cho việc xây dựng thuỷ điện sông Mekong

(PLO) - Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sự cố vỡ đập Thuỷ điện Sepien Senamnoi, Lào không gây tác động đáng kể tới Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, đây là lần thứ hai đập thuỷ điện Lào bị vỡ. Vỡ đập thủy điện Lào là câu chuyện cảnh báo cho việc xây dựng thuỷ điện sông Mekong.
Người dân sơ tán khỏi khu vực ngập lụt do sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi ở huyện Sanamxa y. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân sơ tán khỏi khu vực ngập lụt do sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi ở huyện Sanamxa y. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tối 25/7, Bộ TN&MT đã chính thức phát đi thông cáo báo chí về sự cố vỡ đập Thủy điện Sepien Senamnoi, nằm trên sông Senamnoi thuộc hai tỉnh Chămpasắk và Attapeu của Lào và mức độ ảnh hưởng đến ĐBSCL. 

Theo đó, Dự án Thủy điện Sepien Senamnoi là công trình trọng điểm về phát triển thủy điện của vùng Nam Lào, vị trí công trình cách dòng chính sông Mekong ở Campuchia khoảng 200km và cách biên giới Việt Nam khoảng 650km. Đập Thủy điện Sepien Senamnoi gồm ba con đập chính Sepien, Senamnoi, Houay Makchan và ba con đập phụ nhỏ hơn. 

Khoảng 20h ngày 23/7/2018, công trình đã bị vỡ đập phụ có tên gọi “Saddle dam D” được gọi với cái tên “Đập yên ngựa D”, có chiều cao 16m, rộng 8m; tổng chiều dài là 770m, làm bằng đất đá hỗn hợp. Nguyên nhân vỡ đập, theo thông cáo báo chí của Công ty Phát điện Ratchaburi (DN Thái Lan tham gia dự án trên cùng với các đối tác Hàn Quốc và Lào) là do mưa lớn bất thường và liên tục, vượt gấp ba lần lượng mưa thông thường dẫn đến quá tải cho đập phụ trong hệ thống các hồ. Con đập phụ vừa bị vỡ hoàn thành xây dựng vào tháng 4 vừa qua, trước thời hạn dự tính và được cho sẽ đi vào hoạt động vào tháng 2/2019. 

Theo Bộ TN&MT, trong khoảng 4-5 ngày tới, lượng nước từ sự cố hồ chứa sẽ tác động đến dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long của nước ta. Mực nước tại đầu nguồn sông Cửu Long gia tăng thêm tối đa khoảng 5-10cm. Trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh do lũ thượng nguồn về kết hợp với triều cường. Đến ngày 31/7/2018, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,2m (thấp hơn mức báo động 1 là 0,3m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,6m (thấp hơn mức báo động 1 là 0,4m). Do đó, theo nhận định ban đầu, sự cố vỡ đập Thuỷ điện Sepien Senamnoi sẽ không gây tác động đáng kể tới ĐBSCL của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết, ngay sau khi có thông tin vỡ đập, Ban Thư ký Uỷ hội sông Mekong quốc tế đã thu thập thông tin liên quan đến sự cố và giao Trung tâm dự báo Lũ của Ban Thư ký Uỷ hội nghiên cứu đánh giá tác động về ảnh hưởng của vỡ đập và tìm hiểu nguyên nhân vỡ đập để giúp Chính phủ Lào.

Đây là lần thứ hai đập thủy điện Lào bị vỡ. Trước đó, vào năm 2017, đập Nam Ao ở tỉnh Xaysomboun cũng vỡ làm ngập 7 làng. Với thảm họa vỡ đập lần này, một lần nữa cho thấy vấn đề an toàn đập trên lưu vực Mekong thực sự đáng lo ngại. Sự cố này cho thấy tình thế rất bị động, chưa đạt trình độ chuyên nghiệp, tin cậy trong cách làm thủy điện ở lưu vực Mekong. 

Những năm gần đây, thủy điện trên dòng chính sông Mekong đua nhau mọc lên. Trung Quốc, Lào và Campuchia đã quy hoạch hơn 20 đập thủy điện, trong đó Trung Quốc đã xây được 8 đập ở thượng nguồn. Lào và Campuchia có kế hoạch xây 11 đập ở hạ nguồn. Gần đây nhất, Lào tuyên bố xây dựng đập Pak Beng - đập thủy điện lớn thứ ba, sau hai đập Xayaburi và Don Sahong, bất chấp sự phản đối từ phía các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong. Đến năm 2030, thượng nguồn sông Mekong dự kiến có 467 thủy điện, trong đó khoảng 1/4 đang trong quá trình xây dựng hoặc dự kiến xây dựng, gia tăng nguy cơ gây sạt lở và xói mòn ở hạ lưu, trực tiếp là ĐBSCL. Bản chất ĐBSCL được hình thành do phù sa sông Mekong. Vùng đất này sẽ bị sụt lún khi không còn phù sa. Bài toán biến đổi khí hậu sẽ xảy ra nhanh hơn, nặng nề hơn khi các đập thủy điện lần lượt chặn dòng chính sông Mekong.

Gần đây thủy điện gần như đồng loạt phải xả lũ sau những trận mưa lớn lịch sử cho thấy lượng mưa đã không còn nằm trong tầm dự báo. Một ngày nào đó, lượng mưa có thể cao tới mức các cửa xả lũ của thủy điện không thể đáp ứng thì rủi ro vỡ đập là khó tránh khỏi. Con người không thể kiểm soát lượng mưa trong thời kỳ biến đổi khí hậu dữ dội như hiện nay. Các đập thủy điện trên sông Mekong phía thượng nguồn với Việt Nam giống như “hiểm họa xuyên biên giới” đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta. 

Đọc thêm