Tạo cơ chế đặc thù để phát triển TP HCM: Đưa niềm tự hào “hòn ngọc Viễn Đông” trở lại

(PLO) - Hôm qua (20/11), Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP Hồ Chí Minh. Các Đại biểu (ĐB) đều đồng tình với với việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho TP này, bởi đây là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, cũng là địa phương có đóng góp số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn cao nhất cả nước. 
TP HCM cần cơ chế đặc thù để phát triển xứng tầm
TP HCM cần cơ chế đặc thù để phát triển xứng tầm

Tuy nhiên, hiện tại TP đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về bất cập hạ tầng giao thông, ngập nước, y tế, giáo dục, môi trường, khả năng thu hút vốn đầu tư mới có thể bị giảm…Vì vậy, cần có cơ chế chính sách đặc thù phù hợp yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn phát triển mới mà không ảnh hưởng lớn đến ngân sách chung của Nhà nước và vốn đầu tư.

Không để TP loay hoay “xé rào” 

Nhắc lại thời kỳ lịch sử của TP Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho biết, rất nhiều lần TP đã có những việc làm, những cách làm có tính chất “xé rào” và tạo ra những làn gió đổi mới. Ví dụ, những năm 80, TP đã đề xuất thí điểm xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung trên địa bàn TP. Định chế đó sau này đã được pháp chế hóa thành quy định chung của cả nước. Thành phố cũng là nơi thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên của cả nước là Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Công thương vào tháng 10 năm 1987. Sau đó, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Ngân hàng vào năm 1990. TP Hồ Chí Minh cũng tiên phong trong việc đổi đất lấy hạ tầng với mô hình là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và đã mở rộng thành phố về phía Nam. Đây chính là sự gợi mở để một số tỉnh, thành, địa phương khác đã sử dụng phương thức đổi đất lấy hạ tầng để xây dựng các khu đô thị.

Do vậy, theo ĐB Mai Hoa, việc trao cho TP Hồ Chí Minh những cơ chế mới, những cơ chế riêng chính là Nhà nước đang giao nhiệm vụ. “Với nghị quyết này tôi hy vọng TP Hồ Chí Minh sẽ không cần phải loay hoay “xé rào” như thế nào mà có đủ những căn cứ pháp lý để bứt phá phát triển và mở ra những cách làm mới, tiên phong cho cả nước”- ĐB Mai Hoa nói.

Là nhà sử học, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, 30 năm của thế kỷ  trước, TP Hồ Chí Minh được xếp thứ 8 trong hệ thống các cảng của nước Pháp và hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới. “Như thế rõ ràng về tầm nhìn họ nhận ra điều đó và chính danh xưng mà ngày hôm nay chúng ta nhắc đến như niềm tự hào “hòn ngọc Viễn Đông” là nảy nở, soi sáng ngay trong thời kỳ đen tối của thời kỳ thuộc địa là do tầm nhìn của họ”, ĐB Quốc đánh giá.

Theo nhà sử học, dù trải qua 30 năm liên tục dưới chính quyền miền Nam Việt Nam, Sài Gòn vẫn là trung tâm kinh tế phát triển. Nhắc về giai đoạn khi Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh đã thống nhất với cả nước, nhà sử học phân tích: “Sau khi đất nước thống nhất, chúng ta đứng trước nhiều khó khăn và cũng có những nhận thức không đầy đủ, Sài Gòn bị kìm hãm. Chúng ta nhắc đến thời kỳ này là Sài Gòn phá rào, Sài Gòn bứt phá trong cơ chế hết sức hạn chế. Công cuộc Đổi mới đã mở cánh cửa cho Sài Gòn phát triển nhưng chúng ta thấy đến thời điểm này vẫn nằm trong một bằng chung, nửa vời bởi cơ chế không khác so với địa phương khác, rõ ràng chúng ta nhắc nhiều đến tầm nhìn”.

“Ngay Hà Nội, chúng ta đã có luật về Hà Nội rồi nhưng tôi cảm thấy luật đó vẫn chưa đủ, Hà Nội vẫn chịu nhiều sự ràng buộc. Tôi tin rằng thành công của TP Hồ Chí Minh sẽ mang lại sự sự bứt phá mới cho Hà Nội và cho cả nước”, ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh và cho rằng bất kỳ một thí điểm nào đều đứng trước nhiều thách đố, do đó, bên cạnh sự ủng hộ về tinh thần thì cần thiết có sự giám sát chặt chẽ của xã hội và sự năng động kịp thời điều chỉnh để Nghị quyết thành công.

Cân nhắc thu nhập tăng thêm của công chức, viên chức

Liên quan đến vấn đề TP quyết định mức thu nhập tăng thêm và bảng lương của công chức, viên chức, người lao động của TP, vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều. ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đồng tình với việc Hội đồng nhân dân TP sẽ quyết tịnh mức thu nhập tăng thêm và bảng lương trên sở căn cứ về năng suất, chất lượng công việc từ nguồn thu của TP. để khuyến khích thu hút nhân lực chất lượng cao. Theo ĐB, quy định khống chế ở mức trần là không vượt 1,8 sẽ rất khó cho thành phố trong việc thu hút nhân tài. Vì vậy, ĐB đề nghị không nên quy định ở mức trần này để thành phố chủ động hơn. “Cơ chế thí điểm này nếu đạt hiệu quả, tôi đề nghị cho phép nhân rộng ở một số nơi có điều kiện để chính sách này được lan tỏa và có cơ hội phát triển kinh tế của đất nước nhiều hơn”, ĐB Kim Bé nhấn mạnh.

Không đồng quan điểm, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng ông hoàn toàn thống nhất với quy định mức trần 1,8 lần  trong dự thảo là hợp lý. “Hết sức lưu ý là các tỉnh lân cận có điều kiện tương đồng như Bình Dương,  Đồng Nai chứ không phải chỉ TP Hồ Chí Minh, mà nếu chênh lệch quá lớn là không nên. Không những thế, nếu đã tăng lương thì phải có cơ chế tăng luôn cho những cán bộ, công chức các cơ quan trung ương nhưng đóng trên TP Hồ Chí Minh, vì họ cũng làm nhiệm vụ chính trị như thế, họ cũng sinh hoạt, thu nhập và tiêu thụ như thế, mức sống như thế thì sẽ tạo ra một chênh lệch quá lớn. Nếu vậy, chênh lệch quá lớn giữa hai cán bộ, công chức cùng công tác trên một địa bàn thì hết sức cân nhắc vấn đề này”, ĐB Bình lưu ý.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng nếu quy định mức lương trần thì sẽ xảy ra sự bất cập cho việc phát triển của các địa phương, các địa phương sẽ bị “chảy máu” chất xám, các nhà khoa học sẽ chạy hết sang TP Hồ Chí Minh.

Với 88,8% đại biểu tán thành, chiều 20/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Luật quy định rõ: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét áp dụng can thiệp sớm đối với TCTD lâm vào một trong các trường hợp sau: Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời hạn 06 tháng liên tục; Không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 03 tháng liên tục; Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của NHNN. NHNN cũng xem xét áp dụng can thiệp sớm đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi thuộc một trong các trường hợp trên.

Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản áp dụng can thiệp sớm của NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục tình trạng và tổ chức triển khai thực hiện. 

Đọc thêm