Tết này công nhân… 'ấm túi'

(PLO) - Rất nhiều đơn vị đã lên kế hoạch thưởng Tết cho người lao động (NLĐ), trong đó nhiều đơn vị có mức thưởng cao hơn đến 20 triệu đồng/người so với mức chung, nhưng cũng có nơi, thưởng chỉ như… cho có. Tuy nhiên bức tranh về nền kinh tế Việt Nam được vẽ từ mức thưởng Tết cũng cho thấy có sự khởi sắc. 
Công nhân dệt may lại đón một mùa tết ấm no
Công nhân dệt may lại đón một mùa tết ấm no

Dệt may tiến đều

Chia sẻ về tình hình thưởng Tết năm nay, đại diện Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho biết, năm 2017 thu nhập bình quân của NLĐ trong Tập đoàn là 7,1 triệu đồng một tháng, tăng 500.000 đồng so với năm 2016. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu Tập đoàn năm 2017 tăng 2,7% nhưng lợi nhuận của các DN thành viên chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn năm ngoái, vì thế mức thưởng Tết bình quân vẫn giữ như mọi năm là 2 tháng lương. Cao nhất, có DN thưởng 3 tháng lương.

Năm 2017 cũng ghi dấu mốc dệt may Việt Nam có 6 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng gấp đôi so với trước. “Sự tiến bộ của ngành Dệt may Việt Nam trong thời gian qua đều gắn với các hiệp định thương mại tự do”, một lãnh đạo trong ngành Dệt may nhận xét. 

Riêng với Vinatex, Tập đoàn này đạt doanh thu 45.550 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,1 tỷ USD và lợi nhuận trước thuế hơn 1.434 tỷ đồng. Năm 2018 Tập đoàn này đặt kế hoạch doanh thu 48.500 tỷ đồng, lợi nhuận 1.450 tỷ. 

Đại diện các công ty may cũng cho biết, tình hình sản xuất năm nay khá ổn, các đơn hàng nhiều, tổng giá trị xuất khẩu tăng khá cao. Điển hình như CTCP May và dịch vụ Hưng Long trên địa bàn huyện Mỹ Hào (Hưng Yên). Được biết, năm 2017, tổng doanh thu của Hưng Long đạt 625 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra. Do đó, mức thưởng tết Mậu Tuất 2018 bình quân cho công nhân khá cao, đạt 30 triệu đồng một người (công ty có khoảng 2.500 công nhân). 

Tiền thưởng tết của Hưng Long được căn cứ vào 3 tiêu chí gồm tổng ngày công đi làm trong năm, số tháng xếp loại trong năm và theo tiền lương đang hưởng. Với tiêu chí này, nhiều công nhân có mức thưởng tết lên đến 30-37 triệu đồng. Với NLĐ mới vào làm việc từ 1-2 tháng, Công ty cũng có mức thưởng động viên, từ 3-4 triệu đồng.

Đại diện CTCP May Hưng Yên cũng cho biết, thưởng Tết của DN năm nay có thể “nhích” hơn năm ngoái một chút. Cụ thể, mức thưởng của May Hưng Yên dự kiến khoảng 2 tháng lương. Các năm trước, mức thưởng Tết của Công ty luôn đạt trung bình 15-20 triệu đồng/người, mức thưởng cao nhất với chức danh quản lý khoảng 35-40 triệu đồng/người. Mỗi năm, công ty thường chi khoảng 230-270 tỷ đồng để thưởng Tết cho NLĐ.

Thưởng Tết tăng ở nhiều đơn vị…

Trong năm 2016 tổng kim ngạch xuất khẩu của Sam sung và các công ty thành viên đạt 40 tỷ USD. Dự đoán trong năm 2017  sẽ đạt khoảng 50 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng ước tính 25%. Đại diện Samsung cho biết, vẫn như mọi năm, Tết này, mỗi công nhân Samsung sẽ được thưởng Tết bằng 1 tháng lương. 

Tuy nhiên, so với năm 2017, mức thưởng Tết 2018 của mỗi nhân viên sẽ cao hơn do mức lương cơ bản của Samsung năm nay đã được điều chỉnh cao hơn. “Trên thực tế, mức lương cơ bản của Samsung luôn cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định” - đại diện Samsung khẳng định. 

Ngoài ra, mỗi năm Samsung có hai lần đánh giá hiệu suất làm việc (6 tháng một lần). Dựa trên kết quả đánh giá này, NLĐ sẽ được nhận thưởng, cao nhất bằng  khoảng 150% tháng lương. Khoản tiền thưởng hiệu suất vào dịp cuối năm này, NLĐ sẽ được nhận ngay sau dịp Tết. 

Bên cạnh số tiền thưởng Tết hàng năm, tất cả các bạn nhân viên đều được công ty tặng quà có giá trị để mang về biếu bố mẹ và gia đình. Samsung còn hỗ trợ một phần tiền tàu xe cho các nhân viên ở xa và có bố trí xe bus của công ty đưa nhân viên về quê ăn Tết. Hiện tổng số lao động của Tập đoàn Samsung lên đến trên 160.000 người. 

Ngoài các đơn vị kể trên, hầu hết các đơn vị ở các tỉnh, thành đều đã công bố mức thưởng Tết bình quân của Tết Mậu Tuất. Theo đó, TP HCM vẫn là nơi có mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất với mức thưởng lên đến 855 triệu đồng; xếp sau là Cần Thơ với 466 triệu đồng, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng lần lượt xếp sau với hơn 300 triệu đồng.

Trên địa bàn Hà Nội, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục dẫn đầu về mức thưởng Tết “khủng” lên tới 325 triệu đồng và mức thấp nhất là 700.000 đồng. Được biết, mức bình quân theo kế hoạch của các DN FDI là 4,6 triệu đồng/người. 

Đứng thứ 2 là DN dân doanh, với mức cao nhất 60 triệu đồng/người và thấp nhất 650.000 đồng. Mức thưởng bình quân trong khối này cũng tăng 5,5% so với năm trước, đạt 3,95 triệu đồng/người. 

Lao động tại các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ nhận được mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân 3,7 triệu đồng/người, tăng 8,8% so với năm trước. Mức thưởng cao nhất là 50,85 đồng/người và DN có mức thưởng thấp nhất là 800.000 đồng mỗi người.

Nhóm các công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước năm nay là nhóm có mức thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất tại Hà Nội là 3,85 triệu đồng/người, tăng 7% so với năm 2017. Mức cao nhất ở khối này là 30 triệu đồng/người, còn thấp nhất là 600.000 đồng. 

Đọc thêm