Thuế ưu đãi thực hiện các FTA: Tác động không đáng kể đến số thu ngân sách

(PLO) - So với các Nghị định ban hành năm 2016, có chưa đến 5% số dòng thuế thay đổi về thuế suất theo chiều hướng giảm. Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, sự thay đổi này tác động không đáng để đến số thu ngân sách…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hôm qua (5/1), Bộ Tài chính đã giới thiệu 10 Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA giai đoạn 2018-2022/2023, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. 10 Nghị định này đều được Chính phủ ban hành vào ngày 26 và 27/12/2017 thay thế 10 Nghị định được ban hành vào tháng 9/2016…

10 Nghị định ban hành biểu thuế gồm: Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA); Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á- Âu (VN-EAEU FTA); Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Trung Quốc (ACFTA); Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam – Chi Lê (VCFTA); Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA); Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN (ATIGA); Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA); Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA); Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN - Úc - Niu Di-lân (AANZFTA); Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN - Ấn Độ (AIFTA); Và Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Nhật Bản (AJCEP).

Lý giải vì sao phải ban hành một loạt Nghị định mới thay thế các Nghị định đã ban hành trước đó chỉ hơn 1 năm, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, việc Bộ Tài chính trình Chính phủ  ban hành 10 Nghị định  này chính là để thực hiện thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) Việt Nam và thực hiện Luật Hải quan, đồng thời để tiếp tục thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế NK trong các Hiệp định Thương mại tự do trong các năm tiếp theo.

“Yêu cầu ban hành này xuất phát từ việc điều chỉnh danh mục mô tả hàng hóa NK. So với 10 Nghị định trước, chưa tới 5% số dòng thuế có thay đổi về thuế suất theo chiều hướng giảm hơn một chút. Do vậy, giảm thu ngân sách so với 10 nghị định ban hành trước đó hầu như là rất ít, không tác động lớn. Mặt khác, việc này cùng đã được dự báo trong dự toán thu ngân sách năm 2018”- ông Tuấn Anh cho biết.

Theo đại diện Bộ Tài chính, điểm chung của 10 nghị định này là Quy định về việc ban hành Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt cho giai đoạn 5 năm, từ năm 2018 đến năm 2022/2023 nhằm đảm bảo tính ổn định và dễ theo dõi cho DN. Cụ thể: 7 Biểu thuế (Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu, ASEAN, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN-Úc-Niu-Di-lân, Việt Nam – Chi Lê) có lộ trình áp dụng từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm bắt đầu từ năm 2018 – 2022; 3 biểu thuế còn lại (Việt Nam – Nhật Bản, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ) có lộ trình riêng. 

10 nghị định này bổ sung quy định về thuế suất thuế NK trong và ngoài hạn ngạch thuế quan. Đối với hàng hóa NK áp dụng hạn ngạch thuế quan thì mức thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với số lượng hàng hóa NK trong hạn ngạch thuế quan được chi tiết tại Biểu thuế kèm theo các Nghị định. Mức thuế suất thuế NK ngoài hạn ngạch áp dụng theo quy định của Chính phủ tại thời điểm NK. Số lượng NK hàng năm theo quy định của Bộ Công Thương. 

Đồng thời quy định cụ thể về 4 điều kiện áp dụng thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt, đó là: Hàng hóa thuộc Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định;  Được NK từ các nước là thành viên của Hiệp định vào Việt Nam; Được vận chuyển trực tiếp từ nước XK vào Việt Nam;  Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) theo quy định hiện hành của pháp luật.

10 nghị định này cũng bổ sung quy định về các chú giải và quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa thực hiện theo Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, với việc cắt giảm một số lượng lớn các dòng thuế từ 1/1/2018 sẽ là cơ hội lớn cho các DN giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực SXKD, từ đó cũng góp phần tăng thu ngân sách... 

Đọc thêm