TP Vũng Tàu: Cần chấm dứt hành vi gây ô nhiễm môi trường

(PLO) - Với quyết tâm giữ sạch môi trường biển, năm 2015 chính quyền TP Vũng Tàu đã nghiêm cấm xả rác, bán hàng rong tại khu vực bãi Sau (khu vực Thùy Vân). Tuy nhiên, hiện nay tại khu vực Bãi Dâu, dọc đường Trần Phú vẫn tồn tại hàng loạt nhà hàng ven biển hoạt động gây ô nhiễm môi trường…
Hoạt động kinh doanh và chế biến  hải sản ngay trên vỉa hè của Vựa hải sản Thuận Phát
Hoạt động kinh doanh và chế biến hải sản ngay trên vỉa hè của Vựa hải sản Thuận Phát

Kẹt xe và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Có mặt tại Bà Rịa – Vũng Tàu vào ngày 3 và 4/6, đúng dịp hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2017 do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức, chúng tôi chứng kiến những dãy xe nối nhau gây kẹt cứng đoạn đường cùng cảnh các nhà hàng, vựa hải sản bày bán, chế biến hải sản trên vỉa hè và hai bên đường đoạn từ cây xăng Sai Mai đến hết số nhà 125 đường Trần Phú. Theo người dân địa phương, chuyện này diễn ra thường xuyên vào những ngày cuối tuần, lễ, tết...

Qua quan sát, cảnh kẹt xe, chế biến hải sản ngay trên vỉa hè diễn ra tại một số nhà hàng, vựa hải sản như Thành Phát, Tân Ký, Tân Phát... Nguyên nhân của tình trạng này là do việc bố trí, sắp xếp nhà hàng ở phía bên mép biển nhưng vựa hải sản để bán cho khách ăn tại chỗ hoặc mang đi lại ở phía bên kia đường. Do không có bãi để xe nên mỗi khi khách đi từ trung tâm TP Vũng Tàu muốn đến khu vực số nhà 121 hoặc 334 Trần Phú để vào ăn uống tại các nhà hàng này thì phải quay ngược xe về hướng trung tâm khoảng 1 km mới có chỗ đậu, nhưng cũng chỉ là đỗ xe ngay trên đường. Những ngày cuối tuần, ô tô của khách thường được nối thành hàng dài dọc đường Trần Phú gây mất mỹ quan và cản trở giao thông.

Đối với khách, sau khi đậu xe quay lại nhà hàng và muốn chọn đồ ngon, tươi sống phải sang bên kia đường tại vựa hải sản của nhà hàng Thành Phát hoặc Tân Ký (số nhà 334 và 336) rồi mới trở lại nhà hàng. Điều này gây nên cảnh lộn xộn, tắc nghẽn giao thông. Trong khi đó, thời điểm 11g30 ngày 4/6 chúng tôi chứng kiến nhân viên vựa hải sản Thành Phát chế biến hải sản ngay bên vỉa hè và toàn bộ nước rửa được đổ ra vỉa hè, tràn ra đường. Bên cạnh, vựa hải sản Tân Ký không có hệ thống gom nên nước từ các chậu đựng hải sản được xả thẳng ra vỉa hè. 

Cần sớm xử lý nhằm đảm bảo môi trường

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phía bên bờ biển với gần chục nhà hàng nhưng hầu hết là lấn chiếm mặt biển từ trước để kinh doanh và nhiều lần bị cơ quan chức năng TP Vũng Tàu xử phạt. Đến nay các công trình vẫn tồn tại nhưng đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho khách hàng khi hầu hết kết cấu xây dựng khá tạm bợ... Đã vậy, khách mỗi khi ăn uống thường tiện tay vứt rác xuống biển. Đặc biệt, đến đêm không ít nhà hàng khi dọn dẹp, lau rửa nước thải được xả thẳng ra biển. 

Thực trạng về ô nhiễm môi trường biển Vũng Tàu và khu vực xung quanh đã được cảnh báo từ năm 2008 khi Trung tâm quan trắc thuộc Sở TNMT Bà Rịa - Vũng Tàu công bố kết quả mẫu nước hầu hết vượt ngưỡng cho phép. Một trong những nguyên nhân chính là do nguồn nước thải sinh hoạt chưa xử lý đạt chuẩn đã xả ra biển bởi các nhà hàng, khách sạn. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và TP Vũng Tàu đã tổ chức nhiều chiến dịch nhằm giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Trong đó, quyết liệt xử lý những hành vi xả rác, bán hàng rong trên biển, xóa bỏ tình trạng xây dựng chiếm dụng bờ biển...Thế nhưng, không hiểu sao những hoạt động gây ô nhiễm của hàng chục nhà hàng, vựa hải sản quanh khu vực đường Trần Phú vẫn diễn ra? 

Theo Điều 79 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2013: Kể từ thời điểm Luật này được công bố, giữ nguyên hiện trạng, không được đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm. Trừ các trường hợp công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; đầu tư phục vụ lợi ích quốc gia...

Trong thời hạn 18 tháng kể từ thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý. Ngoài ra, theo quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên vùng đất ven biển và trên hải đảo phải có đầy đủ phương tiện, thiết bị xử lý chất thải bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; phải định kỳ báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về hiện trạng xử lý và xả chất thải ra biển theo quy định của Bộ TNMT.  

Theo tìm hiểu, sau đợt kiểm tra, thẩm định lại chất lượng về độ an toàn trong việc xây dựng nhà sàn phía trước biển đang kinh doanh nhà hàng ăn uống khu vực đường Trần Phú, tháng 11/2016 Phòng TNMT TP Vũng Tàu đã xác định các hộ dân tự ý xây dựng công trình không phép, lấn chiếm đất đai mặt nước biển để kinh doanh và kiến nghị kiên quyết xử lý triệt để, cưỡng chế tháo dỡ để bảo đảm an toàn cho khách và mỹ quan đô thị.  

Đọc thêm