Xây dựng chỉ dẫn địa lý: Thêm tiền, thêm danh tiếng cho nông sản Việt

(PLO) - Theo khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm nông sản nếu có chỉ dẫn địa lý (CDĐL) thường có giá trị  rất cao; thậm chí, giá bán cao gấp 50 lần so với sản phẩm cùng loại.
Giá trị, phẩm cấp một số mặt hàng nông sản tăng lên nhờ có tem nhãn CDĐL rõ ràng
Giá trị, phẩm cấp một số mặt hàng nông sản tăng lên nhờ có tem nhãn CDĐL rõ ràng

Lợi đủ đường…

Việt Nam có nhiều đặc sản nông nghiệp có giá trị kinh tế, gắn liền với các địa danh khắp cả nước như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, chè Thái Nguyên, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, cam Cao Phong...

Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến đầu năm 2018, Việt Nam có 727 nhãn hiệu tập thể, 203 nhãn hiệu chứng nhận và 60 CDĐL - dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm chất lượng, uy tín có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Liên quan vấn đề này, tại một cuộc hội thảo mới đây về vai trò của CDĐL trong phát triển kinh tế địa phương do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, bà Delphine Maria Vivian đến từ Trung tâm Hợp tác quốc tế Nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển - CIRAD (Pháp) khẳng định, có 4 lợi ích đối với nông sản có chứng nhận CDĐL. 

Cụ thể, nó sẽ mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất; các doanh nghiệp và địa phương thông qua đó có thể chống được hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Ngoài ra, còn giúp quảng bá sản phẩm địa phương, thu hút khách du lịch. Và cuối cùng, CDĐL góp phần bảo vệ, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống ở địa phương. 

“Nếu các CDĐL được khai thác tốt sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn cho Việt Nam không chỉ đối với kinh tế nông nghiệp mà còn góp phần mang lại nhiều giá trị to lớn trong các lĩnh vực khác”, đại diện CIRAD khẳng định.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Xuân Hà  - Công ty CP cam Cao Phong (Hòa Bình) cho hay, trước thời điểm trái đặc sản này này có CDĐL một cách bài bản, người dân địa phương ở đây vẫn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. “Vì thế, điệp khúc “được mùa, mất giá” liên tục xảy ra, có năm cam loại 1 giá chỉ khoảng 7.000/kg, trong khi đó, cam bán đại trà chỉ 3.000/kg mà không có người mua”, lời ông Hà.

Được biết, sau khi có CDĐL, cam Cao Phong không chỉ ổn định về sản lượng và chất lượng mà giá cả cũng luôn ổn định - dao động từ 17.000 đến 25.000/kg. Điều đáng nói, sau cách làm của cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã chú trọng xây dựng và phát triển thành công hàng loạt CDĐL cho sản phẩm nông sản trên toàn tỉnh. Theo đó, đến đầu năm 2018, riêng Hòa Bình đã có 15 chứng nhận CDĐL nông sản như bưởi đỏ Tân Lạc, gà Lạc Sơn...

Ở phía Nam, đầu năm 2018, dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp Giấy chứng nhận CDĐL. Đó là tin vui cho người dân miệt vườn Tây Nam bộ, bởi tỉnh này đang có 40% dân số trồng dừa và cũng chiếm gần 40% tổng diện tích trồng dừa cả nước. 

Đáng nói, các thống kê gần đây cho thấy, thị trường nước dừa tươi thế giới đã đạt con số 22 tỷ USD trong năm 2016, tăng so với mức 533 triệu USD trong năm 2011. Lợi thế có CDĐL này chắc chắn sẽ đem lại cho xứ dừa nhiều lợi ích kinh tế.

Cách nào khai thác hiệu quả hơn CDĐL?

Theo Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, tại Việt Nam các CDĐL chưa được sử dụng nhiều và chưa khai thác hiệu quả trong thương mại. 

Vẫn vấn đề này, báo cáo của CIRAD còn cho biết, có đến 50% CDĐL của nông sản Việt Nam không có người quản lý, khai thác. Chẳng hạn như CDĐL quế Hưng Yên được Nhà nước ủy quyền, giao cho Hiệp hội Ngành nghề quế địa phương quản lý, nhưng Hiệp hội này chỉ họp một lần vào ngày thành lập từ năm 2011 đến nay. Hay như trà Mộc Châu có Hiệp hội quản lý nhưng không khai thác hiệu quả CDĐL do cả 10 thành viên đều là nhà chế biến, không có nông dân tham gia…

Theo bà Delphine Maria Vivian, người tiêu dùng Việt Nam đã quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nhưng lại ít thấy thông tin về CDĐL trên nhãn những sản phẩm an toàn, hữu cơ… Đây là điều đáng tiếc và lãng phí khi phải bỏ công sức, tiền bạc để được chứng nhận CDĐL nhưng lại ít quan tâm, sử dụng. Thậm chí, không ít địa phương đăng ký CDĐL xong nhưng lại ít quan tâm hoặc “làm rồi để đấy” dẫn đến CDĐL gần như vô giá trị.

Được biết, CDĐL do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, khuyến khích việc canh tác và xây dựng chuỗi, còn Bộ Công Thương xúc tiến thương mại. Thế nhưng, chưa có sự liên kết giữa 3 Bộ này trong việc phát triển các loại cây, trái đặc biệt để làm thành những chuỗi sản phẩm đạt đúng giá trị thực của nó.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Toản  - Quyền Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc xây dựng CDĐL cho nông sản sẽ góp phần nâng tầm giá trị nông sản Việt, và đây cũng là chương trình được đầu tư và mục tiêu lớn của Bộ này. 

“Chủ trương của Bộ là phân làm 3 tuyến sản phẩm: Các mặt hàng chủ lực cấp tỉnh (10 nhóm hàng) xuất khẩu tỉ đô; hai là các nhóm mặt hàng cấp tỉnh như gà đồi Yên Thế, cam Cao Phong, vải thiều Lục Ngạn... là chủ lực của địa phương. Đối với nhóm này, Bộ Nông nghiệp phối hợp với Bộ KH&CN trong việc đăng ký nhãn hiệu tập thể gắn với CDĐL. Điều này phải làm tốt để nổi bật tính địa phương của nông sản, trong đó có cả việc trích xuất nguồn gốc như tem nhãn... Nhóm thứ ba là mỗi làng một sản phẩm do Văn phòng điều phối nông thôn mới. Chương trình này được tổng hợp từ chính các địa phương gửi lên, được Bộ rà soát cùng các đơn vị tư vấn của Nhật Bản để cung cấp các nguồn lực phát triển các chương trình này”, ông Toản nói.

Cũng theo vị đại diện Cục này, ba tuyến chính được hình thành và phát triển sẽ góp phần tạo nên chuỗi các sản phẩm nông sản theo từng cấp độ ra thị trường quốc tế đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; tiếp đó là vừa đảm bảo nhu cầu thị trường trong nước vừa đảm bảo xuất khẩu và cấp độ cuối cùng là gắn với các sản phẩm chủ lực của các tỉnh kết hợp phát triển với du lịch.

Ông Toản dẫn chứng, trong thời gian vừa qua, sản phẩm nông sản vải  thiều đã được xuất khẩu sang châu Âu và cả thị trường Mỹ, Úc cho thấy hiệu quả lớn, đặc biệt là giá ổn định đem lại nguồn thu bền vững cho bà con nông dân vựa vải Bắc Giang.

Đọc thêm