Có tham nhũng trong vụ bê bối vắc xin kém chất lượng rúng động Trung Quốc?

(PLO) - Dư luận Trung Quốc những ngày qua phẫn nộ trước thông tin hàng trăm nghìn liều vắc xin kém chất lượng đã được đưa vào hệ thống tiêm chủng quốc gia để dùng cho trẻ em, bao gồm cả trẻ sơ sinh.
Giới chức Trung Quốc đã mở cuộc thanh tra về vắc xin trên toàn quốc
Giới chức Trung Quốc đã mở cuộc thanh tra về vắc xin trên toàn quốc

Dữ liệu bị làm giả, vắc xin không đạt tiêu chuẩn 

Vụ bê bối vắc xin mới nhất tại Trung Quốc bắt đầu “bung bét” vào ngày 21/7, khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này (CFDA) cho biết Công ty Công nghệ Sinh học Trường Xuân Trường Sinh (Changchun Changsheng, có trụ sở tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm) đã bán khoảng 252.600 liều vắc xin DPT không đạt tiêu chuẩn cho Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Sơn Đông. 

DPT là vắc xin phòng chống các bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván nằm trong chương trình tiêm chủng bắt buộc trên toàn quốc. Vắc xin này thường được tiêm thành 3 mũi cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên. 

Thông tin này được công bố chỉ 5 ngày sau khi chính Công ty Trường Xuân Trường Sinh cũng đã bị phát hiện đã làm giả các dữ liệu về vắc xin phòng bệnh dại do công ty sản xuất. Trong danh sách khách hàng đã mua vắc xin phòng dại của Trường Xuân Trường Sinh, có cả Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Sơn Đông, cơ quan phụ trách y tế dự phòng cho khoảng 100 triệu người trong tỉnh.

Các thông tin nói trên ngay sau khi được tiết lộ đã gây chấn động dư luận Trung Quốc. Vụ việc nghiêm trọng đến mức Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi đang công du tại châu Phi cũng đã phải lên tiếng. Gọi đây là một vụ việc “đáng kinh hãi” và sai phạm của Công ty Trường Xuân Trường Sinh là “rất nghiêm trọng”, ông Tập yêu cầu chính quyền các địa phương của Trung Quốc ngay lập tức điều tra thấu đáo vụ việc, làm rõ những sai phạm và công bố kết quả kịp thời để đảm bảo ổn định xã hội.

Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tuyên bố vụ việc đã vượt qua “lằn ranh đỏ về đạo đức” và lệnh điều ra tra toàn diện về quy trình sản xuất, bán vắc xin trên toàn quốc. 

Trong một tuyên bố được đưa ra đêm 25/7, Cục quản lý dược phẩm Trung Quốc cho biết đã điều các nhóm thanh tra “điều tra thấu đáo toàn bộ quy trình và toàn bộ chuỗi sản xuất vắc xin của tất cả các nhà sản xuất vắc xin trên toàn quốc”. Cảnh sát Trường Xuân tuần qua cho biết đã bắt giữ 15 người, trong đó có nữ Chủ tịch và 4 giám đốc điều hành của công ty, để điều tra vụ việc hình sự liên quan đến bê bối. 

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Trường Xuân Trường Sinh ban đầu là công ty nhà nước nhưng sau đó đã  được tư nhân hóa. Bà Gao, Chủ tịch của Công ty này, được xếp ở vị trí 371 trong danh sách 400 người giàu nhất Trung Quốc năm ngoái do Forbes bầu chọn. Tổng giá trị tài sản của bà ta ước tính khoảng 1 tỉ USD.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Sơn Đông cho hay tổng cộng đã có 215.184 trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được tiêm phòng vắc xin DPT không đạt tiêu chuẩn. Theo các chuyên gia về y tế, vắc xin không đạt tiêu chuẩn chất lượng chắc chắn không có hiệu quả trong việc phòng bệnh. Song, chưa rõ chất lượng sản phẩm của Trường Xuân Trường Sinh đến đâu và nó có gây hại gì cho người sử dụng hay không. 

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, CFDA đã yêu cầu thu hồi toàn bộ số vắc xin do Trường Xuân Trường Sinh sản xuất hiện chưa được sử dụng. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở nhiều tỉnh của Trung Quốc đã mua vắc xin của Trường Xuân Trường Sinh cũng đã thông báo sẽ tiêm phòng lại cho những người bị ảnh hưởng.

Có hay không hành vi tham nhũng?

Song song với việc tiến hành thanh kiểm tra đối với tất cả các hãng sản xuất vắc xin trên cả nước, cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ trừng phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân và công ty có liên quan đến vụ bê bối. 

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, nạn tham nhũng và chế tài xử lý không đủ sức răn đe, cũng như sự thiếu hụt nhân sự, là các nguyên nhân chính khiến vắc xin kém chất lượng đã lọt được vào chương trình tiêm chủng toàn quốc của Trung Quốc.

Dẫn lời một cựu nhân viên Viện Quốc gia về Thực phẩm và Dược Trung Quốc (NIFDC), tờ báo trên cho hay, mỗi năm, các công ty của Trung Quốc sản xuất đến hơn 1 tỷ liều vắc xin, trong khi đó, NIFDC là đơn vị duy nhất có khả năng kiểm tra chất lượng và hiệu quả. Chính vì vậy việc kiểm tra là không xuể và vấn đề chất lượng sản phẩm nhiều khi được đặt vào “lương tâm” các công ty sản xuất. 

Chế tài xử phạt đối với các công ty dược phẩm vi phạm, ví dụ trong chính trường hợp của Công ty Trường Sinh Trường Xuân, chỉ là số tiền gấp 3 lần doanh thu từ số dược phẩm giả. Mức phạt theo đánh giá chỉ là “gãi ngứa” nếu so với doanh thu khủng mà các công ty có thể thu được nếu phạm pháp trót lọt.

Trụ sở Công ty Trường Xuân Trường Sinh
Trụ sở Công ty Trường Xuân Trường Sinh 

Ngay trong trường hợp của Trường Xuân Trường Sinh, sau khi bê bối bị phát hiện, Công ty này đã bị phạt số tiền tương đương hơn 500.000 USD – một con số rất nhỏ so với lợi nhuận 82 triệu USD mà công ty đã thu về trong năm ngoái.

Ngoài ra, nhiều người cho rằng Trường Sinh Trường Xuân khó lòng có thể tuồn thuốc kém chất lượng vào hệ thống vắc xin quốc gia nếu không có sự tiếp tay của các cán bộ tham nhũng. Theo hồ sơ tòa án, trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều nhân viên của công ty trên đã dính líu đến một số vụ hối lộ.

Mới đây nhất, chỉ trước khi vụ bê bối bị phát giác 1 tuần, đại diện kinh doanh của Công ty là Wu Yuhai đã bị tòa án buộc tội đưa hối lộ 24.200 USD cho người đứng đầu Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của thị trấn Trường Lĩnh, tỉnh Hồ Nam Wang Feng. Trong vụ việc này, ông Wang đã phải nhận án tù 8 năm vì tội nhận hối lộ và một số tội danh khác. 

Là nhà cung cấp vắc xin phòng bệnh dại và ho gà lớn thứ 2 tại Trung Quốc, theo các tài liệu được công bố, trong năm ngoái, công ty này đã chi hàng trăm triệu USD cho việc marketing mỗi năm nhằm thúc đẩy việc bán sản phẩm cho các trung tâm y tế dự phòng trên cả nước. 

Theo truyền thông Trung Quốc, trong số những người được cho là phải chịu trách nhiệm vì đã xảy ra vụ bê bối mới nhất vừa bị phát hiện tại Trung Quốc có ông Sun Xianze - quan chức phụ trách giám sát an toàn dược phẩm tại CFDA trước khi về nghỉ hưu vào hồi tháng 3 vừa qua. 

Đặc biệt, báo chí còn phát hiện ra rằng ông Xun chính là một trong những quan chức phải chịu trách nhiệm vụ sữa bột nhiễm melamine của công ty Sanlu (Tam Lộc) khiến ít nhất 4 trẻ thiệt mạng và hơn 10.000 trẻ nhập viện từng gây chấn động ở Trung Quốc hồi năm 2008.

Trong vụ việc này, ông Xun chỉ bị khiển trách, hình phạt nhẹ nhất trong số những quan chức chức bị liên đới trách nhiệm. Có điều, sau khi bị khiển trách, ông này lại được… thăng chức, được giao giám sát an toàn dược phẩm trên cả nước. Ngoài ông Xun, một số quan chức khác cũng bị trừng phạt vì vụ melamine rồi sau đó lại được cất nhắc lên những vị trí cao hơn!.

Ngành dược Trung Quốc có còn tham vọng xuất khẩu vắc xin?

Vụ bê bối vắc xin nói trên là bê bối mới nhất xảy ra đối với ngành dược phẩm của Trung Quốc trong vài năm gần đây. Trước đó, năm 2017, giới chức Trung Quốc cũng phát hiện Viện sản phẩm sinh học Vũ Hán đã bán 400.520 vắc xin DPT không đạt chất lượng cho các trung tâm y tế dự phòng ở các tỉnh Trùng Khánh và Hà Bắc.

Vào năm 2016, dư luận Trung Quốc cũng từng rúng động vì bê bối phát hiện hàng trăm nghìn liều vắc xin với tổng trị giá lên đến 84 triệu USD không được bảo quản đúng cách và đã hết hạn được bán trái phép khắp cả nước. Vụ việc này đã khiến 200 người đã bị bắt giữ.

Vụ bê bối đã khiến niềm tin của người dân Trung Quốc vào các dịch vụ thiết yếu ở trong nước bị tổn hại nghiêm trọng sau hàng loạt những vụ bê bối từng xảy ra trước đó. Nhiều bậc cha mẹ sau khi biết thông tin về vụ việc tỏ ra vô cùng phẫn nộ và cho biết họ đã mất hoàn toàn niềm tin vào dược phẩm sản xuất ở Trung Quốc. 

Một phụ nữ họ Li sống ở Thượng Hải cho biết tới đây chị sẽ chọn vắc xin nhập khẩu để tiêm cho con. Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng vụ bê bối còn ảnh hưởng tới vị thế của Trung Quốc ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang muốn trở thành một nước lớn trong ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu, đặc biệt là tham vọng trở thành nước xuất khẩu vắc xin của Trung Quốc. Vắc xin hiện là một ngành công nghiệp đang bùng nổ ở Trung Quốc, đem về doanh thu hơn 3 tỷ USD mỗi năm.

Đọc thêm