Đại dịch thuốc lá - Mối lo của xã hội

(PLO) - Indonesia được đánh giá là quốc gia có số người hút thuốc lá thuộc hàng cao nhất thế giới và con số này đang có chiều hướng tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng rất nhiều đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội, đe dọa mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia này vào năm 2030. 
Nữ công nhân sản xuất thuốc lá điếu ở Surabaya, Indonesia
Nữ công nhân sản xuất thuốc lá điếu ở Surabaya, Indonesia

Thế giới đang đứng trước nguy cơ ảnh hưởng đến Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030 do số lượng người hút thuốc lá, đặc biệt trong độ tuổi thanh thiếu niên, đang có dấu hiệu gia tăng ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Indonesia. 

Đại dịch

Theo báo cáo gần đây nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 2/3 nam giới Indonesia hút thuốc lá, chủ yếu trong độ tuổi 15-19. Tình trạng nghiện ngập này đã khiến các gia đình trở nên nghèo hơn vì người hút thuốc có thể chi tới 14,5% bình quân thu nhập của mình để mua 10 điếu thuốc mỗi ngày. Tình trạng này dẫn đến 200.000 ca tử vong liên quan đến thuốc lá hàng năm, vượt qua tỷ lệ tử vong do bệnh lao được ước tính là 150.000 vào năm 2015. 

Hơn nữa, Indonesia thiệt hại hàng năm khoảng 500.000 tỷ rupiah (37,5 tỷ USD) do ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp và gián tiếp của việc hút thuốc, vượt qua doanh thu từ thuế thuốc lá chỉ đạt 145.000 tỷ rupiah (10,9 tỷ USD) mỗi năm. Do đó, đại dịch thuốc lá không chỉ đơn thuần là vấn đề sức khoẻ mà còn là một nguy cơ nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, ngành công nghiệp thuốc lá ở Indonesia vẫn phát triển mạnh. Doanh số bán thuốc lá ở Indonesia ước đạt khoảng 248 tỷ điếu vào năm 2015, tốc độ tăng trưởng là 6,5%/năm, đưa Indonesia trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lớn thứ hai ở châu Á sau Trung Quốc. 

Mặc dù hơn một nửa thị phần của họ bị các công ty quốc tế chiếm lĩnh, nhiều công ty thuốc lá nội địa vẫn tuyên bố vai trò là người bảo vệ người trồng thuốc lá và di sản của đất nước. Không có gì ngạc nhiên khi họ có thể can thiệp vào việc hoạch định chính sách kiểm soát thuốc lá một cách thuận lợi, tận dụng các quy định về thuốc lá đã lỗi thời để tiếp tục tiến hành các hoạt động của mình. 

Lợi bất cập hại

Dưới áp lực của Luật Y tế vào năm 2009, Hiệp hội các nhà sản xuất thuốc lá của Indonesia đã in trên bao bì hộp thuốc lá dòng chữ “nicotin là một chất gây nghiện và nguy hiểm”. Mặc dù vậy các nhà sản xuất của nước này vẫn tiếp tục tăng sản lượng và đang lôi kéo Hạ viện Indonesia lên kế hoạch mở rộng việc sản xuất thuốc lá. 

Việc mở rộng sản xuất không mang lại lợi ích cho người trồng thuốc lá, người lao động và người nghèo. Các công ty lớn như Sampoerna thuộc sở hữu của Philip Morris, tiếp tục giảm công nhân khi họ chuyển sang sử dụng máy móc. Bên cạnh cơ chế gia tăng cơ giới hóa, các hoạt động tương tự như cartel (một hình thức hợp tác giữa các doanh nghiệp có vị trí độc lập với nhau - hợp tác theo chiều ngang - nhằm nâng cao sức mạnh của các bên trên thị trường) trong buôn bán thuốc lá đã làm suy yếu các nhà sản xuất nhỏ dựa vào sản xuất thủ công. 

Do khí hậu thay đổi và hành vi độc quyền, người trồng thuốc lá giờ đây chỉ kiếm được trung bình 775.000 rupiah/tháng, bằng 1/3 thu nhập của họ trong quá khứ. Trên thực tế, thuốc lá là loại cây trồng không bền vững và có giá trị thấp hơn các loại cây trồng khác như khoai tây, ngô, gạo và cà chua. Những doanh nghiệp thuốc lá lớn của Indonesia và các công ty đa quốc gia kiếm tiền từ sức khoẻ của nhiều công nhân, trong đó có nhiều trẻ em đang bị phơi nhiễm với chất độc nicotine, thuốc trừ sâu và các chất độc hại khác. 

Mặt khác, việc trồng thuốc lá gây ô nhiễm môi trường vì nó đòi hỏi một lượng lớn thuốc trừ sâu và phân bón có thể độc hại và gây ô nhiễm nguồn nước. Việc trồng cây thuốc lá sử dụng 4,3 triệu ha đất, chiếm từ 2-4% nguyên nhân nạn phá rừng toàn cầu. Khoảng 1,69 tỷ pound (hơn 700 tấn) rác thải thuốc lá là những rác thải độc hại. Ngoài ra, sản xuất thuốc lá cũng tạo ra 2 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm. 

Mặc dù giá bán lẻ thuốc lá trung bình tăng gần như đều đặn mỗi năm, mặt hàng này đang ngày càng có nhiều loại với giá cả phải chăng ngay cả đối với những người nghèo nhất và trẻ nhất. Indonesia có thể sẽ phải trả giá đắt liên quan đến vấn đề nhân khẩu học trong vòng 20 đến 30 năm tới nếu thế hệ trẻ tiếp tục hút thuốc lá một cách chủ động hoặc thụ động. Cuộc khảo sát gần đây nhất cho thấy chính phủ nên tăng giá thuốc lá gấp 3 lần (trung bình mỗi gói 50.000 rupiah) để giảm số lượng người tiêu dùng tới 72%. Tuy nhiên, điều này sẽ không có hiệu lực cho đến khi Hạ viện sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 39/2007 hạn chế thuế tiêu thụ đặc biệt tối đa là 57% giá bán lẻ. 

Theo tờ Bưu điện Jakarta, thuốc lá tàn phá không chỉ sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng của quốc gia. Do đó, chống nghiện hút thuốc lá không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là trách nhiệm của chính phủ và các cơ quan, ban ngành. Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 là một cơ hội mới với việc ưu tiên và kết hợp kiểm soát thuốc lá trong mỗi chương trình phát triển... 

Đọc thêm