Giải Nobel Y học 2018: Thắp lên hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư

(PLO) -Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư của hai nhà khoa học vừa đạt giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018 mới đây được xem là bước đột phá trong cuộc chiến với bệnh ung thư. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, bệnh nhân sẽ phải trải qua một số xét nghiệm để xác định có chốt kiểm soát miễn dịch hay không thì mới sử dụng được các loại thuốc này.
Bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện K.
Bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện K.

Năm 2017, Việt Nam áp dụng liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư

Tính tới năm 2018, mỗi năm ở nước ta có khoảng hơn 160.000 ca mới mắc ung thư, đứng thứ 87/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư và 114.871 ca tử vong do ung thư, tỉ lệ tử vong/100.000 dân là 104,4 đứng thứ 130/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư. Những con số trên là hồi chuông cảnh báo thực trạng người bệnh thường đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn. Rất nhiều bệnh nhân ung thư đã mất hy vọng khi phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối. 

Mới đây, thông tin liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư của hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) đã giành Giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018. GS Mỹ James P Allison (người phát hiện ra CTLA4) và đồng nghiệp Nhật Bản -  GS Tasuku Honjo (người phát hiện ra PD1). Cả hai yếu tố trên đều là tác nhân điều biến miễn dịch và có vai trò quan trọng trong bệnh học ung thư.

Sau khi giải thưởng được công bố, đông đảo bệnh nhân ung thư và người dân quan tâm mong đợi. Điều đặc biệt là tại Việt Nam, các nhà khoa học tại Trường ĐH Y Hà Nội đã ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân tại Việt Nam từ đầu năm 2017 theo cơ chế tương tự nhưng với một hướng tiếp cận khác. Theo đó, các tế bào miễn dịch của bệnh nhân được phân lập, nhân lên và biệt hoá ở ngoài cơ thể sau khi đạt được số lượng lớn thì được truyền trở lại cơ thể người bệnh.

TS.BS Đào Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K cho biết, ở Việt Nam, từ cuối năm 2017, Bộ Y tế mới chính thức cho lưu hành thuốc điều trị theo liệu pháp miễn dịch. Hiện, liệu pháp này được áp dụng tại các bệnh viện như Bệnh viện Ung bướu TP HCM, Bệnh viện K Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bình Dân TP HCM,...

Tại Bệnh viện K, TS Tú cho hay, từ năm 2016, một số bệnh nhân từ nước ngoài trở về Việt Nam đã sử dụng thuốc miễn dịch. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2017, được sự cho phép của Bộ Y tế, cơ sở này mới chính thức áp dụng phương pháp điều trị ung thư này. Đến nay, Bệnh viện K đã điều trị cho hàng chục bệnh nhân với phương pháp miễn dịch.

Không thể áp dụng cho tất cả bệnh nhân ung thư

GS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, phương pháp này không thể sử dụng cho tất cả bệnh nhân ung thư mà thường áp dụng cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư không thể điều trị, giai đoạn cuối, di căn. Bởi những bệnh ở giai đoạn sớm, các biện pháp như phẫu thuật, hóa trị liệu đã có thể phát huy tác dụng rất cao.

Ngoài ra, thuốc chỉ sử dụng được đối với bệnh nhân có chốt kiểm dịch, không phải ai cũng có thể dùng. Bệnh nhân phải trải qua một số xét nghiệm để xác định có chốt kiểm soát miễn dịch hay không thì mới sử dụng được liệu pháp miễn dịch. Bên cạnh đó, hai bệnh nhân tình trạng giống nhau, nhưng hiệu quả sẽ không tương đồng. Hiện nay, kết quả điều trị lâm sàng cho thấy không phải bệnh nhân nào có chốt kiểm miễn dịch khi dùng thuốc ức chế miễn dịch cũng đều hiệu quả.

Theo các bác sĩ, miễn dịch hiện chỉ là một trong 5 phương pháp điều trị ung thư hiện nay gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, miễn dịch và nội tiết. Biện pháp này có hiệu quả hỗ trợ các biện pháp khác song khá tốn kém, hiệu quả đôi khi còn hạn chế so với những biện pháp còn lại. 

Chi phí điều trị thuốc miễn dịch hiện nay rất cao, thuộc dạng đắt tiền, thậm chí với chi phí 100.000 USD/năm. Ở Việt Nam, thuốc thuộc diện nghiên cứu thì không mất tiền, bên cạnh đó các hãng thường có chương trình tài trợ, giảm giá cho các nước nghèo. Do đó, chi phí hiện tại ở nước ta cho một lọ thuốc dao động trên 60 triệu đồng. Mỗi bệnh nhân phải sử dụng 1-2 lọ trong một lần với liệu trình 3 tuần/lần. 

Theo các bác sĩ, liệu pháp miễn dịch ra đời không có nghĩa những phương pháp trước đây như phẫu trị, hóa trị, xạ trị, nội tiết, nhắm trúng đích,... không còn hiệu quả. Tùy bệnh trạng mỗi bệnh nhân, mỗi giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp, phối hợp đa mô thức một cách nhuần nhuyễn để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất. Bởi liệu pháp miễn dịch không phải là phương thức chữa khỏi ung thư giai đoạn di căn mà chỉ tiêu diệt phần nào và ức chế, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư.

Hơn nữa ung thư tuyệt đại đa số các trường hợp để điều trị hiệu quả cần phối hợp đa mô thức và toàn diện, không một phương thức đơn lẻ nào có thể mang lại thành công. Tuy nhiên, với những hiệu quả mà liệu pháp miễn dịch đem lại, về lâu dài người bệnh có quyền hi vọng rằng miễn dịch trị liệu sẽ trở thành một liệu pháp hữu hiệu kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư. 

Ngày 8/10, Bệnh viện K Trung ương đã tổ chức chương trình gặp mặt báo chí chia sẻ về “Phương thức điều trị miễn dịch trong ung thư”. PGS.TS Lê Đình Quảng, Phó Giám đốc BV K Trung ương cho biết, cách đây 4 năm, được sự cho phép của Bộ Y tế và kinh nghiệm thế giới, Bệnh viện K và một số bệnh viện khác trong cả nước đã tham gia thử nghiệm đa lâm sàng quốc tế với 4 loại thuốc điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch.

Tại Bệnh viện K trung ương, đã có khoảng 20 bệnh nhân được điều trị với thuốc ức chế kiểm soát miễn dịch. Trên lâm sàng, có những bệnh nhân kết quả ngoạn mục, thay vì sống một vài tháng thì sống thêm cả năm, vài năm. Đánh giá trên từng bệnh nhân cho thấy, tình trạng được cải thiện, khối u không còn bị di căn. Đơn cử một bệnh nhân nam 60 tuổi ung thư phổi giai đoạn cuối tiên lượng sống chỉ 4-5 tháng nhưng sau 3 đợt điều trị bằng phương pháp miễn dịch đến thời điểm này là hơn năm bệnh nhân vẫn đang được tiếp tục điều trị.

Tuy nhiên, “các bệnh nhân được điều trị đều là người bệnh đã ở giai đoạn di căn, khi các phương pháp khác không còn hiệu quả. Thuốc được chỉ định nhiều nhất cho các bệnh gồm: ung thư hắc tố, ung thư phổi, tiếp đến các ung thư đường niệu, thận, bàng quan, đầu cổ, ung thư gan. Gần đây u các đường tiêu hoá, ung thư buồng trứng, tử cung cũng đang được mở rộng điều trị”, PGS Quảng nhấn mạnh.

Đọc thêm