Khi hai Bộ phối hợp tăng cường, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân

(PLO) - Với những đặc thù và lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan mật thiết đến đời sống người dân của mình, mới đây  Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế đã chính thức bắt tay  ký kết Chương trình phối hợp công tác tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới giữa hai Bộ giai đoạn 2018 -2021
Khi hai Bộ phối hợp tăng cường, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân

Về phía Bộ LĐ-TB&XH, theo báo cáo hiện nay số người có vấn đề xã hội rất lớn, chiếm trên 20% dân số trong đó trên 10 triệu người cao tuổi, 7,6 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 2,783 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; trên 2 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm; khoảng 254 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện; hơn 210 nghìn người nghiện ma túy; hơn 48 nghìn người bán dâm. Hiện nay, cả nước có 325 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập. Lực lượng lao động có khoảng 53 triệu người, trong đó có 22 triệu người lao động làm việc trong khu vực có hợp đồng lao động (50% trong số này có được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế). Khoảng trên 30 triệu người lao động còn lại làm việc trong khu vực phi kết cấu, không có hợp đồng lao động, tự kiếm sống và không tham gia bảo hiểm xã hội. 

Đây là những đối tượng rất lớn thuộc quản lý của Bộ LĐ-TB&XH và sự hợp tác với Bộ Y tế có thể giúp ngành LĐ-TB&XH có thể chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho các đối tượng này.  Hiện mới chỉ thực hiện được việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho 20-30% người lao động có bảo hiểm xã hội, khám bệnh nghề nghiệp cho 100.000 -120.000 người lao động có nguy cơ, phát hiện được từ 5.000 - 7.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp và số lượng người lao động được chuyển sang giám định để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp chỉ chiếm 10 -15%, do vậy số người lao động sau khi giám định được hưởng bảo hiểm xã hội còn ít hơn nữa. Mặt khác, việc dự phòng, phát hiện sớm và quản lý các bệnh không lây nhiễm, bệnh liên quan đến nghề nghiệp cho người lao động chưa được chú trọng.

Do đó, việc ký kết chương trình phối hợp hành động giữa hai Bộ là rất cần thiết. Lãnh đạo hai Bộ sẽ chỉ đạo cụ thể, giao các đơn vị đầu mối của hai bên (Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH và Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế) xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai chương trình phối hợp này nhằm đảm bảo dịch vụ được cung cấp tốt hơn, mang lại sự hài lòng cho người dân. Theo biên bản ký kết, hai Bộ sẽ bố trí nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới. Để nâng cao sức khỏe nhân dân, hai bên sẽ nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển Y tế, Lao động xã hội đến năm 2030”.  

Đọc thêm