Làm gì để loại trừ nguy cơ nhiễm HIV cho con?

(PLO) - Mỗi năm ở Việt Nam có hàng nghìn trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV, hầu hết số trẻ dưới 15 tuổi nhiễm HIV là do lây truyền từ người mẹ nhiễm HIV. 

Làm gì để loại trừ nguy cơ  nhiễm HIV cho con?

Nếu không được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV mang thai sẽ có 35 trẻ sinh ra lây truyền HIV từ mẹ. Nhưng nếu được điều trị dự phòng chỉ có khoảng 5 trẻ sinh ra bị lây truyền căn bệnh này từ mẹ. Do đó việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất quan trọng.

Xét nghiệm HIV trước và trong thai kỳ, chuyện không thể coi thường

Đã 20 tháng tuổi nhưng bé H.M. C (tỉnh Hòa Bình) chỉ nhỉnh hơn trẻ sơ sinh một chút, 20 tháng tuổi nhưng bé chưa biết đi, chưa biết nói. Bé C mắc bệnh ho, viêm phổi và tiêu chảy khiến cả gia đình luôn phải gắn bó với bệnh viện để chữa bệnh cho con. Điều đáng buồn hơn đối với gia đình, trong một lần đưa C xuống Bệnh viện Nhi Trung ương chữa bệnh, tại đây cháu được chẩn đoán mắc bệnh HIV có thể do lây nhiễm từ mẹ bởi mẹ bé C cũng đã mắc căn bệnh này và qua đời. 

Câu chuyện buồn đó chỉ là một trong số khá nhiều câu chuyện trẻ lây nhiễm HIV từ mẹ đang ẩn quanh đâu đó trong xã hội bởi những trường hợp con lây truyền HIV từ người mẹ không còn là chuyện hiếm gặp. Tất cả những câu chuyện đáng buồn đó có lẽ đã không xảy ra nếu người dân có kiến thức nhiều hơn về HIV. 

Mỗi năm ở Việt Nam có hàng nghìn trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV. Hầu hết số trẻ dưới 15 tuổi nhiễm HIV là do lây truyền từ mẹ bởi phụ nữ nhiễm HIV thì có thể làm lây truyền HIV cho con trong khi mang thai, khi sinh, cho con bú. Nếu không được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV mang thai sẽ có 35 trẻ sinh ra lây truyền HIV từ mẹ. Nhưng nếu được điều trị dự phòng chỉ có khoảng 5 trẻ sinh ra bị lây truyền căn bệnh này từ mẹ. Do đó việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất quan trọng. 

Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), năm 2017, số phụ nữ có thai là hơn 2,7 triệu người, trong đó số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV là gần 1,4 triệu người (50,2%), phát hiện nhiễm HIV là 1.108 người; tỷ lệ HIV dương tính trong nhóm chuẩn đoán sớm trong vòng 2 tháng sau sinh là 1,8%. Tỷ lệ phụ nữ mang thai đã sinh con được làm xét nghiệm từ trước và trong mang thai thấp: chỉ 53%.  Năm 2017, đã có 1.959 mẹ được điều trị ARV, trước mang thai là 1.166 trường hợp, trong thời kỳ mang thai là 428 trường hợp, trong thời kỳ chuyển dạ là 365 trường hợp.

Mẹ nhiễm HIV vẫn có thể sinh con khỏe mạnh

TS Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, phòng, chống HIV là một công tác đòi hỏi thực tế, thực địa tại các vùng miền. Nhờ sự phát triển của công tác điều trị, phòng, chống mà tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con đã giảm đáng kể. Ngay cả khi bố mẹ đều nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh và không bị nhiễm HIV nếu mẹ sớm được dùng thuốc kháng vi rút (ARV) và tuân thủ việc nuôi con theo hướng dẫn của cán bộ y tế. 

Tuy đạt được kết quả tích cực, song công tác phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con hiện vẫn đang gặp nhiều thách thức, ThS Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Trưởng phòng điều trị HIV/AIDS của Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mang thai đã sinh con được làm xét nghiệm trước và trong quá trình mang thai thấp, ở mức 53% khiến cho công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa phát huy hiệu quả tối đa. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là rào cản cho việc tiếp cận với dịch vụ phòng lây truyền mẹ con. Bên cạnh đó, việc phối hợp trong phòng chống lây truyền mẹ con chuyển đầu mối sang hệ sức khỏe sinh sản thực hiện ở một số tỉnh còn lúng túng.

Mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, ThS Lan Hương cho biết, cần phải có sự tham gia tích cực hơn nữa của các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở y tế tại các phường/xã trong công tác dự phòng lây truyền mẹ con như tăng cường độ bao phủ xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, tăng cường xét nghiệm trong thời kỳ mang thai,…

Bên cạnh đó, khi việc thực hiện chuyển tiếp giữa hai hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV/AIDS, cần theo dõi chuyển tiếp phụ nữ mang thai HIV dương tính sang cơ sở chăm sóc điều trị để được theo dõi điều trị ARV ngay; chuyển tiếp mẹ và trẻ sau sinh sang cơ sở HIV/AIDS để được theo dõi điều trị cho đến khi trẻ khẳng định tình trạng nhiễm HIV.

Trước những yêu cầu đó với chủ đề “Xét nghiệm sớm HIV sớm - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2020”, tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2018 (từ ngày 1/6 – 30/6) nhằm đẩy mạnh sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân thực hiện công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm.

Đồng thời tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Đặc biệt, trong tháng cao điểm, các đơn vị chức năng sẽ tăng cường cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai), đẩy mạnh các can thiệp, chất lượng dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Đọc thêm