Mỹ: Nhức nhối tình trạng phân biệt đối xử người mang bầu

(PLO) -Kết quả một cuộc điều tra do tờ The New York Times của Mỹ thực hiện cho thấy nhiều phụ nữ đã bị sảy thai sau khi bị chủ sử dụng lao động ép làm việc nặng. Tình trạng này được cho là có một phần nguyên nhân từ sự bất cập của luật pháp.
Luật của Mỹ về bảo đảm sức khỏe cho thai phụ và thai nhi được cho là cần sửa đổi.
Luật của Mỹ về bảo đảm sức khỏe cho thai phụ và thai nhi được cho là cần sửa đổi.

Nỗi đau người mẹ

Tại khu nhà kho màu be không có cửa sổ của hãng Verizon ở vùng giáp ranh giữa bang Tennessee với Mississippi, hàng trăm công nhân, trong đó có nhiều người là phụ nữ, hì hục bê vác những chiếc thùng chứa những chiếc iPhone hay đồ công nghệ khác nặng đến vài chục cân. Tại khu nhà kho do một nhà thầu của Verizon quản lý đó không hề có điều hòa. Nhiệt độ trong nhà nhiều khi lên đến gần 40 độ khiến các công nhân vô cùng mệt mỏi.

Vào một buổi tối tháng 1/2014, sau ca làm việc kéo dài 8 giờ ở nhà kho, nữ công nhân Erica Hayes phát hiện cơ thể có điều gì đó bất thường nên vội vã chạy vào nhà tắm. Song, đã quá muộn. Hayes nhìn thấy máu chảy đầm đìa ra chiếc quần của cô. Lúc bấy giờ, Hayes 23 tuổi và đang trong 3 tháng cuối cùng của thai kỳ đứa con đầu lòng.

Trong suốt một thời gian dài trước vụ việc, dù có bầu nhưng cô vẫn thường xuyên phải bê vác những chiếc thùng thuộc loại lớn nhất trong nhà kho từ băng chuyền này sang băng chuyền khác. Khi biết mình có bầu, Hayes đã đến gặp quản lý để đề nghị được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn nhưng theo Hayes, người quản lý hết lần này đến lần khác từ chối yêu cầu.

Vì sinh kế nên Hayes buộc phải tiếp tục công việc. Trở lại với buổi tối đầu năm 2014, Hayes đã ngay lập tức được đưa đi cấp cứu. Thai phụ bị ngất đi khi đang trên đường đến bệnh viện và khi tỉnh dậy thì nhận được tin là đứa con gái mà cô hằng chờ mong đã không còn sống để có thể chào đời khỏe mạnh. “Đó là điều tồi tệ nhất mà tôi từng trải qua trong suốt cuộc đời mình”, cô gái trẻ cho hay.

Điều tệ hại là Hayes không phải là người duy nhất gặp tình cảnh như vậy. Theo các tài liệu mà New York Times thu thập được, chỉ trong cùng năm 2014, tại nhà kho đó cũng đã có 3 thai phụ khác bị sảy thai. Ở thời điểm các vụ việc này xảy ra, nhà kho này do Công ty hậu cần New Breed quản lý. Vào cuối năm, một công ty lớn hơn là Công ty hậu cần XPO mua lại nhà kho và tiếp tục được Verizon thuê. 

Song, vấn đề với những thai phụ thì không chấm dứt ở đó. Ngay trong mùa hè năm 2015, lại thêm một phụ nữ khác bị sảy thai. Đến tháng 8 cùng năm, một thai phụ khác là cô Ceeadria Walker, 19 tuổi, cũng đã phải trải qua điều tương tự. Cô đã trình cho quản lý xem phiếu khám của bác sỹ trong đó nói rằng cô không thể mang vác nặng và đề nghị quản lý chuyển cô xuống khu vực xử lý các đồ nhẹ nhưng yêu cầu không được đáp ứng.

Không những không được chuyển vị trí, Walker còn thường xuyên bị điều sang dây chuyền xử lý đồ nặng hơn. Kết quả là, ngay sau một ngày bị điều sang làm việc ở dây chuyền nặng hơn, cô đã bị sẩy thai.

Điểm chung trong các vụ việc này là tất cả các thai phụ đều đã yêu cầu được chuyển sang làm việc nhẹ nhàng hơn. 3 người trong số này thậm chí đã mang cả giấy khám sức khỏe do bác sỹ khám, trong đó khuyến nghị họ làm những công việc nhẹ nhàng và theo ca làm việc ngắn hơn để đảm bảo sự an toàn của cả người mẹ và thai nhi trong bụng nhưng những quản lý tại các nhà kho đều từ chối đề nghị.

Bất cập của đạo luật 40 năm

Theo một nghiên cứu do trường Đại học Sản, phụ khoa Mỹ công bố hồi đầu năm, với hầu hết phụ nữ, họ vẫn có thể làm việc bình thường trong thai kỳ. Tuy nhiên, với những phụ nữ phải làm công việc nâng bê đồ nặng, nguy cơ sẩy thai sẽ cao hơn.

Các nghiên cứu y khoa trong 2 thập kỷ qua cũng đã cho thấy mối liên hệ giữa việc làm việc tay chân và nguy cơ thai nhi tử vong dù mức độ tương quan cụ thể của 2 việc khó có thể làm rõ. Đó là lý do các bác sỹ thường khuyến nghị thai phụ làm những công việc nhẹ nhàng. 

Song, dựa trên việc tìm hiểu hàng ngàn trang hồ sơ của tòa án hay các tài liệu được công khai khác, New York Times phát hiện đã có nhiều phụ nữ đã bị sảy thai, sinh non hay thậm chí bị lưu thai sau khi bị chủ sử dụng lao động từ chối đề nghị được hỗ trợ, như được chuyển sang làm những công việc nhẹ nhàng hơn, ít phải bê vác hay đẩy những thùng hàng nặng.

Những người này làm việc trong bệnh viện, bưu điện, sân bay, cửa hàng tạp hóa, nhà tù, sở cứu hỏa, nhà hàng, công ty dược phẩm và khách sạn.

Chasisty Bee đã sảy thai sau khi bị từ chối đề nghị cho làm công việc nhẹ nhàng hơn.
Chasisty Bee đã sảy thai sau khi bị từ chối đề nghị cho làm công việc nhẹ nhàng hơn.

Theo tờ New York Times, tình trạng phân biệt đối xử với người mang bầu vẫn đang lan rộng trong các doanh nghiệp ở Mỹ. Một số chủ sử dụng lao động thường có xu hướng từ chối thăng chức hoặc tăng lương cho những người mang bầu.

Nhiều người khác thậm chí tìm cách sa thải trước khi họ nghỉ sinh con. Với những phụ nữ làm các công việc tay chân, tình trạng phân biệt đối xử với thai phụ có thể dẫn tới những hậu quả nặng nề hơn.

Tuy nhiên, theo luật pháp liên bang của Mỹ, việc từ chối các đề nghị được chuyển sang làm việc nhẹ hơn do các thai phụ đưa ra lại thường hoàn toàn hợp pháp. Hiện nay ở Mỹ, Luật chống phân biệt đối xử với người mang bầu là đạo luật liên bang duy nhất nhằm bảo vệ những thai phụ tại nơi làm việc. Song, luật này chỉ dài đúng 4 khổ và đã được ban hành đến 40 năm nay. Theo đạo luật liên bang năm 1978, các chủ sử dụng lao động phải đối xử tương tự nhau với người lao động. 

Theo luật này, các công ty không cần phải điều chỉnh công việc của những phụ nữ có bầu, kể cả khi trong công ty của họ khi đó vẫn còn những công việc nhẹ nhàng hơn có thể phân công cho họ làm hay khi bác sỹ có phiếu khám sức khỏe đề nghị cho thai phụ làm việc nhẹ. Một công ty chỉ phải đáp ứng yêu cầu của một thai phụ nếu công ty cũng đã làm vậy với các lao động khác có cùng khả năng làm việc.

Điều này có nghĩa là các công ty nếu không cho ai nghỉ sẽ không có nghĩa vụ phải điều chỉnh công việc hay cho thai phụ giảm bớt thời gian làm việc. Tại Công ty XPO, quy định này đang được họ áp dụng triệt để. 

Theo Nghị sỹ Jerrold Nadler của đảng Dân chủ, quy định nói trên không chỉ dẫn đến việc không bảo vệ được sức khỏe và tính mạng của những người mang bầu và thai nhi mà còn có thể dẫn tới việc đối xử tệ với những người không mang bầu khác.

Ví dụ, hồi tháng 10 năm ngoái, một phụ nữ 58 tuổi đã phàn nàn với một số công nhân khác tại nhà kho rằng bà cảm thấy không khỏe nhưng hồ sơ của cảnh sát và lời kể của những người cùng làm việc tại nhà kho cho thấy, quản lý tại nhà kho đã yêu cầu mọi người tiếp tục làm việc. Người phụ nữ sau đó đã tử vong ngay tại nhà kho vì bị trụy tim.

“Nếu các công ty có thể đối xử với những lao động không  mang bầu một cách tồi tệ, họ cũng có quyền đối xử tệ với lao động có bầu”, nghị sỹ Jerrold Nadler nhận định.

New York Times cho biết, trong năm 2013, hơn 5.000 đơn kiện về các cáo buộc phân biệt đối xử với người có bầu đã được gửi tới Ủy ban cơ hội việc làm bình đẳng của Mỹ. Vào mỗi phiên họp của Quốc hội Mỹ kể từ năm 2012 cho đến nay, một nhóm các nhà làm luật Mỹ đã đề xuất một dự luật với các điều khoản yêu cầu các chủ sử dụng lao động phải điều chỉnh việc làm cho người lao động để đảm bảo sức khỏe cho họ nhằm bảo vệ tốt hơn cho các thai phụ.

Song, đến nay, dự luật này vẫn chưa qua được ải của Quốc hội Mỹ, thậm chí còn chưa được đưa ra tại một phiên điều trần toàn thể. Hiện, nhiều nhà làm luật ở Mỹ vẫn đang thúc đẩy việc ban hành các quy định với các điều khoản bảo vệ mạnh mẽ hơn cho các thai phụ nhưng chưa thành công. 

Đọc thêm