PGĐ BV Phụ sản TƯ thông tin về triệu chứng và cách điều trị trầm cảm sau sinh

(PLO) - Thời gian gần đây có nhiều vụ án đau lòng xảy ra do phụ nữ trầm cảm sau sinh, điển hình là vụ người mẹ trẻ sát hại con trai 33 ngày tuổi gây rúng động dư luận ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Danh Cường – Phó Giám đốc (PGĐ) Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương (TƯ) thông tin thêm về bệnh này và cách điều trị.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Danh Cường - Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Danh Cường - Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương.

- Xin ông cho biết trầm cảm sau sinh là một bệnh lý hay là triệu chứng của các bà mẹ sau khi sinh con?

- Trầm cảm sau sinh là một bệnh lý thường gọi là bệnh loạn thần sau sinh, là 1 trong 3 loại bệnh tâm thần sau sinh.

Loại bệnh thứ nhất là buồn sau sinh, thứ hai là trầm cảm sau sinh không loạn thần và cuối cùng là loạn thần sau sinh.

- Nguyên nhân bệnh trầm cảm sau khi sinh là gì thưa ông?

- Sinh đẻ là một giai đoạn trong đó thay đổi tâm lý và sinh học rõ ràng. Nhiều nhà điều tra nhấn mạnh tầm quan trọng của sinh học trong bệnh nguyên của bệnh tâm thần sau sinh và họ cho rằng một số người có thể bị tổn thương sinh lý trong giai đoạn sau sinh.

Có 4 nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm sau khi sinh là yếu tố dịch tễ, yếu tố tâm lý xã hội, tiền sử bệnh tâm thần và yếu tố hormone.

- Phó Giáo sư, Tiến sĩ có thể cho biết dấu hiệu nào để nhận biết một bà mẹ bị mắc trứng bệnh trầm cảm sau khi sinh?

Dấu hiệu để nhận biết một bà mẹ bị mắc chứng bệnh trầm cảm sau sinh được xác định qua hai thời kỳ.

Thời kỳ mang thai: người mẹ thường hay lo lắng về thai kỳ, khí sắc không ổn định, cảm xúc buồn khổ, hay đòi hỏi yêu sách đối với người thân, đột ngột mê tín dị đoan, thay đổi thói quen ăn uống như ăn uống miễn cưỡng. Đôi khi biểu hiện nặng hơn dưới dạng loạn thần kinh, lo âu với than phiền cơ thể, mệt mỏi, ngủ ngày quá mức, tránh né quan hệ tình dục.

Ngoài ra, người mẹ thường buồn nôn và ói với cường độ không bình thường hoặc kéo dài dai dẳng. Đồng thời người mẹ còn bị rối loạn loạn thần, dấu hiệu này thường gặp trong những tháng cuối thai kỳ.

Thời kỳ sau sinh: Biểu hiện sau sinh của người mẹ là hay buồn, lo lắng đối với trẻ sơ sinh, khuynh hướng trầm cảm với cảm xúc không ổn định, dễ cáu gắt, bận tâm quá mức về cơ thể, cuối cùng là cảm giác mơ hồ. Hơn nữa, những biến đổi nội tiết tố sau sinh và những khó khăn thích nghi vị trí mới của bà mẹ cũng có thể quy kết là nguồn gốc ban đầu của bệnh lý này.

Điển hình nhất của bệnh lý này là người mẹ bị loạn thần, lú lẫn hoang tưởng sau sinh, dấu hiệu này thường xuất hiện từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 25 sau khi sinh của bà mẹ. Thông thường, dấu hiệu này được gọi là rối loạn giấc ngủ dưới dạng mất ngủ có ác mộng và kích động trong đêm. Dấu hiệu này rất dễ dao động nặng về ý thức, những ý nghĩ hoang tưởng, ảo tưởng giác quan, ảo thị thực sự dạng mê mộng.

- Bệnh trầm cảm sau sinh có thể dẫn tới những hậu quả thế nào, thưa ông?

- Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp lên bà mẹ mà còn liên quan đến con và thành viên khác trong gia đình.

Đối với bà mẹ không có khả năng chăm sóc con hoặc bị ảnh hưởng bởi hoang tưởng thì đứa con sẽ có nguy cơ bị giết, tỷ lệ này xảy ra từ 1 đến 3 trường hợp trên 50.000 lần sinh. Trong số này thì có đến 62% bà mẹ sẽ tự tử sau khi thực hiện hành vi giết con vì di chứng lâm sàng nặng nề.

Bệnh trầm cảm sau sinh đối với người mẹ thì có nguy cơ tự tử là do bị loạn cảm và trầm cảm phối hợp với tỷ lệ rối loạn loạn thần sau sinh. Đặc biệt là do ảnh hưởng của hoang tưởng.

- Tiến sĩ cho biết cách phòng ngừa và cách điều trị bệnh trầm cảm sau sinh?

- Chúng ta cần phải xác định được rõ dấu hiệu trầm cảm sau sinh của người mẹ mới có thể đưa ra các cách, phương pháp điều trị cho bệnh lý này.

Đối với dấu hiệu buồn sau sinh thường nhẹ và hồi phục tự nhiên, không điều trị đặc hiệu nào khác ngoài hỗ trợ và trấn an bệnh nhân.

Người bệnh bị trầm cảm nặng thì có cách điều trị không dùng thuốc và dùng thuốc.

Đối với cách điều trị không dùng thuốc, chúng ta dùng phương pháp tâm lý liệu pháp tập trung vào chính mình trong điều trị trầm cảm sau sinh. Tập trung mối quan hệ giữa bệnh nhân với người khác chủ yếu với chồng và với con.

Đối với cách điều trị dùng thuốc, đa số nghiên cứu hiệu quả của Fluoxetine, Sertraline, Venlafaxine trong điều trị trầm cảm sau sinh với liều chuẩn và dung nạp tốt. Nếu triệu chứng lo âu nặng thì phối hợp thêm Benzodiazepine (Alprazolam, Lorazepam). Thuốc chống trầm cảm bài tiết qua sữa khác nhau. Fluoxetine và Sertraline qua sữa khi cho con bú có biến chứng nặng trên trẻ sơ sinh nhưng biến chứng này hiếm gặp.

Đối với trầm cảm sau sinh nặng có nguy cơ tự tử thì cần cần phải sử dụng biện pháp choáng điện (ECT), biện pháp này cần dùng sớm ở bà mẹ trầm cảm sau sinh vì an toàn và hiệu quả điều trị cao. Lựa chọn phương pháp điều trị, điều quan trọng phải xem khả năng nhập viện lâu dài của bà mẹ có ảnh hưởng trên sự phát triển của con và mối liên hệ mẹ – con.

Loạn thần sau sinh là cấp cứu tâm thần đòi hỏi phải nhập viện điều trị. Có mối liên quan giữa loạn thần thai kỳ và rối loạn lưỡng cực. Điều trị ngắn hạn với thuốc chống loạn thần cũng như điều hòa khí sắc.

Thất bại trong điều trị loạn thần sau sinh kích động làm tăng nguy cơ nguy hiểm cho cả mẹ và con. Tỷ lệ giết con liên quan với loạn thần sau sinh không điều trị cao khoảng 4%; nguy cơ tự tử trong dân số này cực kỳ cao.

Mặc dù một số tác giả khuyến cáo dùng thuốc hướng thần ngay khi hết loạn thần, một số tác giả khác kéo dài thời gian điều trị vì họ cho rằng bà mẹ có nguy cơ loạn thần đến 1 năm sau sinh con. Dùng lâu dài thuốc chống loạn thần cổ điển nên giảm vì nguy cơ loạn vận động muộn. Dùng thuốc điều hòa khí sắc duy trì để tránh tái phát. Việc dùng thuốc điều hòa khí sắc trong điều trị duy trì vẫn còn tranh cãi.

Đọc thêm