Phòng, chống dịch sốt xuất huyết: Quân đội sẵn sàng các phương án khẩn cấp

(PLO) - Đến nay, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều quá tải bệnh nhân mắc SXH đến khám và điều trị. Trước nguy cơ dịch bệnh phát triển trên diện rộng, quân đội đã chung tay ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả và sẵn sàng cho các phương án khẩn cấp.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng kiểm tra xe phòng dịch của Cục Quân y.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng kiểm tra xe phòng dịch của Cục Quân y.

Huy động nhiều lực lượng phòng chống dịch

Theo Thiếu tướng Vũ Quốc Bình - Cục trưởng Cục Quân y Bộ Quốc phòng, trước khi bước vào mùa hè, Cục Quân y đã nghiên cứu, dự báo về các bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh SXH nói riêng và đã có văn bản chỉ đạo quân y các đơn vị trong toàn quân, các bệnh viện quân y chú trọng làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho bộ đội.

Nhờ chủ động cao nên đến nay hầu hết các cơ quan, đơn vị đều kiểm soát chặt chẽ, không để phát triển thành dịch trong quân đội. Số quân nhân mắc SXH cơ bản công tác tại hai địa phương là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và cơ bản đều lây nhiễm SXH khi ở gia đình.

Công tác phát hiện, cứu chữa và tuyên truyền để mỗi quân nhân và gia đình nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh được lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị triển khai kịp thời với nhiều biện pháp tích cực.

Mặc dù số quân nhân mắc dịch SXH không lớn nhưng thời gian qua, ngành Quân y đã chủ động tham mưu với lãnh đạo Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương phòng, chống dịch bệnh.

Thiếu tướng Vũ Quốc Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, nhất là khi SXH bùng phát trên diện rộng, các bệnh viện quân đội như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y), Bệnh viện Quân y 354 và Bệnh viện Quân y 105 (Tổng cục Hậu cần), Bệnh viện Y học Cổ truyền Quân đội… đã tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị hàng chục nghìn bệnh nhân SXH. 

Hầu hết bệnh nhân SXH đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế quân đội đều tăng đột biến. Để làm tốt công tác tiếp nhận, phân loại, cứu chữa và tư vấn cho người bệnh, các bệnh viện quân y đều tổ chức tăng cường nhân lực, vật lực, dồn dịch giường bệnh, tổ chức tập huấn chuyên môn về điều trị SXH cho bác sĩ, nhân viên y tế, nâng cao khả năng cấp cứu, thu dung điều trị bệnh nhân. Nhiều bệnh viện đã có những biện pháp tích cực, đột phá phục vụ tốt nhất người bệnh, như: Bệnh viện Quân y 103 đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống SXH và thành lập nhóm điều trị SXH, lập đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ nhằm thông tin kịp thời và nâng cao chất lượng chất lượng khám, điều trị bệnh nhân SXH; bệnh viện Quân y 354 và Bệnh viện Quân y 105 ngoài việc khám, chữa cho bệnh nhân SXH, còn cử các tổ quân y làm tốt công tác chỉ đạo đối với các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến dưới, tuyến cơ sở, góp phần giảm tải cho các đơn vị tuyến trên trong khám và điều trị bệnh nhân SXH.

Ngoài ra, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là những nơi đơn vị đóng quân có dịch SXH đã cử hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tổng dọn vệ sinh, làm sạch môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, tổ chức diệt loăng quăng, bọ gậy, triệt tiêu điều kiện sinh trưởng của muỗi. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng cũng được cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chú trọng tuyên truyền đến đông đảo quần chúng nhân dân. Những đóng góp, thành tích trong công tác phòng chống dịch bệnh SXH của quân đội được Bộ Y tế và ngành Y ghi nhận, đánh giá cao.

Sẵn sàng các phương án cứu chữa hàng loạt

Đến nay tình hình dịch SXH vẫn đang có những diễn biến khá phức tạp với số người mắc bệnh cao nhất trong 10 năm qua. Toàn dân, toàn quân đang nỗ lực huy động các nguồn lực để khống chế và dập tắt dịch bệnh nguy hiểm này. Trong trường hợp có các yếu tố chủ quan và khách quan khiến cho dịch bệnh SXH bùng phát mạnh, Thiếu tướng Vũ Quốc Bình cho biết, ngành Quân y đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trên cơ sở nhân lực của các bệnh viện quân đội, tổ chức thành lập các tổ chuyên khoa về truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh SXH, cứu chữa bộ đội và nhân dân.

Ngoài ra, ở cấp độ cao hơn, Bộ Quốc phòng sẽ thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm trên cơ sở các bệnh viện quân y khi có yêu cầu. Các bệnh viện dã chiến này có khả năng đáp ứng tới 3.000 giường bệnh (thu dung 3.000 bệnh nhân trên địa bàn của cả nước). Trên thực tế, hàng năm các bệnh viện quân y đều lập kế hoạch, tổ chức diễn tập bệnh viện dã chiến và sẵn sàng vận hành nếu có tình huống nảy sinh. Điều đó cho thấy lực lượng quân y đã chủ động chuẩn bị về kỹ lưỡng, chu đáo về mọi mặt, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ khi có tình huống khẩn cấp về y tế.