Sử dụng tinh trùng người đã qua đời: Băn khoăn giữa pháp lý và nhân đạo

(PLO) - Mới đây, tại TP HCM, một vụ việc liên quan đến việc sử dụng tinh trùng người đã qua đời lại làm dấy lên mối quan tâm của xã hội về khía cạnh nhân đạo, cũng như những vướng mắc pháp lý xung quanh vấn đề này... 
Việc gửi tinh trùng lưu giữ tại một cơ sở y tế phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Việc gửi tinh trùng lưu giữ tại một cơ sở y tế phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nước mắt người ở lại

Đã một thời gian dài, bà N.T.H (tên nhân vật đã thay đổi) ở TP HCM và người phụ nữ trẻ được bà coi là con dâu bỏ rất nhiều công sức đi lại để mong mỏi đạt được nguyện vọng của mình. Con trai duy nhất của bà H. và bạn gái đã lên kết hoạch kết hôn và sinh con nhưng không may, anh phát hiện bệnh hiểm nghèo và được tiên lượng là khó qua khỏi.

Trước khi tiến hành điều trị bệnh, anh đã quyết định gửi tinh trùng của mình tại Bệnh viện T với hy vọng khi bệnh tình đỡ hơn thì sẽ tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm để có đứa con chung với bạn gái. Song do bệnh tình quá nặng, anh qua đời ở tuổi 22 khi mới chỉ tổ chức đám cưới mà chưa kịp đăng ký kết hôn và tiến hành thụ tinh ống nghiệm như dự định.  

Sau khi lo đám tang, bà H. và người con dâu (tạm gọi như vậy) đã liên hệ với bệnh viện nơi đang lưu trữ mẫu tinh trùng của con trai bà H. để xin được thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai vì đây vừa là nguyện vọng của người đã khuất, cũng là cách duy nhất để duy trì được nòi giống của gia đình anh.

Tuy nhiên, khi bệnh viện đề nghị người con dâu  nộp giấy đăng ký kết hôn thì chị này không có. Về phần mình, bà H. đã đưa ra rất nhiều bằng chứng về mối quan hệ vợ chồng của hai con như ảnh cưới, xác nhận họ hàng, nhưng “luật vẫn là luật”, mặc dù rất thông cảm và thương xót cho hoàn cảnh, nhưng bệnh viện vẫn phải từ chối nguyện vọng của gia đình.

Sau khi bệnh viện từ chối, bà H. đã  đề nghị bệnh viện trả lại số tinh trùng đang lưu trữ cho gia đình, nhưng bệnh viện yêu cầu nếu như có văn bản pháp lý công nhận mẫu tinh trùng mà bệnh viện đang lưu trữ là tài sản mà bà H. được thừa kế từ con trai đã qua đời của mình thì sẽ trả lại.

Bà H. đã mang câu hỏi này đến Phòng Công chứng và nhận được câu trả lời rằng, mặc dù vấn đề này mang tính nhân đạo liên quan đến cuộc đời của cá nhân và gia đình, tuy nhiên đây cũng là vấn đề mới mà pháp luật chưa có quy định nên cần có sự cân nhắc và bàn bạc của các cơ quan liên quan.

Phải là vợ mới được sử dụng tinh trùng của chồng

Câu chuyện của gia đình bà H. một lần nữa lại làm dấy lên mối quan tâm của xã hội về khía cạnh nhân đạo, cũng như những vướng mắc pháp lý xung quanh sử dụng tinh trùng của người đã qua đời.

Còn nhớ, cách đây mấy năm, công bố của TS Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội về hai bé trai sinh đôi (tại Hà Nội) chào đời nặng 2,4 kg và 2,6 kg là kết quả của ca thụ tinh trong ống nghiệm vô cùng hy hữu bằng tinh trùng của người bố lấy từ tử thi được bảo quản sau 3 năm đã khiến dư luận xã hội rúng động.

Theo lời TS Vương Văn Vệ thì theo đề nghị của một người phụ nữ, ông trực tiếp lấy một bên tinh hoàn của một nam giới 30 tuổi (ở Hà Nội) là chồng của chị này đã tử vong do tai nạn giao thông. Tinh hoàn được lưu trữ, bảo quản tại ngân hàng mô tinh trùng của bệnh viện.

Mãn tang chồng, người vợ đề nghị được sinh con từ tinh trùng của chồng được bảo quản. Hai phôi được bác sĩ cấy vào tử cung vợ của người đã mất. Chị đã mang thai và sinh đôi hai bé trai kháu khỉnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn vô sinh cũng không có quy định nào về trường hợp người thân có quyền lấy và sử dụng tinh trùng của người chết, khi không có sự đồng ý của họ trước đó. Còn nếu chiếu theo Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người thì cũng không được, vì theo Luật cũng cần phải có sự đồng ý của người bệnh, người chết về việc họ cho phép lấy mô, bộ phận cơ thể của họ.

Cũng ở thời điểm đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng cho rằng: “Trong trường hợp người vợ sở hữu tinh trùng của người chồng, dù không có ý kiến của người chồng (do bị tử vong) thì vẫn được chấp nhận vì đó là quyền nhân thân. Tuy nhiên, với các trường hợp khác, việc hiến, lấy mô tạng từ người chết và chết não phải theo đúng Luật quy định. Không cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được phép lấy khi người đó không có thẻ hoặc đơn tình nguyện hiến mô, tạng của chính người hiến sau khi họ qua đời”.

Trên thế giới câu chuyện này cũng không hiếm gặp. Một cặp vợ chồng người Anh giàu có đã cố gắng tạo ra cháu trai nối dõi bằng tinh trùng của con trai qua đời trong một vụ tai nạn xe máy. Gần một năm sau cái chết của chàng trai 26 tuổi, đứa trẻ ra đời. Điều đáng nói là việc đem tinh trùng của người đã khuất thụ tinh để sinh con gây tranh cãi về tính pháp lý tại nhiều quốc gia trên thế giới.

“Tạo ra một đứa cháu sẽ khác biệt rất nhiều với việc tạo ra một đứa con. Thử hình dung đứa cháu sẽ nghĩ rằng: Cha tôi đã chết và ông ấy không bao giờ biết về sự tồn tại của tôi. Đây là một tình huống mang tính đạo đức nan giải” - Theresa Erickson, một luật sư Mỹ đã trả lời Tạp chí Time như vậy.

Như vậy quay lại với câu chuyện của gia đình bà H. thì câu trả lời của bệnh viện hiện nay đang lưu giữ mẫu tinh trùng là không sai. Bởi theo quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thì con dâu bà H. chỉ được quyền sử dụng tinh trùng của anh T. khi chị và anh T. đã thực hiện việc đăng ký kết hôn đúng pháp luật (khoản 2 và khoản 4 Điều 21 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo).

Cũng có quan điểm cho rằng, vì con dâu bà H. mới chỉ làm đám cưới về mặt thủ tục truyền thống chứ chưa đăng ký kết hôn hợp pháp nên xét về mặt pháp lý thì chị này hiện là phụ nữ độc thân.

Theo quy định của pháp luật, chị này có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách nhận tinh trùng của người khác trên nguyên tắc vô danh, chứ không thể sử dụng tinh trùng của đích danh con trai bà H. (theo tinh thần Điều 3, Nghị định số 10/2015/NĐ-CP thì việc cho và nhận tinh trùng được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận).

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, việc gửi tinh trùng lưu giữ tại một cơ sở y tế phải được thực hiện theo quy định của pháp luật chứ không phải ai thích lưu giữ thì lưu giữ, ai thích sử dụng như thế nào thì sử dụng.

Theo quy định tại khoản 1 điều 21 của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP, việc gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi được thực hiện trong các trường hợp: người chồng hoặc người vợ trong những cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh; người có nguyện vọng muốn lưu giữ cá nhân; người tình nguyện hiến tinh trùng, hiến noãn, hiến phôi; cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân lưu giữ phôi còn dư sau khi thụ tinh trong ống nghiệm thành công.

Đọc thêm