Trẻ bị tiêu chảy cấp, đừng kiêng nước dừa

(PLO) - Khi trẻ bị tiêu chảy, không ít phụ huynh kiêng, không cho trẻ uống nước dừa vì cho rằng nước dừa mát nên sẽ khiến trẻ tiêu chảy nặng hơn. Tuy nhiên, theo nhi khoa thì nước dừa hoàn toàn có thể thay thế nếu trẻ không uống được các loại nước bù chất điện giải.
ThS. Bs Huỳnh Tiểu Niệm, giảng viên Bộ môn Nhi trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trình bày tại Phòng khám đa khoa đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Đoàn Huy Khả
ThS. Bs Huỳnh Tiểu Niệm, giảng viên Bộ môn Nhi trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trình bày tại Phòng khám đa khoa đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Đoàn Huy Khả

Tiêu chảy cấp, theo định nghĩa của Tổ chức Vị tràng học Thế giới (World Gastroenterology Organisation), là đi tiêu phân lợn cợn hoặc phân lỏng liên tục một cách bất thường kéo dài gần 14 ngày.

Theo ThS. Bs Huỳnh Tiểu Niệm, giảng viên Bộ môn Nhi trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, để bù nước cho trẻ bị tiêu chảy, nếu trẻ không uống được các loại nước có chất điện giải thì nên cho trẻ uống nước dừa tươi. Vì nước dừa tươi là vô trùng và cũng có đủ các chất điện giải, đủ sức đảm bảo bù nước. 

Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, nhiều trường hợp phụ huynh khẩn trương điều chỉnh chế độ ăn của trẻ. Chẳng hạn chỉ cho ăn cháo chứ không cho ăn các loại thức ăn khác. Theo Bs Niệm, nước cháo loãng chỉ có tác dụng bù nước, làm cho trẻ no mà không đủ dinh dưỡng. Vì vậy phụ huynh vẫn nên cho trẻ ăn đầy đủ bốn nhóm thức ăn như bình thường. Nếu không có nhóm chất đạm, nhóm chất xơ, nhóm chất béo mà chỉ có nhóm tinh bột thì sẽ khiến cho trẻ dễ bị suy kiệt hơn. 

Tại buổi tư vấn và tầm soát do Phòng khám đa khoa đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức ngày 04/08/2018 với chủ đề “Chăm Sóc Trẻ Bị Sốt, Tiêu Chảy tại Nhà”, ngoài sữa mẹ vừa là thức ăn vừa là nước rất tốt và ngoài nước dừa như đã nói bên trên, Bs. Niệm đưa ra lời khuyên đối với trẻ không bú mẹ hoàn toàn, là nên cho trẻ uống một hoặc nhiều loại dung dịch: nước chín, nước súp, nước trái cây và cần tránh các loại giải khát, nước trái cây công nghiệp, nước trái cây quá ngọt.

Về dinh dưỡng, chỉ tránh cho trẻ ăn những rau sợi thô, củ quả, hạt ngũ cốc có nhiều chất xơ vì khó tiêu hóa và tránh thức ăn chứa nhiều đường (vì gây tiêu chảy thấm thấu làm tiêu chảy nặng thêm). Còn lại, không nên kiêng ăn, kiêng sữa; không cần pha loãng sữa, không đổi sữa. Tuyệt đối không được bắt trẻ nhịn ăn để ruột nghỉ ngơi mà nên cho trẻ ăn làm nhiều bữa (6 bữa/ ngày), thức ăn cần nấu nhừ với thực phẩm nên đủ 4 nhóm: tinh bột, đạm, rau củ, chất béo.

Trường hợp thấy một trong những dấu hiệu sau đây thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế: đi ngoài rất nhiều lần phân lỏng (đi liên tục); nôn ói nhiều; trẻ rất khát; ăn uống kém hoặc bỏ bú; sốt cao; li bì, khó đánh thức; có máu trong phân.

Đọc thêm