Lý giải những câu chuyện đau lòng: giết cha, bỏ chết mẹ già

(PLO) - “Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng/Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày”, vì “Một mẹ nuôi được mười con/Nhưng mười con không nuôi nổi một mẹ”. Phải chăng đó cũng là số kiếp luân hồi của con người?
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
“Tôi chỉ biết cười trừ vì nước mắt có bao giờ chảy ngược”
Đó là lời tâm sự buồn của một luật sư khi ông bào chữa cho một vụ án con giết cha. Con cố tình giết cha đến chết, nhưng thật may người cha không chết và khi ra trước tòa ông lại ra sức bảo vệ đứa con của mình, rằng “vì mình mà nó đã giết cha”. 
Câu chuyện bắt đầu từ hai cái tát của người cha đối với con trai mình là N.T.L vì L. đã nói hỗn với ông. Thế là L. đã không ngần ngại chạy ngay xuống bếp lấy dao ra nhằm tước đoạt mạng sống của cha mình. Không những thế khi cha được hàng xóm đưa đi cấp cứu thì L. từ phía sau còn cố chạy tới chém tiếp vào đầu ông một nhát nữa nhằm đạt được mục đích cuối cùng. 
Tiều tụy bởi tỷ lệ thương tật 23%, nhưng ra trước tòa, người cha vẫn đưa ra lý do biện minh để giảm nhẹ tội cho đứa con đã muốn tước đoạt sinh mạng của mình: “Thưa quý tòa, tôi xin nhận hết tội về mình. Chính tôi thường xuyên bỏ bê gia đình, có vợ nhỏ, không có trách nhiệm đối với bị cáo, lại đánh bị cáo nên đã làm cho bị cáo bị kích động và đã gây thương tích cho tôi, chứ thật ra nó không cố tình giết cha của nó”. Người cha kiên quyết kháng cáo nhưng không phải để tăng hình phạt cho bị cáo mà để bị cáo được giảm nhẹ tội danh từ “giết người” sang “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. 
Mặc cho những lời nhận định của Hội đồng xét xử cho rằng tình tiết ông hành hạ vợ con (như ông nói là nguyên nhân khiến con giết cha) suốt quá trình điều tra không thể hiện và trong lý lịch địa phương xác nhận con trai ông đã nhiều lần gây rối, đặc biệt ngược đãi cha như trói, đánh đập…
“Trong khi nói chuyện với tôi, ông vẫn cho rằng mình có lỗi. Vì thế ông không một lời bảo vệ mình khi vị luật sư bào chữa cho bị cáo đưa ra chứng cứ để… kết tội ông. Ông cũng mặc kệ những lời xầm xì tỏ ra bất bình thay cho ông của những người dự phiên tòa. Với tôi, nếu ông có lỗi thì chỉ là ông đã không dạy dỗ chu đáo đứa con của mình để bây giờ ông phải đứng trước tòa để bào chữa cho tội lỗi của nó đối với ông. 
Cô gái ngồi bên cạnh tôi ấm ức: “Con mà giết cha thì phải xử thật nặng, chứ còn xin xỏ gì nữa. Sao người cha hiền quá vậy?”. Tôi chỉ biết cười trừ vì nước mắt có bao giờ chảy ngược!” –  luật sư kể lại trong nụ cười buồn.
Nỗi niềm của con
Tôi - người viết bài này cũng là một đứa con và là một người mẹ. Dù hiểu rằng mình không được để “nước mắt chỉ chảy xuôi” nhưng rồi không hiểu sao cũng có lúc “đành” như vậy.
Là một người làm nghề viết lách, tôi sợ nhất khi đang tập trung suy nghĩ mà có ai đó quấy rầy. Những lúc đó, dòng suy nghĩ như biến thành hạt nước lăn tròn trên chiếc lá khoai mà rơi tuột đi, chẳng trở về. Chính vì thế, tôi rất dị ứng với những hồi chuông điện thoại khi ngồi vào bàn làm việc. Và, vì thế không ít lần tôi đã cáu kỉnh với những người gọi điện, cho dù họ chẳng có gì sai. Chiều qua, tôi đã gắt lên với mẹ mình cũng chỉ vì như thế. 
Mẹ gọi điện để nhắc tôi đi làm mặc thêm áo ấm vì trời sang thu đã lành lạnh. Nhân tiện mẹ cũng kể dăm ba điều về bệnh tật, về những người hàng xóm. Chuyện của người già dường như không có hồi kết… Cơn cáu bẳn trong tôi chỉ nguội khi nghe tiếng “cạch” của ống nghe từ phía mẹ.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Đêm nằm ôm con, nhớ lại tiếng mẹ đặt ống nghe, tôi biết mình lại làm mẹ buồn, dù rằng tôi cũng chẳng còn non dại gì. Người đời đã đúng khi đúc kết “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Đã làm mẹ của hai đứa trẻ, tôi hiểu những vất vả, cay đắng mà mẹ đã trải qua để nuôi chị em tôi nên người. Có con, mới thấy thương cha mẹ hơn lúc nào.
Người đời cũng không sai khi nói rằng “Nước mắt chỉ chảy xuôi, chứ không khi nào chảy ngược”. Có chút rảnh rỗi nào tôi lại dành cho con, dẫu biết rằng mẹ đang mong mình lắm, dù chỉ là 5 phút ghé qua thăm mẹ. Tôi biết, sau này bằng mẹ, tôi cũng lại ngồi ngóng sự trở về của những đứa con, dù rằng lòng vẫn thầm mong: “Miễn sao là con nó chăm cháu tốt, mình già rồi đâu cần gì nhiều”… 
Vĩ thanh
“Nước mắt chỉ chảy xuôi” nói đến tình thương chỉ có thể từ cha mẹ dành cho con cái, theo dòng thuận của đời người, từ cao xuống thấp, để khuyên những người làm cha làm mẹ đừng bao giờ kỳ vọng vào sự báo đáp từ con cái. Và âu đó cũng là kiếp luân hồi của con người. Nhưng, đã ai trong chúng ta thử hỏi mẹ cha có khi nào họ mong rằng dòng nước mắt sẽ chảy ngược, dù chỉ một lần?
Lá thư của một người cha từ hải ngoại gửi về: “Tôi đã khóc, khóc cho chính mình và cho ai trong tuổi già ở xứ này. Ở Florida này có một bà Việt Nam ở riêng, mỗi tuần có cậu con trai mang đồ ăn tới. Hôm đó cậu ta kêu cửa, nhưng không thấy mẹ ra mở. Cậu ta tưởng bà cụ đi vắng bèn treo gói đồ ăn vào hàng rào cổng. Mấy ngày sau trở lại, thấy gói đồ ăn vẫn còn, mới biết bà mẹ đã chết. Thật là thảm! Có lúc tôi nghĩ hay mình bất hiếu với cha mẹ nên con cái nó bạc với mình chăng?”.
Vậy là câu hỏi đã có câu trả lời. Cha mẹ nào phải gỗ đá. Dẫu biết rằng “nước mắt chỉ chảy xuôi” để đừng bao giờ kỳ vọng vào sự báo đáp từ con cái, nhưng họ cũng buồn lòng khi thấy con cái đối xử với mình tệ bạc, nhất là khi một lễ Vu Lan báo hiếu nữa lại đang về.
… Từ bàn viết của tôi nhìn ra ô cửa sổ có thể thấy những bà mẹ đang đẩy chiếc xe nôi đưa con đi dạo. Nụ cười hạnh phúc với con của họ làm sáng bừng cả nắng thu. Nhưng nụ cười ấy vài mươi năm nữa liệu có còn, khi ai là người sẽ đẩy xe lăn cho họ? Hồng Minh