Người đồng tính cũng cần bờ vai… yêu thương

(PLO) - Không còn quá mới lạ, nhưng đồng tính vẫn là chủ đề khiến nhiều người quan tâm. Qua thời gian, những người được coi thuộc “thế giới thứ ba”  vẫn tiềm tàng một nghị lực rất phi thường. Mặc dù bị cộng đồng, xã hội kỳ thị, phân biệt đối xử nhưng họ vẫn khát khao cống hiến, thể hiện mình. Và họ rất cần sự sẻ chia, thấu hiểu...
Những mảnh đời chưa trọn...
Lúc nhỏ, Trần Duy Thường (SN 1975, quận Lê Chân, Hải Phòng) cũng hay thắc mắc với mẹ: “Tại sao cả nhà toàn người to khỏe, còn con thì nhỏ nhắn và yếu đuối thế?”. Không chỉ vậy, anh rất thích mặc đồ con gái, chơi búp bê và những trò chơi cùng các bạn nữ (nhảy dây, lò cò, ô ăn quan...), đặc biệt Thường ham mê nấu ăn và may đồ rất khéo. 
15 tuổi, Thường bắt đầu có cảm tình với một số bạn nam và bắt đầu có những khám phá về giới tính. Qua những thông tin trên mạng và thực tế trải nghiệm, cậu bé lờ mờ hiểu rằng mình không phải là một người đàn ông bình thường như bao người khác. 
Thế rồi, những cuộc vui thâu đêm suốt sáng cứ cuốn cậu đi... Nhưng, vui ít, buồn nhiều. Sau mỗi lần “chơi bời” tới bến, Thường lại rơi vào trạng thái hẫng hụt. Anh chán nản và thất vọng về bản thân mình một cách ghê gớm. Điều mà anh sợ hãi nhất là suốt ngày bị người ngoài trêu trọc, nhòm ngó, dè bỉu. Về nhà thì mẹ và chị gái lại giục giã lấy vợ. Buồn chán và thất vọng, anh lại theo các bạn cùng giới tìm đến các vũ trường, hộp đêm... để tìm quên trong men rượu và ái tình lạc loài.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet 
Sinh sau anh Thường, được tiếp cận với nhiều phương tiện thông tin đại chúng hiện đại nên Ngô Phi Hải (SN 1991, quận Kiến An, Hải Phòng) đã khá sớm biết về “thân phận”, qua vóc dáng “liễu yếu đào tơ” và khuôn mặt khả ái của mình. Bởi vậy, ngay từ lúc nhỏ cậu bé đã tự nhận mình là nữ.
Chơi với các bạn nữ nhưng Hải lại “yêu” các bạn nam hơn và cậu luôn tìm mọi cơ hội để gần gũi họ. Thấy con trai có hình thể và những biểu hiện kỳ lạ như vậy, mẹ Hải càng lo lắng và “chữa bệnh” cho cậu bằng cách tư vấn cho con mặc những bộ quần áo nam tính hơn, hạn chế cho đi chơi, nhất là giục lấy vợ sớm. Mỗi lúc như vậy, Hải buồn lắm và anh chỉ còn biết trấn an  phụ huynh bằng những lời hứa hẹn sáo rỗng cho qua chuyện. 
Nguyễn Văn Đông (SN1968, ở Lạch Tray, Hải Phòng) thì phát hiện mình là người đồng tính từ nhỏ qua một lần tình cờ động chạm, rồi quan hệ tình dục với một bạn nam cùng học. Nhưng sợ người đời kỳ thị, bạn bè coi thường, anh không dám thổ lộ điều bí mật này.
Nhìn những người đàn ông mạnh mẽ, đẹp trai Đông thích lắm nhưng đành phải đè nén mọi cảm xúc của mình. Để tránh xa dục vọng và ma lực của những “mối tình trai”, anh chỉ còn biết lao đầu vào công việc. Cũng để tránh tiếng xấu, Đông quyết định lấy vợ. Cũng may vợ chồng ít gần nhau (vợ Đông đi xuất khẩu lao động) nên Đông vẫn che giấu được “niềm đau không dễ nói nên lời” của mình. 
Khát khao cống hiến...
Những câu chuyện đầy éo le, trắc trở và những mảnh đời chưa trọn vẹn đó chúng tôi tiếp xúc và may mắn được họ chia sẻ trong một buổi sinh hoạt của nhóm “Cát Trắng”, Hải Phòng (tiền thân là Câu lạc bộ - CLB “Biển Xanh”, CLB của những người có quan hệ đồng tính nam - MSM). Trưởng nhóm Nguyễn Văn Đông cho biết, xuất phát từ nhu cầu chia sẻ và cảm thông, những nhóm đồng tính lẻ tẻ đã manh nha thành lập ở Hải Phòng từ rất lâu. 
Nhưng phải đến năm 2006, được sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, những nhóm này mới bắt đầu tham gia vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thông qua việc đi tuyên truyền, cấp phát bao cao su, chất bôi trơn để phòng, chống và giảm lây nhiễm HIV trong nhóm này. Tiếp theo, với sự hỗ trợ của Dự án CHP (Trung tâm nâng cao sức khỏe cộng đồng), CLB “Biển Xanh” chính thức thành lập và đi vào hoạt động quy củ hơn. 
Anh Đông cũng cho hay, lúc đầu CLB chỉ có 6 thành viên nòng cốt, nay đã tăng lên 10 người cùng với tổng số khoảng hơn 1000 đồng đẳng viên của thành phố và các huyện lân cận tham gia. CLB sinh hoạt thường kỳ một tuần 2 buổi và lấy số nhà 203 Quán Nam, phường Dương Kinh, quận Lê Chân làm điểm sinh hoạt CLB.  
Lúc đầu, CLB phải tổ chức những buổi truyền thông nhóm nhỏ, rồi nhóm lớn; tuyên truyền phòng, chống HIV đến các trường học, khu phố... cuốn hút những MSM tham gia rất đông; đến tận các tụ điểm có đông MSM tụ tập, sinh hoạt, vui chơi (quán bar, sàn nhảy, tẩm quất...) để truyền thông và phân phát chất bôi trơn, bao cao su. 
Về sau, thấy lợi ích của chương trình, các MSM chủ động tìm đến xin gia nhập CLB, nhận những phương tiện hỗ trợ trong quan hệ tình dục đồng giới. Những MSM kín đáo hơn (thường là dân công chức, có chức tước, nhà kinh doanh lớn...) thì e dè hơn nên chỉ liên lạc qua điện thoại hoặc mạng Internet... để nhận hỗ trợ.
Bắt tay vào làm công việc không mấy đơn giản này, các anh chỉ mong muốn cộng đồng, xã hội hiểu, cảm thông và bớt kỳ thị với những người thuộc “thế giới thứ ba”, đặc biệt là cung cấp kiến thức và phương tiện để các MSM hiểu và biết cách dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục.
Cần một bờ vai yêu thương
Nói thì dễ nhưng làm không đơn giản. Để đạt được thành công, anh Đông cho biết các anh đã gặp không ít rắc rối từ chính quyền, người dân, cũng như phải đối mặt với không ít hiểm nguy. Nhưng, không thể không làm vì nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm MSM là vô cùng lớn. Mặt khác, số MSM còn ẩn mình trong bóng tối vẫn còn rất nhiều; việc tiếp cận với các MSM đang hành nghề mại dâm ở các quán tẩm quất, mát xa trá hình... thì khó khăn hơn trước. 
Đặc biệt, trong thời điểm các Dự án tài trợ nước ngoài đang dần rút khỏi Việt Nam như hiện nay, các nhóm tự lực MSM đành phải tự hỗ trợ nhau, xin hỗ trợ từ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, thậm chí phải tự bỏ tiền ra mua các công cụ hỗ trợ, “nếu không làm vậy, những kết quả mà chúng ta đã đạt được sẽ đổ hết xuống sông, xuống biển!” - anh Đông khẳng định.
Khát khao được cống hiến hết mình vì công việc nhưng khi trở về căn phòng nhỏ của mình, các MSM lại “cô đơn, trống vắng với một nỗi buồn của riêng mình”. “Nhiều lúc em cũng muốn lấy đại một cô vợ cho cha mẹ đỡ buồn, nhưng em không muốn cô ấy bị tổn thương và đau khổ. Có thể em sẽ xin một đứa con để nuôi cho khuây khỏa thôi...” -  Ngô Phi Hải chia sẻ. Còn Nguyễn Văn Đông, ngày ngày anh vẫn rong ruổi trên con đường mình đã chọn và chống chếnh với một nỗi buồn mênh mông, không thể nói nên lời...