Những người đồng tính vẫn mơ được kết hôn

(PLO) - Mặc dù gần đây cộng đồng đã có những cái nhìn văn minh, thừa nhận người đồng tính ở Việt Nam nhưng họ vẫn chưa thể chính thức chung sống bằng một cuộc hôn nhân hợp pháp.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Những câu chuyện nhức nhối dài tập

Việt Nam hiện nay có khoảng 1,65 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Theo một nghiên cứu mới đây, các cặp cùng giới cho biết 72% khó khăn xảy ra trong quá trình sống chung có nguyên nhân từ việc không được pháp luật thừa nhận.

Câu chuyện của Nguyễn Đức, một người đồng tính khiến nhiều người ngậm ngùi cho cuộc sống của các cặp đồng tính. Công ty của Đức mua bảo hiểm cho gia đình nhân viên nhưng “người chung sống cùng bạn” không được hưởng vì không có được hôn thú. Khi Đức bị tai nạn thập tử nhất sinh, “người yêu” không được ký giấy phẫu thuật mà phải đợi ba Đức đi xe hơn 4 giờ đồng hồ tới.

Đăng Khoa, một người đồng tính khác chia sẻ: “Quyền của tôi không có gì hết ngoài quy định về tài sản trong Bộ luật Dân sự. Các nhà làm luật vẫn nói cần phải theo lộ trình. Nếu khoảng 10 năm mới có một lần luật pháp thay đổi theo hướng thừa nhận cộng đồng LGBT thì phải 30 năm nữa chúng tôi mới được kết hôn cùng giới. Bản thân tôi là thạc sĩ sắp ra trường, muốn cống hiến cho xã hội nhưng tôi phải đợi 30 năm nữa mới có được gia đình hợp pháp của mình hay sao?”
Họ vẫn chung sống nhưng không được pháp luật công nhận. Ảnh: Maika
 Họ vẫn chung sống nhưng không được pháp luật công nhận. Ảnh: Maika

Bạn Nguyễn Hải Yến người đang có một “gia đình đồng tính” hạnh phúc rất xúc động khi kể câu chuyện buồn của bạn mình. Hai người bạn giống Hải Yến đã sống với nhau ba năm. Cả hai đã đi làm, có thu nhập ổn định, cuộc sống tốt đẹp. Hai gia đình họ cũng quý mến, đi lại với nhau. Nhưng cách đây ba tuần một người đã mất do phát hiện bệnh hiểm nghèo quá muộn. Người yêu của người ra đi rất đau buồn nhưng bù đắp lại vẫn được sự quan tâm, quý mến của gia đình người yêu. Hải Yến nghĩ rằng người ra đi cũng sẽ thanh thản. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như thế. Khi pháp luật chưa thừa nhận thì nhiều gia đình rất khó thay đổi quan niệm, sẽ vẫn còn kỳ thị.

Khắc khoải đợi luật

Đã rất lâu rồi, cộng đồng LGBT mơ ước một sự công nhận chính thức hôn nhân đồng tính. Chị Nguyễn Hải Yến, một đại diện cộng đồng người đồng tính chia sẻ: “Hôn nhân, với nhiều người đồng tính là một ước mơ giản dị nhưng cháy bỏng, mà chỉ có thể thành hiện thực nếu pháp luật có cái nhìn cởi mở và mạnh dạn hơn. Chúng tôi không cần những đặc quyền gì cả, chúng tôi chỉ muốn như mọi người, tìm được cho mình một người yêu thương, gắn bó và được mọi người cùng chia sẻ tình yêu thương đó với chúng tôi”.

Chị Nguyễn Thanh Thủy, một bà mẹ có con trai đồng tính từng không chấp nhận sự thật phũ phàng về con mình cũng chia sẻ:“Chính bản thân tôi từng là một người không chấp nhận việc con mình là người đồng tính. Bây giờ khi đã thông hiểu và ủng hộ con, tôi lại phải chứng kiến cảnh pháp luật “không thừa nhận” quyền kết hôn của con trai mình. Nếu bây giờ tôi nói với con tôi, mẹ không cấm con, nhưng mẹ không thừa nhận con, thì có phải là tôi đang xúc phạm tới con tôi không? Nếu đã thấy không nên cấm, thì pháp luật cần phải thừa nhận”.

Cộng đồng LGBT thực sự đang khắc khoải đợi sự thay đổi của Luật Hôn nhân gia đình. Ông Trần Khắc Tùng, Giám đốc Trung tâm ICS cho biết dự thảo Luật Hôn nhân gia đình đang gây ra sự thất vọng rất lớn trong cộng đồng LGBT. Trong một cuộc khảo sát với hơn 2.200 người có quan hệ cùng giới có tới 71% cho biết mình “thất vọng” hoặc “rất thất vọng” về dự thảo. Đã có hơn 8.300 người ký tên ủng hộ cho thư kiến nghị gửi đến Quốc hội yêu cầu công nhận hôn nhân bình đẳng dành cho tất cả mọi người.

Kỳ họp Quốc hội khai mạc vào ngày 21/10/2013 sắp tới sẽ có nội dung thảo luận và cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.

Ngày 17/10/2013 tại Hà Nội, trước thềm kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, đại diện hơn 30 tổ chức xã hội và tổ chức nghiên cứu, cùng hàng trăm đại diện cộng đồng người đồng tính, phụ huynh của người đồng tính đã công bố ba văn bản gửi đến các đại biểu Quốc hội về chủ đề hôn nhân cùng giới.

Ủng hộ vấn đề này, bà Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) đã trình bày bức thư ngỏ gửi đến đại biểu quốc hội đề nghị hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới và trung tính hóa tất cả các thuật ngữ tiềm ẩn sự phân biệt về giới và xu hướng tính dục trong Luật Hôn nhân Gia đình.

Bà Hồng ý kiến:“Nhiều người hỏi tôi có biết nếu hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới thì điều gì sẽ xảy ra cho xã hội không? Tôi trả lời, thì những người yêu nhau có thể kết hôn với nhau, vậy thôi! Nếu bảo có ít nước hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, tôi xin hỏi vậy có nhiều cái không ai làm sao Việt Nam vẫn làm? Miễn là nó đúng và có lợi cho người dân thì mình làm. Huống hồ cái này đã có nhiều nghiên cứu và thực tế chứng minh là không gây ảnh hưởng tiêu cực. Tôi nghĩ hôn nhân cùng giới là phù hợp với bối cảnh Việt Nam”.
Ông Dương Trung Quốc phát biểu tại cuộc kiến nghị
Ông Dương Trung Quốc phát biểu tại cuộc kiến nghị  

Tham gia sự kiện, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ sẽ ủng hộ, đồng hành cùng tất cả mọi người để ai cũng có quyền tự do mưu cầu hạnh phúc. Ông cho biết sẽ thể hiện quan điểm của mình trước Quốc hội về chủ đề này.

Bên cạnh ba bức kiến nghị, tâm thư và thư ngỏ trên, cũng đang có một chiến dịch mang tên “Tôi đồng ý”. Chiến dịch nhằm kêu gọi mọi người thể hiện sự ủng hộ hôn nhân cùng giới thông qua việc đổi ảnh đại diện trên trang mạng xã hội, chụp hình với dòng chữ “Tôi đồng ý” và hoạt động “5000 thư gửi đại biểu Quốc hội.”

Kiến nghị, tâm thư và thư ngỏ của cộng đồng người đồng tính, phụ huynh và các tổ chức xã hội được trao trực tiếp tại Văn phòng Quốc hội vào chiều 17/10/2013 và gửi qua đường bưu điện tới 500 đại biểu Quốc hội.