Tình yêu của “linh trưởng chúa” ở những cánh rừng Việt Nam

(PLVN) - Ngày 20/1/2019, tại Viện Goethe Hà Nội, Hiền và Tilo - cặp vợ chồng mang hai quốc tịch Việt – Đức vốn được mệnh danh là “hiệp sĩ của rừng già Việt Nam” sẽ có một buổi tiệc nho nhỏ để chia tay chương trình Bảo tồn linh trưởng Việt Nam và Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp rừng quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình, sau khi họ đã có 25 năm gắn bó và cống hiến ở nơi đây. 
Hai vợ chồng Hiền - Tilo giữa núi rừng Cúc Phương
Hai vợ chồng Hiền - Tilo giữa núi rừng Cúc Phương

Chia tay nhưng không bao giờ từ bỏ tình yêu đối với linh trưởng – đó là lời khẳng định của Hiền và Tilo cũng như là chủ đề xuyên suốt của cuốn sách “Tilo’s Troops – Handiwork of a Primatologist in Vietnam” (tạm dịch là Đàn thú của Tilo - Công việc của một nhà linh trưởng học tại Việt Nam) của tác giả Murali Pai cũng được giới thiệu nhân dịp này. 

Nỗi kinh hoàng với những kẻ săn thú hoang dã

Điều khiến ông Murali Pai - một bác sĩ thú y của Revatji Horse Clinic Rajasthan, nhà sinh học bảo tồn, nhà văn môi trường và biên tập viên của Bản tin Bảo tồn Châu Phi (ACT) quyết định viết cuốn sách đầu tiên của mình sau khi ông đến với rừng Cúc Phương Việt Nam chính là cuộc gặp gỡ với Tilo Nadler tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC).

25 năm gắn bó với chương trình Bảo tồn linh trưởng Việt Nam và EPRC Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), nhiều người Việt Nam, nhất là các nhà báo mảng môi trường biết và yêu quý Tilo Nadler. 

Ông vốn là Thạc sĩ điện lạnh, nhưng vì có sở thích đặc biệt với động vật hoang dã, nhất là loài voọc, Tilo xin làm cộng tác viên cho Hiệp hội Động vật Frankfurt (là tổ chức cứu hộ và bảo vệ động vật lâu đời nhất trên thế giới, hoạt động ở 30 quốc gia) để có nhiều thời gian nghiên cứu động vật hoang dã. Và từ tình yêu, đam mê ấy, Tilo đã trở thành chuyên gia linh trưởng.

Năm 1991, Tilo nhận nhiệm vụ sang Việt Nam làm phim xác định thông tin loài voọc mông trắng sau 57 năm tái phát hiện ở Việt Nam. Trước đó, voọc mông trắng được cho là tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Đến Việt Nam, Tilo đi nhiều ngày trong rừng tìm voọc, chặt cây chuối rừng dựng lều đợi vọoc từ các vách núi ra tán rừng kiếm ăn để ghi lại ảnh. Ngày này qua ngày khác, mãi Tilo vẫn không thấy chúng. Sau nhiều tháng chờ đợi, cuối cùng ông đã nhìn thấy voọc mông trắng.

Nhưng đó không phải là một con voọc đang nhào lộn trong rừng, mà là con voọc bị thương nhốt trong lồng đem bán ngoài chợ và sắp trở thành thức ăn cho con người. “Đầu năm 1993, tôi đi chợ Nho Quan, cách Vườn quốc gia Cúc Phương khoảng 15 km và phát hiện hai con voọc mông trắng và nhiều động vật khác đang bị nhốt trong lồng, tất cả đều thương tích”, Tilo kể lại. 

Khi Hiệp hội động vật Frankfurt kêu gọi các chuyên gia thực hiện dự án bảo tồn voọc ở Việt Nam, Tilo xung phong thực hiện. Hiệp hội Frankfurt đầu tư kinh phí giúp Tilo xây dựng EPRC tại Vườn quốc gia Cúc Phương trong 3 năm 1993-1996. Cũng từ đây, Tilo trở thành “nỗi kinh hoàng” với những kẻ săn thú hoang dã trong Vườn quốc gia.

Năm 1996, thay vì chuyển giao dự án cứu hộ linh trưởng cho phía Việt Nam quản lý, Tilo đã đề nghị ký tiếp hợp đồng để ông ở lại Cúc Phương thêm 3 năm, rồi 5 năm... Thấm thoắt đã 25 năm trôi qua và EPRC tại rừng Cúc Phương đã trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới, có mối quan hệ với rất nhiều tổ chức, trường đại học. 

Việt Nam có 25 loài linh trưởng, trong đó 15 loài cần phải cứu hộ gấp gáp, nhất là 4 loài đặc hữu (trên toàn thế giới, chỉ Việt Nam mới có), thì Tilo đã giang tay tiếp đón đầy đủ. Các cá thể linh trưởng ở đây đều được đặt tên, đánh số, ghi ngày sinh, ngày đưa về rất cụ thể, chi tiết. Sau khi chữa chạy, sinh sản sẽ cho ra môi trường bán tự nhiên rồi hoàn toàn tự nhiên.

Không chỉ thế, ông còn dành một số tiền cá nhân để tạo ra “Giải thưởng Tilo Nadler dành cho nhà bảo tồn linh trưởng trẻ Việt Nam” như một cách động viên các bạn trẻ. “Giáo dục và nhận thức của giới trẻ Việt Nam về bảo tồn đa dạng sinh học, về thiên nhiên trong nhiều năm trở lại đây đã phát triển và có chiều hướng tăng lên.

Các bạn ngày càng có kiến thức cao, có điều kiện tiếp nhận từ nhiều kênh thông tin. Nhưng tôi vẫn sợ điều đó không thể đuổi kịp với tốc độ ngày càng đi xuống của sự đa dạng sinh học Việt Nam”, Tilo chia sẻ về nỗi trăn trở lớn nhất của ông.  

Sau nhiều cống hiến, Tilo đã từng vinh dự đón nhận thư khen của Chủ tịch nước Việt Nam, Huân chương Lao động hạng Ba do Nhà nước Việt Nam trao tặng, giải thưởng danh dự hạng Nhất dành tặng các chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn của thế giới.

Tình yêu vượt qua mọi phản đối

Cũng trong 25 năm gắn bó với Việt Nam ấy, Tilo đã gặp tình yêu của đời mình ở Việt Nam – cô gái Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hiền . 

Tilo quen Nguyễn Thị Thu Hiền khi cô đang là sinh viên năm thứ ba ở Hà Nội. Để rèn luyện ngoại ngữ, Hiền làm thêm tại cửa hàng bán đồ mỹ nghệ. Một lần Tilo ghé vào mua hàng và nói chuyện với Hiền, với tính cách năng động, thích đi đây đi đó, lại có ngoại ngữ, Hiền được Tilo chọn làm phiên dịch cho ông.

Tình yêu của họ nảy nở từ đây. Chênh lệch khá lớn về tuổi tác khiến tình yêu của họ ban đầu không nhận được nhiều sự ủng hộ của bố mẹ Hiền. Nhưng rồi đám cưới của họ cũng được tổ chức năm 2000. Để tập trung chăm sóc linh trưởng, Tilo và Hiền rời khỏi nơi phố xá ồn ào về sống định cư ở Cúc Phương. 

Hiền cho biết, từ ngày hai vợ chồng gắn bó với linh trưởng, họ không được phép ốm, kể cả nửa đêm hay rạng sáng phát hiện con vật nào bị ốm là cả hai vợ chồng không thể chợp mắt. Chỉ cần nhận tin có con linh trưởng nào bị thương là hai vợ chồng lên đường ngay lập tức, kể cả khu vực xa xôi.

“Tôi rất hạnh phúc vì lấy được người tôi yêu. Tilo còn là người tôi rất khâm phục, chính anh đã truyền cho tôi tình yêu thương với các loài động vật”, Hiền nói. 

Quay trở lại với cuốn sách “Tilo’s Troops – Handiwork of a Primatologist in Vietnam” của tác giả Murali Pai, cuốn sách này thuật lại câu chuyện của Tilo khi ông bắt đầu xây dựng một trung tâm phục hồi chức năng đẳng cấp thế giới dành cho các loài linh trưởng đang bị đe dọa ở Việt Nam, mặc cho nhiều ý kiến phản đối. 

Thông qua câu chuyện của Tilo, cuốn sách muốn đề cập đến hai vấn đề chính. Thứ nhất là các loài linh trưởng đang bị đe dọa sẽ có được một cuộc sống mới tại EPRC sau khi được giải cứu khỏi bàn tay những kẻ săn bắt trộm, những người nuôi động vật hoang dã trái phép.

Tại Trung tâm cứu hộ, những con linh trưởng được giải cứu sẽ được kết bạn với những con linh trưởng sống sót khác trước khi được thả vào môi trường thích hợp để thành lập các đàn (gia đình) và cuộc sống tiếp tục hồi sinh. 

Thứ hai, từ chỗ bị săn bắt, bị biến thành món ăn và đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn, đến nay các đàn linh trưởng đã có được chỗ đứng tại Việt Nam. Đó là nhờ niềm đam mê cháy bỏng của Tilo Nadler cùng vợ và các đồng nghiệp của ông. Với cách làm khoa học, Tilo và EPRC đã thành công trong việc tăng số lượng đàn một cách khoa học để giúp quá trình phục hồi linh trưởng. 

... Chuyện của Tilo, tình yêu của Tilo còn rất nhiều điều để kể. Nhưng chỉ vài nét chấm phá thế này cũng đã quá đủ để hiểu về những cái tên như: “Hiệp sĩ voọc”, “Linh trưởng chúa”, “Lục Vân Tiên Cúc Phương” mà người dân quý mến dành tặng Tilo. Những cái tên đó thực sự đến từ sự cảm kích trước tấm lòng của con người đã có gần nửa cuộc đời  bảo vệ linh trưởng, bảo vệ thiên nhiên cho đất nước Việt Nam.

Tới đây, sau khi rời chương trình Bảo tồn linh trưởng Việt Nam và EPRC, hai vợ chồng Hiền và Tilo sẽ tiếp tục là cố vấn kỹ thuật cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình về vấn đề bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.

Đọc thêm