Ngày Xuân dạo chơi trên đỉnh Thiên Cấm

(PLVN) - Nằm trong vùng ĐBSCL với địa hình bằng phẳng, kênh rạch chằng chịt nhưng An Giang lại được thiên nhiên ưu ái “ban tặng” 37 ngọn núi lớn nhỏ. Địa danh “Thất Sơn” là nét chấm phá độc đáo của xứ sở tâm linh này. Trong đó, Núi Cấm thể hiện rõ nhất sự huyền bí, linh thiêng, hùng vĩ. 
  Một góc trên đỉnh núi Cấm (trong hình là chùa Vạn Linh bên hồ Thủy Liêm)
Một góc trên đỉnh núi Cấm (trong hình là chùa Vạn Linh bên hồ Thủy Liêm)

“Đà Lạt miền Tây”

“Đà Lạt miền Tây” hay “nóc nhà miền Tây” là những mỹ từ mà mọi người dùng để gọi tên của đỉnh núi này. Ai một lần đến An Giang và chinh phục đỉnh núi Cấm đều cảm thấy thích thú và cuốn hút bởi không khí trong lành và phong cảnh uy nghi, hùng vĩ.Núi Cấm (còn gọi là núi Ông Cấm, Thiên Cấm Sơn, Thiên Cẩm Sơn) tọa lạc tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Núi có độ cao 716m so với mực nước biển, dài 7.500m. Điện Bồ Hong là nơi cao nhất Núi Cấm và cũng là nơi cao nhất ĐBSCL.

Trước đây núi Cấm còn hoang sơ, muốn chinh phục đỉnh núi phải đi đường đất, đường mòn. Tuy nhiên, hiện nay Núi Cấm đã trở thành khu du lịch phát triển với hệ thống đường xá phát triển, thông thoáng.

Từ dưới chân núi, du khách có thể lựa chọn nhiều phương tiện như: xe ôm, cáp treo, xe lữ hành… để khám phá chống non nước hữu tình này. Mỗi phương tiện đều có những nét thú vị riêng và tin chắc một lần trải nghiệm sẽ khó quên trong đời. Đi bằng cáp treo, du khách sẽ có cơ hội thưởng lãm toàn cảnh núi Cấm từ trên cao, nhìn thấy trọn vẹn sự hùng vĩ và kỳ bí của nơi này. Những đồi núi cao, những cánh rừng xanh um nối tiếp nhau.

Đường lên đỉnh núi Cấm có tượng Phật bà Quan âm đứng sừng sững ở một ngọn đồi bên phải như chào đón
Đường lên đỉnh núi Cấm có tượng Phật bà Quan âm đứng sừng sững ở một ngọn đồi bên phải như chào đón

Đặc biệt nổi sừng sững giữa cánh rừng núi xanh mướt là tượng Phật Di Lặc uy nghi ngự trị. Điều thú vị nhất là đi xe ôm lên đỉnh núi. Đây được ví như trò chơi “cảm giác mạnh”. Chiếc xe máy oằn mình vượt dốc, uốn lượn theo những con đường ngoằn ngoèo bên sườn núi. Lúc lên lúc xuống dốc như cưỡi ngựa rất thích thú.

Càng lên cao gió càng mạnh, không khí càng trong lành, thoáng mát… Lên cao một chút là tượng Phật bà Quan âm đứng sừng sững ở một ngọn đồi bên phải như chào đón. Chạy thẳng lên trên là khung cảnh tuyệt mỹ, non bồng nước nhược, chùa chiền trang nghiêm tạo nên một tuyệt tác hội họa nên thơ, đẹp mắt.

Đến nơi đây, điều đầu tiên du khách nhìn thấy là tượng Phật Di Lặc ngồi trong tư thế an lạc. Tượng cao 33,6m và nặng 1700 tấn, được xem như một tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao với sự hài hòa của nghệ thuật điêu khắc và nét đẹp tôn giáo. Năm 2013, Tượng được công nhận là “Tượng phật Di Lạc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á”. Tượng Di lặc đã trở thành nét đặc trưng của đỉnh núi Cấm.

Tưởng Phật Di Lặc ngự trị sừng sững trên đỉnh núi Cấm
Tưởng Phật Di Lặc ngự trị sừng sững trên đỉnh núi Cấm

Phía trước tượng là một hồ nước rộng lớn như giếng nước trời trên đỉnh núi. Hồ Thủy Liêm được bắt cầu và trồng hoa xung quanh nên cảnh quan vô cùng nên thơ, đẹp mắt. Hai bên là chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh uy nghi tráng lệ. Có núi, có nước có rừng cây, chùa chiềng đã tạo nên nét đẹp riêng thanh thanh thoát tục của chốn núi non hùng vĩ. Vào sáng sớm, mây mù giăng giăng, sương rơi trắng xóa như chốn thần tiên bồng lai sơn cảnh.

Điểm đến của du lịch tâm linh

Mang bên mình dáng vẻ hùng vĩ, cảnh sắc xanh tươi, mát mẻ đi kèm các dịch vụ du lịch hấp dẫn như: viếng chùa, leo núi, khám phá hang động, tham quan các công trình kiến trúc, tắm suối... Nơi đây luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, đặc biệt là vào những ngày lễ tết âm lịch. Đến đây không những tận hưởng không khí trong lành, thoáng đãng mà du khách còn tận hưởng cảm giác leo núi, khám phá hang động và viếng chùa lễ Phật.

Thiên viện chùa Phật lớn được xem là ngôi chùa cổ nhất trên đỉnh Thiên Cấm. Chùa được xây dựng năm 1912, được gọi là Phật Lớn là vì trong chùa có thờ tượng Phật cao gần 2m – được xem là tượng lớn nhất so với các chùa lân cận và tên này để phân biệt với chùa Phật Nhỏ ở núi Cấm. Phía trước chùa Phật Lớn có bảo tháp lưu giữ Ngọc Xác Lợi Phật. Đó là Xá Lợi của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và Xá Lợi của các vị cao tăng. Được biết, Ngọc Xá Lợi Phật là Kim thân còn lại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi trả tỳ (hỏa táng) và là Phật bảo linh thiêng nhất đối với các Phật tử.

Chánh điện chùa Vạn Linh toát lên nét trang nghiêm, thanh tịnh, an lạc.

Chánh điện chùa Vạn Linh toát lên nét trang nghiêm, thanh tịnh, an lạc.

Cách chùa Phật Lớn khoảng 200 mét là ngôi chùa Vạn Linh khang trang với khuôn viên rộng đến 3.000m2. Chùa sở hữu một vẻ đẹp thanh tao, trầm lắng và yên bình, đậm nét Phật giáo. Ở giữa là Bảo các Quan Âm 9 tầng. Ngoài tầng trên cùng thờ Xá lợi Phật, các tầng còn lại thờ các vị Phật bằng đá cẩm thạch trắng, cao lớn bằng người thật. Phần Chánh điện là một tòa nhà rộng lớn. Điện Phật được bày trí tôn nghiêm. Chính giữa tôn trí bảo tượng đức Phật Thích Ca thiền định. Tượng bằng đá nguyên khối, nặng 2 tấn. Hai bên tượng đức Phật đặt hai phù điêu Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng. Phía trước điện Phật đặt hai phù điêu Hộ pháp và Tiêu Diện.

Bên cạnh những điểm tham quan trên còn có rất nhiều các điểm tham quan thú vị khác dọc từ chân lên đỉnh núi như: suối Thanh Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, vồ Thiên Tuế, Vồ Đầu, Vồ Bà, Vồ Ông Bướm, Vồ Chư Thần, Vồ Cây Quế, Vồ Mồ Côi, Vồ Đá Dựng, Vồ Pháo Binh, Vồ Bạch Tượng v.v...

Nhắc đến núi Cấm là nghĩ ngay đến sự linh thiêng hùng vĩ, tưởng ngay đến những truyền tích tâm linh hấp dẫn. Từ xa xưa, những câu chuyện ly kỳ, huyền bí về ngọn núi này đã được mọi người truyền tai nhau.

Trong các sách xưa như Đại Nam nhất thống chí được biên soạn vào cuối thế kỷ 19 hay Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cùng đều miêu tả và đề cập đến ngọn núi này. Về tên gọi Núi Cấm, đến nay có rất nhiều giả thuyết lý giải mỗi người một cách, vẫn chưa có sự nhất quán. Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu, sở dĩ nơi này có tên là Núi Cấm là vì Phật thầy Tây An sợ nơi linh thiêng bị ô uế nên đã cấm các tín đồ của mình lên đó cất nhà.

Một giả thuyết khác lại cho rằng, khi vua Gia Long ẩn náo nơi này để tránh quân Tây Sơn truy nã đã bảo cận thần tung tin có ác thú, yêu quái, cấm dân chúng vào núi. Ngoài ra, có người còn cho rằng nơi đây liên quan đến sào huyện của tướng cướp Đơn Hùng Tín hay nơi này hoang vu, cây cối um tùm nhà chức trách không đến khám xét và không kiểm soát được và nơi này cũng ẩn chứa nhiều thành phần bất hảo, gây rối cho dân nên nhà chức trách ở tỉnh đương thời mới đem ra lịnh cấm họ ở trong vùng này.

Dù lý giải như thế nào đi nữa thì sự huyền bí và mầu nhiệm của vùng núi Thất Sơn, đặc biệt là núi Cấm đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Sự hùng vĩ, trang nghiêm, thanh tịnh và những vẻ đẹp hấp dẫn của nơi đây không ngôn từ nào có thể diễn tả được chỉ có “người thật việc thật” trải nghiệm mới thấu hết sự lý thú của chốn bồng lai này.

Đọc thêm