Chuyện những dị nhân khuyết tật làm điều phi thường trên thế giới

(PLO) -Quý bạn đọc thử tưởng tượng mình phải giải quyết hàng núi công việc mỗi ngày mà không dùng tay, chân? Thế mà trong lịch sử thế giới, đã từng có những con người khuyết tật lại có thể làm nhiều việc khiến người bình thường phải lác mắt, thán phục… 
 

STANLEY BERENT

Stanislaus “Stanley” Berent chào đời ở Pittsburgh (Pennsylvania, Mỹ) năm 1901. Dù có 2 chân đầy đủ, nhưng đôi tay lại chỉ đơn giản là dính vào vai. 

Berent mắc phải căn bệnh Phocomelia (“quái thai ngắn chi”). Khi ông xuất hiện bên vệ đường trong nghề bán báo, Berent trở thành “người nổi tiếng” tại các sự kiện trưng bày và viện bảo tàng trên khắp xứ Mỹ. Khán giả rất khoái coi cảnh Berent cạo râu và hút xì gà hết sức điệu nghệ. Stanley Berent cũng nổi tiếng là người hoạt bát, thân thiện với mọi người, làm bạn với một con tinh tinh. Khoảng năm 1972, nghề biểu diễn của Stanley Berent bị suy giảm khi giới chính trị gia cho rằng ông bị lạm dụng bóc lột. Song ngay cả khi ít nổi tiếng, Berent vẫn lạc quan. Stanley Berent nghỉ hưu ở Florida vào năm 1976 và lại về quê sống ở Pittsburgh. Qua đời vào năm 1980, tính ra sự nghiệp của Stanley Berent đã kéo dài trong suốt 30 năm.

DICK HILBURN

Dick Hilburn, nổi tiếng với biệt danh “Qúy ông ¼”, sinh tháng Giêng năm 1918 ở Bắc Carolina (Mỹ). Hilburn có tay phải, không có tay trái, không có đôi chân nhưng … có một bàn chân gắn vào hông trái. Ông dùng tay phải để xoay người và vì cách di chuyển này mà phần trên cơ thể đạt đến một sức mạnh đáng nể. Dick Hilburn là một nghệ sĩ tài năng, làm họa sĩ vẽ bảng hiệu rất cừ khôi. Dick Hilburn thành công trong mọi lĩnh vực bao gồm cả tình yêu,cưới một cô vợ trẻ mà theo lời Hilburn tếu táo là “có đầy đủ tay, chân”. Hilburn chăm chỉ làm việc và qua đời vào năm 1971. Người ta nhớ về Hlburn bởi một quý ông mạnh mẽ, thông minh và chăm chỉ.

FRANCES O’CONNOR

Frances O’Connor chào đời ở tiểu bang Minnesota (Mỹ) năm 1914, không có tay. Lớn lên, Frances không hề mặc cảm mà còn đi diễn xiếc và mẹ cô đóng vai trò quản lý. Frances biểu diễn ở gánh xiếc Al G. Barnes, khiến khán giả há hốc mồm bởi Frances có thể sử dụng chân để làm mọi việc như khi người ta dùng tay. Gánh xiếc Ringling Brothers khi nghe tiếng về tài năng của Frances liền ký hợp đồng trong suốt 20 năm. Với khả năng dùng đôi chân khéo léo, Frances được gán cho biệt danh “Venus de Milo Sống” khi cô còn sở hữu vẻ đẹp khả ái. Tài năng và xinh đẹp, Frances đã nhận được hàng ngàn lời đề nghị cầu hôn nhưng cô không lấy chồng. Không chỉ biểu diễn xiếc, Frances còn tham gia đóng phim, hút thuốc lá điệu nghệ, uống nước, cắt đồ ăn bằng dao và nĩa…bằng chân. Bà qua đời vào năm 1982.

FRIEDA PUSHNIK

Frieda Pushnik sinh tại Pennsylvania (Mỹ) tháng 2/1923, không có tay và chân, ngoại trừ một cái chân nhỏ bên trái. Ngay từ lúc rất nhỏ, Frieda đã cảm thấy mình là người bình thường. Frieda học đọc trước khi đi học, dùng cằm dựng bút chì để viết, và khéo léo ăn uống bằng nĩa, may vá và đan móc. 

Frieda trở nên nổi tiếng tại quê nhà Pennsylvania. Năm 1933, ông Robert Ripley giới thiệu Frieda tại Hội chợ thế giới, tại đây Frieda đã biểu diễn nhiều khả năng điêu luyện cho trên 2 triệu khán giả theo dõi. Sau đó, cô đi lưu diễn 6 năm với ông chủ Ripley xuyên suốt nước Mỹ. 13 năm sau đó, Frieda làm việc cho gánh xiếc Ringling Brothers và đến năm 1956 thì giải nghệ. Bà dọn tới California  rồi qua đời vì căn bệnh ung thư bàng quang ngay đêm Giáng sinh năm 2000.

CARL UNTHAN

Carl Unthan sinh ra ở Đông Phổ vào tháng 4/1848 và không có tay. Hồi nhỏ Carl học cách dùng chân để viết, viết rất nhanh và chuẩn chính tả. Đam mê âm nhạc, Carl học chơi vĩ cầm bằng chân ngay từ tuổi 20 rồi lưu diễn khắp nơi. Không những thế, Carl còn rất giỏi nói chuyện và trị liệu tinh thần. Đại chiến tranh thế giới thứ nhất, Carl làm tình nguyện viên giúp đỡ những người bị khuyết tật, đến các bệnh viện và tư vấn với những người bị mất chi, khẳng định họ vẫn còn có ích cho xã hội. Câu thần chú của ông dành cho binh lính là “Mất tay, chân không có nghĩa là mất mạng”. 

Carl kết hôn với Antonie Neschta. Ở tuổi 65, Carl xuất hiện trong phim câm Đan Mạch, đóng vai một hành khách trên chiếc tàu bị chìm. Carl qua đời khi đang hưởng thụ một cuộc sống giàu có và nổi tiếng, thọ 80 tuổi.

NIKOLAI KOBELKOFF

Tháng 7/1851, một gia đình Nga chào đón đứa con thứ 14 nhưng Nikolai Kobelkoff chào đời thiếu cả tay và chân. Tuổi thơ của Nikolai trôi qua trong tủi nhục khi cha mẹ cậu thấy xấu hổ về hình hài không giống người của con trai. Rồi tình cờ Nikolai gặp một thầy giáo quan tâm đến cậu, mang Nikolai đi học. Dù không có tay lẫn chân, nhưng Nikolai vẫn học viết rất xuất sắc, dùng bàn chải đánh răng bằng cằm và cánh tay thừa, vẽ rất cừ. 

Trạc tuổi 18, Nikolai trở thành một nhà viết lách tài ba và làm một chân kế toán kinh doanh mỏ của gia đình. Năm 1871, một người làm tạp kỹ phát hiện ra Nikolai, ông biểu diễn 2 năm và khiến khán giả mê mệt với những khả năng điêu luyện của mình. Nikolai trở thành siêu sao quốc tế, đi khắp nơi biểu diễn. Tại Viên (Áo), Nikolai phải lòng bà Anna Wilfrert, nên duyên chồng vợ và có với nhau 10 mặt con. Nikolai cũng lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh, đóng phim vào năm 1898. Trở nên cực kỳ giàu có, Nikolai mua hẳn một công viên giải trí ở Áo. Ông qua đời năm 1933 trong ngôi nhà xa hoa của mình.

ELI BOWEN

Năm 1844, Eli Bowen sinh ra trong gia đình có 10 người con, không có đôi chân, mà bàn chân của Eli nhô ra trực tiếp từ xương chậu.  Điều kiện bệnh học khá hiếm gặp này được biết là dạng bệnh lây truyền do di truyền hoặc hình thành khi người mẹ trong thời gian mang thai đã sử dụng các loại thuốc gì đó. Thủa nhỏ, Eli học cách dùng các thanh gỗ bằng tay để đi lại dễ dàng. Lớn lên, Eli làm việc đồng áng, rèn luyện thể lực và muốn thành nghệ sĩ xiếc nhào lộn. Eli tự học, biểu diễn hài kịch theo cách riêng. Khi đã có chút tên tuổi, Eli được các gánh xiếc lớn mời đi biểu diễn. Ở tuổi trưởng thành, Eli trở thành một thanh niên điển trai khiến nhiều quý cô mê mệt. Năm 1870, Eli lấy vợ là Mattie Haines, hạ sinh 4 cậu con trai khỏe mạnh. Ngay cả khi đã có ngôi nhà hạnh phúc, nổi tiếng và giàu có, Eli vẫn đeo đuổi nghiệp xiếc, và đến 80 tuổi ông vẫn biểu diễn. Năm 1924, Eli qua đời do căn bệnh viêm màng phổi. 

PRINCE RANDIAN

Năm 1871, đôi vợ chồng người Ấn Độ sống ở British Guiana đón đứa con mới sinh: Prince Randian không có tay lẫn chân. Randian là một đứa trẻ tự lập, chuyển tới Mỹ năm 1889, Prince Randian thành nhân sự chủ chốt của gánh xiếc P.T. Barnum, mỗi lần xuất hiện thì khán giả chen chân để coi cho được hình dáng kỳ lạ của ông. 

Thời hoàng kim, Randian được khán giả đặt biệt danh là “Người Bướm” vì ông thường mặc cái áo có sọc giống con sâu khi biểu diễn. Đặc biệt thông minh và tài ba, ông nói lưu loát tiếng Hindi, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức; có thể lăn tròn và hút thuốc lá bằng miệng, đọc, viết, vẽ hoặc cạo râu. Randian còn “cua” được một quý bà gọi là Công chúa Sarah, có với nhau 5 mặt con. Sau này, Prince Randian giải nghệ , lui về hưu trí ở New Jersey cùng gia đình. Năm 1934, “Người Bướm” qua đời đột ngột vì một cơn đau tim.

JOHNNY ECK

Tháng 8/1911, hai vợ chồng John và Amelia Eckhardt hạ sinh một cặp song sinh nam với ngoại hình bình thường. Riêng bé trai John Jr. không có đôi chân. Dù thế nhưng Johnny biết đi sớm hơn Robert. Khi lớn lên, Johnny sống rất tự lập và sử dụng đôi tay rất linh hoạt. Năm 1932, Johnny cùng những người có hình thể quái dị cùng tham gia đóng bộ phim Freaks của đạo diễn Tod Browning. Johhny cũng xuất hiện trong siêu phẩm seri phim Tarzan. Johnny qua đời vào năm 1991 khi sống ẩn dật cùng với người em trai Robert.

KITTIE SMITH

Chào đời tháng 10/1882, Katherine “Kittie” Smith là con thứ 3 trong một gia đình nghèo ở Chicago. Dù không còn tay do bị cha đốt, Kittie đã học cách để may vá, viết lách, tự may quần áo cho chính mình cũng như đánh răng, chải tóc, quét nhà. Kittie còn biết chơi đàn dương cầm và là một bậc thầy điêu khắc gỗ. Ở tuổi trưởng thành, Kittie kiếm sống rất khá bằng nghề vẽ tranh, bán các sản phẩm do mình thêu thùa và những món đồ khác do cô tự làm bằng chân. Năm 1913, Kittie Smith trở thành người phụ nữ đầu tiên đi bầu cử ở tiểu bang Illinois. Cuộc đời của Kittie là một chuỗi những thành công đáng tự hào khi người khuyết tật chiến thắng mọi nghịch cảnh.

Đọc thêm