Thung lũng Johar - Hoàng kim một thời trên Con đường Tơ lụa cổ

(PLO) -Từng là tuyến đường giao thương thịnh vượng với Tây Tạng, ngày này thung lũng Johar vẫn luôn giữ nguyên vai trò của mình, trở thành địa điểm buôn bán  một mặt hàng đắt giá được gọi là “Đông trùng hạ thảo” với giá lên đến 112.000 USD/kg. 
Hình ảnh về thung lung Johar ngày nay
Hình ảnh về thung lung Johar ngày nay

Nằm rải rác trên một thung lũng hẻo lánh ở Tây Himalaya xa xôi, và trên trục Con đường Tơ lựa cổ đại tới Tây Tạng, Trung Quốc, 6 ngôi làng Ấn Độ thuộc thung lũng Johar đã bị bỏ hoang trong hơn nửa thế kỷ qua. Mặc dù có vẻ trông có vẻ không có nét gì đặc biệt, nhưng các ngôi nhà xây trên triền núi với những bức tường vỡ nứt và mái lợp xô lệch đã từng có một quá khứ huy hoàng. 

Quá khứ huy hoàng

Nằm cách biên giới Tây Tạng chỉ 20km, thung lũng Johar từng là tuyến đường giao thương chính. Người dân bộ lạc Shaukas ban đầu chủ yếu làm nông và chăn cừu ở khu vực bắt đầu học cách buôn bán và trở thành những thương gia thành công và giàu có. Họ thường đi hơn 1.500km về phía Đông, tới Kolkata để mua lụa, các loại gia vị và những loại hàng hóa khác rồi đem buôn bán, trao đổi hàng hóa với người Tây Tạng.

Ở thời kỳ đỉnh cao, đầu những năm 1900 họ còn tự xây cho mình những ngôi nhà đá khổng lồ có mái vòm, cửa sổ được chạm khắc tinh tế và phức tạp để tạo nên điểm nhấn. Những ngôi làng này phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và tấp nập người qua lại. Họ còn xây dựng cả nhà trọ, quán ăn để phục vụ cho lữ khách đến đây buôn bán, giao thương. 

Trong 6 ngôi làng, Milam là ngôi làng lớn nhất trong thung lũng Johar, từng là cổng thương mại với khoảng 400 hộ gia đình. Ngôi làng này rộng tới mức, các cô dâu mới về nhà chồng khi đi lấy nước từ các con suối gần đó, lúc trở về thường lạc đường trong những con hẻm, thậm chí là vào nhầm nhà. Truyền thuyết kể rằng có một nơi trên vách núi, nay vẫn được đánh dấu bằng một lá cờ, là nơi người ta vẫn tới để tìm gọi người phụ nữ trẻ lạc đường và chỉ lối họ về nhà.

Hình ảnh về thung lung Johar ngày nay
Hình ảnh về thung lung Johar ngày nay

Kết thúc một kỷ nguyên

Tuy nhiên, ánh hào quang ở nơi này dần bị lụi tàn vì những cuộc chiến tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 1962. Sau một loạt những cuộc đàm phán hòa bình bất thành giữa hai nước, biên giới bị niêm phong, quân đội của Ấn Độ bắt đầu được triển khai ở thung lũng Johar. Những ngôi làng buộc phải di tản, người dân bộ tộc Shaukas phải chuyển xuống những vùng đất thấp hơn và được chính phủ cung cấp đất đai, công việc. Tuyến đường thương mại thịnh vượng với Tây Tạng chấm dứt từ đây. 

Đến năm 1994, thung lũng Johar được mở cửa trở lại, nhưng mọi thứ lại không hề giống như trước khi bị chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt. Thậm chí ngày nay, sau 60 năm hoà bình đã trở lại ở biên giới, việc đi lại vẫn bị kiểm soát rất gắt gao. Tất cả những ai tới đây đều bị kiểm tra kỹ lưỡng vì sợ là gián điệp Trung Quốc trà trộn. Túi xách, máy ảnh đều bị kiểm tra cẩn thận. Những ai muốn tới đây đều phải xin giấy phép và phải được sự chấp thuận của lực lượng cảnh sát biên phòng Tây Tạng thuộc Ấn Độ, đồng thời phải được cơ quan lâm nghiệp cho vào.

Ngôi làng Milam giờ đây trở thành trạm cảnh sát biên giới lớn nhất của lực lượng cảnh sát biên phòng Tây Tạng thuộc Ấn Độ- là điểm xa nhất mà người ta có thể đi tới. Không một ai được phép vượt qua biên giới. 

Giờ đây, mặc dù các thương gia giàu có của bộ lạc Shaukas đã chuyển xuống sinh sống ở những vùng đất thấp hơn cách đây hàng chục năm, nhưng một số con cháu của họ đang trở lại thung lũng Johar để sửa chữa, xây dựng và khôi phục những ngôi nhà của cha ông họ trước đây. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng, thậm chí tốn kém vì vật liệu xây dựng cần thiết gần nhất cũng đã cách đó 60km và chỉ có thể sử dụng con la để vận chuyển. Chưa thực hiện được mong muốn, nhiều gia đình đã dựng lều trong những căn nhà đá bỏ hoang lâu ngày để ở tạm trong những tháng có thời tiết ấm áp. 

Trở về đây có nghĩa là họ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi việc làm trong khu vực không có nhiều. Những người Shaukas bắt đầu học cách sống đơn giản, tự trồng rau quả và kiếm được ít tiền khi bán cho binh lính. Rau chân vịt dại và dương xỉ là những món ngon của địa phương, được người Shauka nấu với dầu và gia vị rồi ăn cùng cơm hoặc món bánh mỳ quẹt roti. 

Ở đây cũng không có điện, một số người dựa vào năng lượng mặt trời hoặc nhặt củi từ các khu rừng bạch đàn trong thung lũng để đốt lửa vào ban đêm. Gia súc của họ trước kia có thể đi bất cứ đâu, nhưng giờ đây chỉ được phép chăn thả trong khu vực đất của Ấn Độ. 

Người Shaukas quay trở lại những ngôi nhà đá một thời huy hoàng
Người Shaukas quay trở lại những ngôi nhà đá một thời huy hoàng

Báu vật trên núi

Chừng một thập niên trước, có một loại nấm cực hiếm được phát hiện ở thung lũng trên cao. Loài nấm này có tên khoa học là Ophiocordyceps sinensis, nảy mầm trên ấu trùng sâu bướm còn sống, sau đó giết chết và biến chúng thành xác ướp, cuối cùng mọc ra một cuống thân dài từ đầu cái xác. Ở vùng Tây Tạng, người ta gọi nó là yarsagumba, hoặc nó cũng được biết đến với tên gọi khác phổ biến hơn là “đông trùng hạ thảo”, rất được ưa chuộng trong ngành y cổ truyền của Trung Quốc, được cho là có khả năng giúp tăng cường sinh lý cũng như làm thuốc chữa được bệnh phổi và bệnh thận. Nhiều người quan niệm đông trùng hạ thảo có sự cân bằng âm dương do nó vừa là động vật vừa là thực vật.  

Đông trùng hạ thảo dường như trở thành cứu cánh cho cuộc sống của người Shaukas. Từ chỗ dựa chủ yếu vào nghề nông và chăn nuôi gia súc, họ bắt đầu chuyển sang nghề tìm kiếm, thu hoạch đông trùng hạ thảo để kiếm sống. Nguồn thu từ đông trùng hạ thảo chiếm khoảng 40% nền kinh tế địa phương. 

Tuy việc buôn bán đông trùng hạ thảo là bất hợp pháp tại Ấn Độ nhưng một số người bộ lạc Shaukas ngày nay lấy các ngôi làng bỏ hoang này làm điểm hạ trại để đi tìm nhặt món hàng quý giá này. Với nhiều người, họ quay lại nơi này không phải vì muốn khôi phục lại một thời hoàng kim của cha ông mình, họ chỉ quay lại với mong muốn có đượ cơ hội kiếm tiền nhanh chóng từ sản vật quý hiếm. Dẫu đây là món hàng béo bở, nhưng đông trùng hạ thảo cũng đang trở thành một lời nguyền. Những vụ va chạm về quyền thu nhặt món này đã xảy ra, và dân làng đã có những cuộc ẩu đả với người ngoài để bảo vệ sản vật địa phương.

Được biết, mua thu hoạch đông trùng hạ thảo chỉ diễn ra vào khoảng tháng 5 và tháng 6, sau khi tuyết tan ở các vùng trên cao của dãy Himalaya. Để lấy được loại nấm quý hiếm này, người Shaukas phải leo lên độ cao trên 4.500m, bởi những gốc đông trùng hạ thảo giá trị nhất thường nằm ở những nơi cheo leo nhất và không dễ tìm ra. Ở thời điểm giá cao, trung bình 1kg đông trùng hạ thảo có thể bán được tới hơn 20.000 USD. Thậm chí, những gốc đông trùng hạ thảo lớn với chất lượng cao có thể bán với giá khoảng 10 USD/gốc, hay 112.000 USD/kg.

Hiện tại, ngành du lịch và thu nhặt đông trùng hạ thảo đang đem lại hơi thở cuộc sống ở thung lũng Johar, nhưng khó có khả năng xảy ra chuyện đa số người Shaukas sẽ quay trở về. Người ta cũng đang triển khai xây dựng một con đường đi xe máy để kết nối với thung lũng Johar, nhưng do địa hình hiểm trở và mùa đông kéo dài, khắc nghiệt, có lẽ việc làm sẽ phải mất nhiều năm mới xong. 

Cho tới khi đó, thung lũng sẽ vẫn tiếp tục quyến rũ người Shaukas tới tìm cơ hội phát tài nhanh chóng, và những người ưa mạo hiểm tới khám phá những nét hoang dã chưa ai chạm tới của vùng Himalaya.../.

Đọc thêm