Thị trường BĐS Khánh Hòa: “Băn khoăn” vì dự án thế chấp ngân hàng

(PLO) - Cùng một dự án bất động sản, trong khi Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt hồ sơ thế chấp để chủ đầu tư vay tiền ngân hàng thì Sở Xây dựng lại thông báo đủ điều kiện để chủ đầu tư bán tài sản đã thế chấp... 
Khánh Hòa đang bùng nổ thị trường bất động sản. Ảnh minh họa
Khánh Hòa đang bùng nổ thị trường bất động sản. Ảnh minh họa

Hàng loạt dự án thế chấp ngân hàng

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Khánh Hòa vừa công bố 52 dự án nhà ở đã thế chấp ngân hàng tính đến ngày 2/10/2017. Dự án mới nhất là chung cư Napoleon Castle 1 (tại 25-26 đường Nguyễn Đình Chiểu, TP Nha Trang) được Cty TNHH Cat Tiger Khareal thế chấp tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong – Chi nhánh Nha Trang vào ngày 2/10/2017. 

Cty TNHH Minh Phát thế chấp nhiều lô đất thuộc dự án Khu đô thị Nam Sông Cái cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Khánh Hoà; Cty TNHH Đầu tư Phát triển nhà Thái Xuân và Cty CP Phát triển đô thị Vĩnh Thái thế chấp nhiều lô liền kề và biệt thự thuộc Khu đô thị Mỹ Gia tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Đồ Sơn và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – Chi nhánh TP HCM.

Rất nhiều lô đất thuộc Khu đô thị ven sông Tắc, Khu Biệt thự và Du lịch sinh thái Vĩnh Trung, Khu biệt thự cao cấp OCEAN VIEW Nha Trang, Khu biệt thự biển và dịch vụ du lịch Anh Nguyễn, Khu đô thị nghỉ dưỡng Lotus Cam Ranh cũng đang thế chấp ngân hàng.

Trước đó, Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa thường xuyên công bố các dự án đang thế chấp tại các Ngân hàng. Cụ thể, ngày 1/3/2017, Văn phòng quản lý đất đai (Sở TN&MT) có Văn bản số 719 thông báo các dự án phát triển nhà ở đang thế chấp tại Ngân hàng đến ngày 28/2/2017; Dự án thế chấp đến 5/5/2017; Dự án thế chấp đến  3/7/2017; Dự án thế chấp đến 10/8/2017.

Việc công bố các dự án thế chấp được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 09/2016 ngày 23/6/2016 của Bộ Tư pháp và Bộ TN&MT về việc hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. 

Theo đó, khoản 2 Điều 41 quy định Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai gửi thông tin cho Sở TN&MT để đăng trên website của Sở về việc chủ đầu tư đã thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai sau khi Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai của chủ đầu tư.

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Theo quy định hiện hành, tài sản nhà đất muốn thế chấp ngân hàng phải đăng ký và được sự chấp nhận, quản lý của Sở TN&MT (qua Văn phòng Đăng ký đất đai). Tài sản thế chấp khi chưa giải chấp thì không được mua bán trao đổi, trừ trường hợp được sự đồng ý của ngân hàng nhận thế chấp bán để trả nợ ngân hàng.

Trong khi Sở Xây dựng Khánh Hòa là cơ quan có thẩm quyền xem xét ra thông báo các dự án đủ điều kiện bán, nhưng sự phối hợp giữa cơ quan này với Sở TN&MT dường như chưa có sự “nhịp nhàng”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 23/6/2016, Sở Xây dựng Khánh Hòa thông báo tiếp nhận hồ sơ mua nhà ở xã hội của Cty CP Địa ốc Hoàng Quân, nhưng 28/12/2016 chủ đầu tư được Văn phòng Đăng ký đất đai xác nhận hồ sơ để thế chấp tại ngân hàng TMCP INDOVINA – Chi nhánh Tân Bình, TP HCM. Tương tự, Cty TNHH Đầu tư phát triển Thanh Châu thế chấp dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng – Chi nhánh Khánh Hoà vào ngày 21/10/2016. Nhưng chỉ hai tháng sau đó, tức ngày 26/12/2016, Sở Xây dựng Khánh Hòa lại ra Thông báo 4456 cho phép dự án đủ điều kiện bán.

Một trường hợp khác, Cty CP thương mại Đầu tư PH Nha Trang thế chấp dự án chung cư xã hội PH tại Ngân hàng Ngoại thương – Chi nhánh Khánh Hoà, ngày 27/12/2016. Đến 23/6/2017, Sở Xây dựng có Thông báo 2186 cho phép dự án đủ điều kiện bán.

Theo Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, đối với các dự án bất động sản có xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai, cần phải có những điều kiện sau: Có quy hoạch tỷ lệ 1/500 được phê duyệt; có quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền; đã nộp tiền sử dụng đất và được cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ); có cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước, công viên cây xanh, công trình công cộng…); không còn thế chấp tại ngân hàng; báo cáo sở xây dựng và được sở xây dựng địa phương có dự án ra thông báo đủ điều kiện thực hiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Bởi vậy, việc làm của Sở TN&MT và Sở Xây dựng Khánh Hòa trong những trường hợp trên khiến người dân không biết đâu mà lần, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho cả người mua lẫn ngân hàng nhận thế chấp tài sản. 

Đọc thêm