Ông Lê Ân thấy tiếc nuối vì VCSB bị đặt trong tình trạng “kiểm soát đặc biệt”

(PLO) - Như PLVN đã từng thông tin, sau khi thắng kiện trong vụ kiện hành chính, ông Lê Ân (SN 1937, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Thương mại CP Vũng Tàu -VCSB) tiếp tục khẳng định mình bị kết án oan vào năm 2003 vì VCSB không hề bị thiệt hại trong các khoản cho vay thời kỳ đó. Việc HĐXX cho rằng VCSB rơi vào tình trạng “mất khả năng thanh toán tín dụng” là không chính xác.
Ông Lê Ân thấy tiếc nuối vì VCSB bị đặt trong tình trạng “kiểm soát đặc biệt”

Vào vòng lao lý do VCSB bị “kiểm soát đặc biệt”

Năm 2003, ông Lê Ân bị Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM kết án 12 năm tù về tội “Cố ý làm trái” do có sai phạm nghiêm trọng khi thực hiện cho vay, giải ngân và chấp nhận 3 tài sản thế chấp không hợp pháp, gây thiệt hại cho VCSB hơn 21 tỷ đồng. 

Theo nhận định của HĐXX, ông Lê Ân và đồng phạm đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây thiệt hại đến tài sản của VCSB, đã đẩy VCSB vào tình trạng mất khả năng thanh toán và buộc Nhà nước phải bỏ 94,5 tỷ đồng từ quỹ hỗ trợ biệt cho VCSB vay (tháng 4/2000) để ổn định tình hình hoạt động tín dụng, đảm bảo cho người gửi tiền và trật tự trị an xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, ngay tại phiên tòa, ông Lê Ân và các luật sư của mình đều cho rằng việc ban bố “tình trạng đặc biệt” đối với VCSB vào năm 1999 là sai lầm và ngân hàng này không rơi vào tình trạng phá sản.

Khi thụ án tại trại giam Thủ Đức, cuối năm 2003, ông Lê Ân cũng đã có đơn kêu oan, đề nghị được xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ân cho biết, rất tiếc quan điểm và ý kiến của tôi và luật sư đã không được HĐXX sơ thẩm, phúc thẩm chấp nhận.

Theo ông Ân, lúc đó, để đặt một ngân hàng nào đó vào “tình trạng kiểm soát đặt biệt” thì phải có các yếu tố thể hiện nguy cơ mất khả năng chi trả như: 3 lần liên tiếp trong một tháng, không duy trì được giá trị tài sản động tương đương với các khoản phải chi trả trong 3 ngày làm việc tiếp theo; không có khả năng huy động để thanh toán những khoản nợ đến hạn.

“Tuy nhiên, trong 4 tháng, kể từ ngày VCSB bị “kiểm soát đặc biệt” đến khi tôi bị bắt tạm giam (từ tháng 8/1999 đến tháng 1/2000), dù bị ngưng mọi hoạt động huy động vốn nhưng VCSB vẫn đáp ứng chi trả cho khách hàng được gần 70 tỷ mới hết tiền mặt. Việc cho rằng VCSB bị mất khả năng thanh toán vào tháng 8/1999 là không chính xác. Cho đến tháng 4/2000, tức là 6 tháng sau khi bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặt biệt thì VCSB mới được Ngân hàng Ngoại thương cho vay 94,5 tỷ để giải quyết tiền gửi cho nhân dân” - ông Lê Ân cho biết.

Trả hết nợ, còn dư tiền

Giải thích thêm về cái gọi là “giải cứu” này, ông Lê Ân cho hay: “Sau khi hết trả hết gần 70 tỷ tiền mặt cho khách hàng, VCSB xin được tự xử lý tài sản thế chấp để đáp ứng nhu cầu rút tiền gửi trước hạn của khách hàng nhưng không được chấp nhận. Khi bị yêu cầu ngưng mọi hoạt động huy động vốn, không được tự xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, không được tự bán tài sản cố định… thì việc  VCSB được vay 94,5 tỷ để trả tiền gửi cho khách hàng là phù hợp quy định về hoạt động trong hệ thống ngân hàng. Khi người dân đổ xô đến rút tiền gửi trước hạn mà thời điểm đó, ngân hàng không được huy động vốn, không được xử lý ngay tài sản thế chấp để thu nợ… thì dù ngân hàng đó có lớn mạnh đến đâu vẫn cần được các tổ chức tín dụng hoặc Ngân hàng khác hỗ trợ cho vay nhằm đáp ứng như cầu trả tiền mặt cho khách hàng. Không thể đánh đồng rằng, cứ phải đi vay để trả tiền gửi cho khách hàng là ngân hàng đó lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán được. Vả lại, để vay được số tiền này thì VCSB vẫn phải thế chấp tài sản của mình và phải giao các tài sản thế chấp, cầm cố cho Vietcombank. Tổng giá trị các tài sản thế chấp này lớn hơn khoản 94,5 tỷ được vay. Tại phiên tòa, tôi đã phản đối việc cơ quan chức năng đã “hạ giá” các tài sản do VCSB nhận cấm cố, thế chấp về đề nghị được tự mình xử lý tài sản thế chấp xem VCSB có bị thua lỗ hay không. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận”.  

Ngay sau khi chấp hành xong án phạt tù vào năm 2008, ông Lê Ân (lúc này là Chủ tịch Hội đồng thanh lý VCSB) đã thanh toán toàn bộ khoản nợ 94,5 tỷ của VCSB trước đây và trả hết tiền gửi của dân tại VCSB. Đồng thời, VCSB được nhận lại tài sản, dư nợ từ Vietcombank.

Như vậy, có thể khẳng định quyền lợi của các cổ đông trong VCSB không hề bị ảnh hưởng, bị thiệt hại trong vụ việc này. Nói rõ hơn về nội dung này, ông Lê Ân cho hay: “Ngay từ khi bị truy tố, xét xử cách đây 15 năm, tôi đã khẳng định vụ án này không có thiệt hại vì VCSB không có vốn của Nhà nước (100% vốn do tư nhân đóng góp). Cơ quan tiến hành tố tụng xác định tôi và các bị cáo gây thiệt hại cho VCSB hơn 21 tỷ nhưng đây là thiệt hại “ảo” vì cơ quan chức năng định giá các tài sản do VCSB nhận thế chấp thấp hơn nhiều so với thực tế. Và giả sử VCSB có thiệt hại thật thì chính tôi và một số bị cáo khác phải gánh chịu thiệt hại này. Oan ức ở chỗ, bị hại của vụ án hoặc nguyên đơn dân sự lại chính là bị cáo trong cùng vụ án. Trong giai đoạn xét xử và thi hành án, tôi đã tự nguyện dùng tài sản của mình để bồi thường toàn bộ hơn 21 tỷ được coi là “thiệt hại” của VCSB này. Chỉ cần 1 phần tài sản bị kê biên, tôi đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán này. Vậy, tại sao lại coi tôi và các bị cáo khác đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Cần phải xem xét lại nhận định và đánh giá có tính chất “thổi phồng này” - ông Lê Ân kiến nghị.

Đọc thêm