Một số chương trình tín dụng chính sách đang được đề nghị xem xét tăng mức cho vay

(PLVN) - Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, một số chương trình tín dụng chính sách có mức cho vay thấp đang được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đề nghị các bộ, ngành hữu trách xem xét trình Chính phủ nâng mức cho vay.
Một số chương trình có mức cho vay thấp như HSSV, giải quyết việc làm… đang được đề xuất xem xét  nâng mức cho vay
Một số chương trình có mức cho vay thấp như HSSV, giải quyết việc làm… đang được đề xuất xem xét nâng mức cho vay

Năm 2018, hơn 2 triệu lượt hộ được vay vốn chính sách

Theo thông tin từ NHCSXH, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/12/2018 đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 16.003 tỷ đồng (tương đương 9,3%) so với năm 2017, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn. Trong đó, dư nợ tín dụng thực hiện theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 165.141 tỷ đồng, tăng 12.938 tỷ đồng (tăng 8,5%), hoàn thành 100% kế hoạch được Chính phủ giao.

Tổng doanh số cho vay năm 2018 đạt 62.078 tỷ đồng, tăng 6.964 tỷ đồng so với năm 2017, với hơn 2,1 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách được ưu tiên tập trung vào một số chương trình tín dụng, như: cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay học sinh, sinh viên (HSSV), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... và vốn tín dụng chính sách được ưu tiên cho các chi nhánh thuộc tỉnh nghèo, huyện nghèo, xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo,vùng dân tộc thiểu số,... 

Hoạt động tín dụng CSXH đã góp phần giúp hơn 300 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh (SXKD), tạo việc làm cho hơn 245 nghìn lao động; giúp hơn 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 51 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng gần 30 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 2,8 nghìn căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP...

Tín dụng CSXH góp phần tích cực thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. Tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 5,35% (giảm 1,35% so với cuối năm 2017). Đến hết năm 2018, cả nước có 3.838 xã (43,02%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 769 xã (8,62%) so với cuối năm 2017, trong đó có đóng góp không  nhỏ của hoạt động tín dụng chính sách.

Đề xuất xem xét tăng mức vay một số chương trình

Trước việc một số chương trình bị “phàn nàn” là có mức cho vay thấp, trao đổi với báo chí, bà Trần Lan Phương – Phó Tổng Giám đốc NHCSXH – cho hay, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình tín dụng đối với HSSV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, NHCSXH đã nhiều lần báo cáo các bộ, ngành liên quan xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nâng mức vay cho phù hợp với giá cả, mức chi phí học học tập và biến động của thị trường. Hiện nay đang áp dụng mức cho vay 1.500.000 đồng/tháng/HSSV.

Hiện nay, ý kiến, kiến nghị của hộ vay, các đoàn công tác, cử tri các địa phương, đại biểu Quốc hội đều đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nâng mức cho vay để phù hợp với lộ trình tăng học phí và biến động của giá cả trên thị trường. Do đó, ngày 18/9/2018, NHCSXH đã báo cáo với Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nâng mức vay từ 1.500.000 đồng/tháng/HSSV lên 2.500.000 đồng/tháng/HSSV. “Đến nay, Bộ Tài chính đang xin ý kiến của một số bộ, ngành liên quan (Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo) để trình Thủ tướng Chính phủ” – bà Trần Lan Phương nói. 

Còn đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, cũng như các chương trình cho vay cho mục đích SXKD khác, hoạt động SXKD đang cần nhiều nguồn vốn hơn cho đầu tư của cơ sở SXKD cũng như hộ gia đình, theo xu hướng chung là chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang ứng dụng công nghệ, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng và chuỗi giá trị. Trong khi đó, mức cho vay hiện nay không phù hợp do biến động tăng lên hàng năm của giá cả thị trường, chi phí để đầu tư máy móc, trang thiết bị, mua cây, con giống, nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động SXKD ngày càng tăng. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình, cơ sở SXKD có nhu cầu vay vốn với mức cao hơn để tương ứng với các dự án, mô hình phát triển SXKD đã phải vay vốn bổ sung từ các tổ chức tín dụng khác hoặc vay từ nguồn vốn bên ngoài với lãi suất cao.

 “NHCSXH đã đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xem xét nâng mức cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm cho phù hợp với nhu cầu vốn để phát triển SXKD, tạo việc làm trong giai đoạn hiện nay” – bà Trần Lan Phương cho biết. 

Đọc thêm