NHCSXH góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” như thế nào?

(PLVN) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành Ngân hàng và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nghiên cứu đề xuất giải pháp để người dân không bị “tín dụng đen” bủa vây. Vậy, NHCSXH chuẩn bị như thế nào?
Tăng mức vay và kéo dài thời hạn vay được NHCSXH được coi là một trong các giải pháp đẩy lùi “tín dụng đen”
Tăng mức vay và kéo dài thời hạn vay được NHCSXH được coi là một trong các giải pháp đẩy lùi “tín dụng đen”

Đề xuất nâng mức cho vay một số chương trình

Vừa qua, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2019 của ngành Ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tín dụng đen cho vay lãi suất cắt cổ đang bủa vây người yếu thế, từ thành thị đến nông thôn, từng ngóc ngách bản làng, lo hơn nữa là cách đòi nợ kiểu “xã hội đen” hiện nay, buộc người vay đến chỗ mất nhà, đẩy gia đình người vay đến cảnh nghèo đói, trở thành những “chị Dậu” mới”. Thủ tướng chỉ đạo ngành Ngân hàng và NHCSXH nghiên cứu đề xuất giải pháp, ví dụ nâng mức vay cho hộ nghèo, để người dân không bị “tín dụng đen” bủa vây. 

Chia sẻ về nỗ lực của NHCSXH trong việc đưa vốn đến với người nghèo, đối tượng chính sách trong 16 năm qua, bà Trần Lan Phương – Phó Tổng Giám đốc NHCSXH – cho hay, vốn tín dụng CSXH đã góp phần giúp gần 5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm cho gần 3,7 triệu lao động. Gần 119 ngàn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi làm 

việc ở nước ngoài, hơn 3,6 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Trên 11 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn được xây dựng từ đồng vốn này, cùng với gần 105 ngàn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ Đồng bằng sông Cửu Long, gần 571 ngàn căn nhà cho hộ nghèo, trên 13 ngàn căn nhà phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung... đã góp phần tác động đa chiều, sâu sắc vào cuộc sống người dân khắp mọi miền đất nước.

Bà Trần Lan Phương cho hay, NHCSXH đã chủ động phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện quyết liệt những giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng đối với những đơn vị có nợ quá hạn cao. Qua đó, tạo sự chuyển biến về cách nghĩ, cách làm của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tác động đến ý thức của người vay “có vay có trả”. Đồng thời, tạo sự đồng thuận và quyết tâm của các ngành, các cấp góp phần từng bước nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, giúp người dân cải thiện cuộc sống, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh…

Để tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng vay vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, NHCSXH đã nghiên cứu và triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, đề xuất nâng mức cho vay của nhóm các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế để tạo điều kiện cho hộ vay đầu tư dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đồng thời kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài như trồng cây ăn quả, trồng cây công nghiệp. NHCSXH cũng đề xuất nâng mức cho vay chương trình học sinh, sinh viên lên mức 2,5 triệu đồng/tháng để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường.

Đồng thời, NHCSXH đề xuất điều chỉnh tăng lãi suất cho vay chương trình giải quyết việc làm bằng lãi suất chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (bằng 120% đến 125% lãi suất cho vay hộ nghèo) để tạo sự công bằng, giảm áp lực cấp bù của ngân sách nhà nước; hàng năm bổ sung tăng nguồn vốn cho vay của chương trình cho vay giải quyết việc làm nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.

Gắn kết các mô hình kinh tế của địa phương với tín dụng chính sách

Một giải pháp khác mà NHCSXH thực hiện là đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định (31/12/2020), đồng thời cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm.

“NHCSXH cũng đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết sớm ban hành chính sách xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan phù hợp với đặc điểm, điều kiện đặc thù của hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng này có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững” – bà Trần Lan Phương cho biết.

Ngoài ra, NHCSXH cũng đưa ra giải pháp các địa phương chủ động xây dựng chương trình, dự án, đầu tư các mô hình kinh tế gắn kết với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Một giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả tín dụng chính sách, nâng cao đời sống người dân để từ đó đẩy lùi “tín dụng đen” là các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt tại cấp xã và Tổ Tiết kiệm và Vay vốn trong việc thực hiện một số nội dung công việc được NHCSXH ủy thác trong quy trình cho vay. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng cần chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền tín dụng chính sách, việc bình xét cho vay, quản lý và hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả. 

Đọc thêm