Cả nhà 6 người ai cũng mắc nghiện… bài chòi

(PLVN) - Nhiều năm qua, ở xã đảo Nhơn Châu (còn gọi là Cù Lao Xanh, thuộc TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, cách đất liền 24km), di sản bài chòi trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn nhờ vai trò hạt nhân của vợ chồng nghệ nhân Trần Hữu Phước - Lê Thị Hoa cùng 4 người con của họ. Người dân ở đảo thường gọi họ là “gia đình bài chòi”.
Vợ chồng nghệ nhân Trần Hữu Phước diễn xuất rất ăn ý
Vợ chồng nghệ nhân Trần Hữu Phước diễn xuất rất ăn ý

Cả nhà “ăn bài chòi, ngủ bài chòi”

Ông Trần Hữu Phước và bà Lê Thị Hoa (cùng SN 1968) đều sinh ra, lớn lên trên đảo Cù Lao Xanh, bầu bạn với bài chòi từ thuở lọt lòng. Cả ông Phước lẫn bà Hoa đều “thấm” bài chòi từ mẹ. Khi 15 tuổi, vì mê mẩn bài chòi nên ông Phước quyết tâm đi sưu tầm lại tất cả những câu hát mà người già trên đảo còn nhớ. Với chất giọng trầm ấm trời phú, lại thuộc nhiều câu hát cổ, ông sớm trở thành “ngôi sao” bài chòi trong lòng bà con trên đảo.

Hồi ấy, ông Phước tham gia đội văn nghệ xung kích của địa phương. Rồi, bà Hoa cũng tham gia vào đội văn nghệ này. Có lẽ nhờ chung niềm đam mê nên tình yêu của họ nảy nở từ trong những đêm hát. Và, bài chòi như sợi tơ se duyên cho họ nên vợ thành chồng. 

Tình yêu và niềm đam mê đã giúp hai người không ngừng phấn đấu nỗ lực học hỏi tìm tòi để có được những câu hát mới cùng cách biểu diễn cuốn hút người chơi. Sự ăn ý trong lời ca tiếng hát cũng như cách biểu diễn của đôi vợ chồng này dần vang xa. Họ có nhiều hơn những đêm hát không chỉ trong tỉnh, mà còn ở tỉnh bạn Phú Yên.

Năm 2011, TP.Quy Nhơn mở lớp tập huấn hô hát bài chòi, tổ chức hội đánh bài chòi dân gian. “Gãi trúng chỗ ngứa”, từ xã đảo Nhơn Châu cách trở đò giang, vợ chồng ông Phước hăng hái tham gia tập huấn. Trở về, vợ chồng ông Phước phối hợp với chính quyền địa phương thành lập Đội Bài chòi dân gian xã đảo Nhơn Châu do ông làm đội trưởng, tổ chức sinh hoạt cho người dân đảo vào mỗi dịp lễ, Tết…

Anh Thiện cùng mẹ hô bài chòi tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn) dịp Tết Nguyên đán 2019.
Anh Thiện cùng mẹ hô bài chòi tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn) dịp Tết Nguyên đán 2019.

Ông Phước bảo, bài chòi thu hút khách bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù của mình trong hàng loạt làn điệu: xuân nữ, hò quảng, xàng xê, cổ bản và các điệu dân ca như: lý thương nhau, vọng kim lang, hò tát nước...

Để trở thành anh, chị hiệu (người làm trò) cần phải luyện tập rất công phu. Ngoài việc phải nhớ và thuộc nhiều câu hát, anh, chị hiệu còn phải giỏi ứng biến với từng người chơi, biết áp dụng các trích đoạn hát bội cổ, ca dao lục bát vào những lúc hợp lý. Bên cạnh đó, các anh, chị hiệu phải luôn tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho tất cả mọi người bằng các câu hát của mình.

Thế hệ thứ 3 của gia đình này là 4 người con của vợ chồng ông Phước, lần lượt là Trần Huệ Thiện (SN 1990), Trần Quang Nhơn (SN 1992), Trần Linh Tâm (SN 1995), Trần Phương Linh (SN 1997) cũng thừa hưởng niềm mộ điệu bài chòi từ bà, cha mẹ. Vì “ăn bài chòi, ngủ bài chòi” mà nghệ thuật dân dã này một cách tự nhiên len lỏi vào trong tâm hồn họ. Được cha mẹ truyền lửa, dìu dắt, bây giờ họ đều là những năng khiếu bài chòi cổ triển vọng của tỉnh Bình Định.

“4 anh em tôi lớn lên cùng làn điệu bài chòi cổ, ở nhà thì nghe cha mẹ hát, về nội hay ngoại cũng lại nghe bài chòi. Bà ngoại mất cách đây một năm, còn bà nội thì giờ vẫn còn “ghiền” lắm. Tuy hơi hám không còn nhưng lúc tâm trạng vui, bà nội cũng hô mấy hơi liền. Bà nội thường tỉ tê với chúng tôi cháu rằng, bài chòi là sản phẩm đặc sệt của dân mình, nhất là xứ Bình Định mình. Mình dân đảo càng nên giữ văn hóa của nước mình, đó cũng là một cách giữ nước”, anh Thiện cho biết.

Vượt sóng… hát bài chòi

Bây giờ, trong 4 người con của vợ chồng ông Phước, chỉ anh Thiện là ở lại đảo Cù Lao Xanh lập nghiệp với nghề giáo viên dạy nhạc Trường THCS Nhơn Châu, còn 3 người con sau hiện đang làm việc tại đất liền Quy Nhơn. Nhưng dù ở đâu, làm gì, các thành viên trong gia đình này vẫn đam mê bài chòi như cái “nghiệp” đã vận vào mình. 

Gần 5 năm qua, cứ vào cuối tuần, vợ chồng ông Phước cùng con trai đầu lại bỏ dở công việc nhà, theo những chuyến tàu vận chuyển lương thực cho người dân đảo vào đất liền hát bài chòi phục vụ bà con, phần thỏa thú hát bài chòi của mình. Từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay, lúc rảnh rỗi, 3 người con sau của ông Phước cũng cùng với cha mẹ và anh trai đi hát khắp nơi ở Quy Nhơn, Tây Sơn…

Ông Phước bảo, mấy năm liền, cứ vào những ngày cuối tuần, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP.Quy Nhơn tổ chức biểu diễn bài chòi ở quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Vợ chồng ông dù có bận thế nào cũng sắp xếp để vào biểu diễn cho bà con xem. 

Theo bà Nguyễn Thị Quý Nhất - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP. Quy Nhơn, vì là người một nhà nên “dàn” hiệu 6 người trong gia đình nghệ nhân Trần Hữu Phước rất hiểu ý nhau, góp phần tạo nên sức hút, thành công của hội đánh bài chòi khi có họ tham gia.

“Điều lớn lao và đáng quý nhất mà vợ chồng nghệ nhân Trần Hữu Phước làm được là đã truyền được ngọn lửa yêu di sản, nhiệt huyết, trách nhiệm bảo tồn đến tất cả 4 người con của mình”, bà Nhất nói.

Ươm mầm bài chòi nơi đảo xa

Là giáo viên dạy nhạc, lại là anh hiệu được bà con xã đảo mến mộ, anh Thiện cảm nhận được học trò của mình rất thích thú với những anh, chị hiệu và những câu hô thai trong các hội đánh bài chòi. Vậy nên tháng 4/2018, CLB Bài chòi Trường THCS Nhơn Châu được thành lập do anh là chủ nhiệm. 

Đến nay, CLB đã có hơn 20 thành viên, các em đều có tố chất, có thể hô hát thuần thục. Minh chứng cho điều này là chỉ một tháng sau khi thành lập, CLB Bài chòi Trường THCS Nhơn Châu đã xuất sắc đạt giải nhất tại Hội thi Diễn xướng bài chòi dân gian các trường THCS TP. Quy Nhơn.

“Để hát được bài chòi thì ít nhất phải thuộc 27 câu hát đi đôi với 27 lá bài. Đối với thanh thiếu niên rất khó, đòi hỏi kỹ năng, sự va chạm với ngôn ngữ, giọng điệu và cả đam mê dành cho bài chòi. Để hát đúng nhịp, điệu của bài chòi, các em cần luyện tập nhiều.

Ở trường, sau khi cân đối việc học, tôi cùng các em luyện tập thường xuyên. Ngoài luyện hô cho đúng chất bài chòi, luyện tập nhiều còn giúp nhớ lời câu thai rất hiệu quả, qua đó các em tự tin thể hiện hơn”, anh Thiện cho biết.

Những năm qua, gia đình nghệ nhân Trần Hữu Phước còn là địa chỉ tin cậy của nhiều công ty du lịch mỗi khi mời hát bài chòi phục vụ các đoàn khách đến tham quan xã đảo Nhơn Châu. 

“Nghe các thành viên trong gia đình ông Phước hát bài chòi, du khách ai cũng thích thú. Riêng ông Phước có nét tổng hòa của một ngư dân, một nghệ sĩ miệt vườn, một nghệ nhân dân gian. Có lẽ vì vậy mà dân du lịch phượt rất mến ông ấy biểu diễn văn nghệ, hay đơn giản chỉ là kể chuyện, trong vai người dân bản địa với khách du lịch đến thăm quê hương mình”, ông Bùi Châu Ân - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Xứ Nẫu cho biết.

Đọc thêm