Hãy để người trẻ được làm mới nhạc Trịnh

(PLVN) - Nhiều thập kỉ trôi qua, âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn là thứ âm nhạc lạ lùng mà ngay cả những người yêu nhạc Trịnh, gắn bó với cố nhạc sĩ họ Trịnh cũng chưa chạm đến cốt lõi. Và giờ đây, thế hệ hát đương đại vẫn miệt mài khám phá cũng như làm mới nhạc Trịnh.
Nữ danh ca Khánh Ly trong một lần biểu diễn nhạc Trịnh trên sân khấu.
Nữ danh ca Khánh Ly trong một lần biểu diễn nhạc Trịnh trên sân khấu.

Gia tài vĩ đại

Năm 1958, ca khúc đầu tiên mang tên Ướt mi ra đời, đó cũng là bước đi khởi đầu trong sự nghiệp âm nhạc vĩ đại của người nhạc sĩ họ Trịnh. Một cuộc đời âm nhạc với gia tài ca khúc khổng lồ (hơn 600 ca khúc), Trịnh Công Sơn được coi là nhạc sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhất, có tác phẩm âm nhạc được nghe nhiều nhất của Việt Nam thế kỉ 20 và có thể cho tới bây giờ.

Nói về âm nhạc của Trịnh Công Sơn, người ta không dùng từ hay bởi “hay” có lẽ không thể biểu đạt hết giá trị mà nhạc Trịnh đem đến cho đời. Âm nhạc của cố nhạc sĩ này rất kì lạ: Có khi âm u, thần bí mà cũng có lúc trong trẻo, ngọt ngào. Ẩn sâu bên trong những ca từ và giai điệu có vẻ trầm lắng lại là những nghĩ suy đầy tích cực, là niềm yêu thương sâu sắc với cuộc đời, với con người.

Tính ẩn dụ, tính biểu tượng, những dụ ngôn và triết lý trong nhạc Trịnh khiến mỗi tác phẩm của ông trở nên có rất nhiều lớp lang. Như một củ hành, bóc lớp này lại thấy lớp khác. Và để tìm đến với cốt lõi, người ta cứ phải mải mê bóc tách như thế. Nhưng có mấy ai, kể cả tri kỉ tri âm hay người thân của Trịnh Công Sơn dám nhận mình thực sự chạm đến những minh triết trong âm nhạc của Trịnh.

18 năm trôi qua kể từ lúc người nhạc sĩ trở về với cát bụi, như tên một bài hát mà ông sáng tác. Nhưng trong suốt những ngày tháng vắng mặt ông trên cõi đời, âm nhạc của Trịnh Công Sơn chưa bao giờ thôi vang lên. Đó là tiếng nhạc trầm buồn trong một chiếc loa rè đã cũ của quán cafe ven đường, đó là một đại nhạc hội hoành tráng với các danh ca hàng đầu trong nước lẫn hải ngoại, hay chỉ là một sáng công viên, những sinh viên trẻ ôm đàn nghêu ngao hát...

Người ta thường nói đến những “tượng đài” trong nhạc Trịnh. Đó là những danh ca gắn bó với những ca khúc Trịnh Công Sơn với giọng hát như “sinh ra đã thuộc về Trịnh”, không ai có thể thay thế được. Đó là Khánh Ly với chất giọng liêu trai, không bổng không trầm làm người du ca cùng nhạc sĩ họ Trịnh qua những thập kỉ Da vàng và về sau. Đó là Trịnh Vĩnh Trinh, người em, tri âm. Đó là Hồng Nhung, “nàng thơ” mới ở giai đoạn tươi vui sau này... 

Suốt nhiều thập kỉ âm nhạc của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Vĩnh Trinh, Hồng Nhung cùng những Lê Uyên Phương, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Ánh Tuyết... làm nên một thời kì rực rỡ của nhạc Trịnh. Có lẽ, chính bởi “sức nặng” của những “tượng đài”, nên về sau này, không dễ dàng để thế hệ nghệ sĩ hậu bối khẳng định tên tuổi của mình trong  nhạc Trịnh.

Những Quang Dũng, Trần Thu Hà, Thủy Tiên, Đức Tuấn vừa yêu nhạc Trịnh, vừa tài năng lại nghiêm túc có lẽ mới có thể khiến khán giả đón nhận với những ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Mong muốn “làm mới” nhạc Trịnh

Ở những thế hệ sau, hành trình đến với nhạc Trịnh còn gian nan hơn nữa. Âm hưởng của thời đại đã khác; phong cách và thị hiếu giới trẻ giờ đây cũng khác. Thật khó để bảo người trẻ phải uốn mình để phù hợp với mong muốn giữ lại bản nguyên của nhạc Trịnh, hoặc làm giống, làm hay như các nghệ sĩ đã làm.

Những cái bóng là quá lớn. Ngay cả bản thân người trẻ nhiều lúc cũng không muốn thế. Họ muốn đến với nhạc Trịnh bằng con đường riêng của mình. Tất nhiên, bị chê trách, bị phản ứng và phủ nhận là điều không thể tránh khỏi. 

Thế nên mới có Miu Lê với những tình khúc Trịnh Công Sơn trong trẻo nhẹ nhàng như tuổi thanh xuân, nhưng bị chê yếu hơi, thiếu chiều sâu. Có Đồng Lan bản năng nhưng bị chê hoang dã, quá mạnh mẽ, Mai Khôi quá hiện đại hay Hoàng Quyên chưa thực sự có dấu ấn.

Mới đây, còn có nữ ca sĩ Phạm Thu Hà muốn làm mới nhạc Trịnh bằng thính phòng, hay rapper Hà Lê công bố dự án “Trịnh Comtemporary” (nhạc Trịnh đương đại)... Nhiều người trong số họ bị nghi ngờ, thậm chí ném đá hay quy kết là “phá nhạc Trịnh”. Nhưng có hề gì, đã là nghệ sĩ, quan trọng nhất vẫn là cái tâm với nghệ thuật. 

Không thể bắt người trẻ đi con đường như lớp tiền bối đã vạch nên. Nhạc Trịnh cùng với những giọng hát huyền thoại một thời đã trở thành di sản âm nhạc Việt. Nhưng muốn nhạc Trịnh không chỉ là di sản mà trở thành hơi thở của đời sống đương đại, thì cần chấp nhận cho người trẻ thể nghiệm. Hay - dở, đúng - sai chưa rõ, nhưng trước mắt là dám nghĩ, dám làm, dám vạch lối đi mới trên con đường lớn đã quá quen thuộc. 

Như Trịnh Công Sơn từng một lần tâm sự, ông nghe các bạn trẻ hát bài hát của mình, thấy hát sai nhịp, sai lời mà cũng thấy vui lắm lắm. Âm nhạc của Trịnh đâu chỉ để hát cho đúng, cho chuẩn, cho hay. Âm nhạc của Trịnh là để tất cả mọi người có thể hát lên theo cách của mình. Rồi từ âm nhạc ấy chạm đến những tầng sâu thăm thẳm của đời sống này...

Đọc thêm