Phim tài liệu Việt chật vật “phủ sóng” khán giả

(PLVN) - Dù phim tài liệu có nhiều bước tiến, thế nhưng, để thu hút nhiều khán giả xem, nhất là phim lại “đổ bộ” ra rạp chiếu thương mại là điều không hề dễ dàng. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phim truyền hình cũng như sự đổ bộ của các phim nước ngoài, phim tài liệu Việt Nam đang phải chật vật tìm đường “phủ sóng” khán giả.
Phim tài liệu Hành trình bất tận
Phim tài liệu Hành trình bất tận

Nhiều phim đạt giải thưởng cao

Ngay từ khi ra đời, phim tài liệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trong nghệ thuật điện ảnh và trong đời sống. Nhiều bộ phim đã góp phần phản ánh một cách chân thực về cuộc sống của con người Việt Nam trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, xây dựng đất nước. Đã có một thời, những bộ phim tài liệu nức lòng công chúng điện ảnh trong nước như: “Nước về Bắc Hưng Hải”, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”…

Những năm qua, công chúng được biết tới những bộ phim Việt Nam đạt giải thưởng “Cánh diều vàng” và các giải thưởng của truyền hình như: “Hai đứa trẻ”, “Nhật kí của ba”, “Những người giữ biển”, “Những người chốt giữ thành cổ”, “Từ trái tim đến trái tim”, “Mộ gió”… Năm 2018, Top 5 phim tài liệu ấn tượng tại lễ trao giải VTV Awards bao gồm: “Ánh sáng tháng mười”, “Bản tình ca của đá”, “Hành trình bất tận”, “Miền đất hứa”, “Về quê hương mẹ”. 

Giành được số lượt bình chọn cao nhất từ khán giả và hội đồng chuyên gia, “Hành trình bất tận” đã được vinh danh ở hạng mục “Phim tài liệu ấn tượng” của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.

Phim tài liệu đang được Nhà nước rất quan tâm đầu tư và đầu ra cũng khá rộng mở. Chỉ trong 2 năm qua, Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương đã sản xuất 27 phim như: “Chuyện những người lính già”, “Ông Tây nước mắm”, “Chuyện từ hạt muối”, “Chuyện ngày hôm qua”, “Cuộc di cư của bầy cừu…”.

Các phim đều đề cập đến những vấn đề bức xúc của cuộc sống, hoàn thành vai trò người chép sử bằng hình ảnh. Các tác giả đã bám sát thực tế và phản ánh nhiều khía cạnh đa dạng, đa chiều về hoàn cảnh, về cuộc sống của người dân lao động từ miền núi, vùng sâu, vùng xa, đến biên giới hải đảo.

Đặc biệt, các phim đề cập các vấn đề về môi trường bị tác động do biến đổi khí hậu, ô nhiễm do các cơ sở công nghiệp, số phận những người dân nghèo trong cơ chế thị trường, biên giới hải đảo… Dự kiến, trong năm 2019, Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương sẽ sản xuất phim đề tài chống tham nhũng.  

Có thể nhận thấy bước chuyển trong tư duy sáng tạo của nhiều tác giả trẻ. Một số phim có cách làm mới như không có lời bình của tác giả mà chỉ có lời tự sự, phỏng vấn nhân vật. Một số phim có độ dài vượt khung truyền thống 30 phút, kéo dài với dung lượng từ trên 50 phút đến 86 phút nhưng vẫn đảm bảo sự cuốn hút từ đầu đến cuối.  Nhiều phim được đánh giá có chất lượng cao và có tính phát hiện mới, cách thể hiện có nhiều sáng tạo đã mang đến cho không gian điện ảnh phim tài liệu - khoa học một luồng gió mới. 

Ước mơ “đổ bộ” rạp thương mại

Dù phim tài liệu có nhiều bước tiến, thế nhưng, để thu hút nhiều khán giả xem, nhất là phim lại “đổ bộ” ra rạp chiếu thương mại là điều không hề dễ dàng. Những năm trước, bộ phim tài liệu điện ảnh “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Lửa thiện nhân”, “Chuyện ngày hôm qua” là số ít phim ra rạp thương mại thu hút một lượng khán giả nhất định. 

NSND Nguyễn Như Vũ lý giải, khán giả xem phim ngoài rạp chủ yếu độ tuổi từ 15-25. Không phải ai cũng thích xem phim tài liệu. Cộng thêm thói quen ra rạp xem phim tài liệu của khán giả lâu nay vẫn ì trệ, các rạp chiếu phim e ngại sắp xếp suất chiếu. Cùng đó, phim tài liệu ở Việt Nam muốn ra rạp phải biết chọn đề tài, đối tượng và thời điểm.

“Phim “Chuyện ngày hôm qua” ra rạp đúng dịp tròn một năm ngày mất của Trần Lập, nên nhận được sự quan tâm, còn phim hay chỉ là một phần thôi” - NSND Nguyễn Như Vũ cho hay. Ông Vũ chia sẻ thêm, phim tài liệu là một thể loại phim khó làm, khó sản xuất và khó kinh doanh. Chẳng có nhà đầu tư nào bỏ tiền ra để làm phim tài liệu. Đây là thực tế ở trên toàn thế giới chứ không riêng ở Việt Nam.

Dễ hiểu, cho đến giờ, dù phim tài liệu được giới chuyên môn đánh giá cao và đạt giải thưởng Bông sen vàng, Cánh diều vàng thì việc đưa nó ra rạp vẫn là ước mơ của nhiều nhà làm phim.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng, người làm phim không thể kêu gọi khán giả hoặc bắt khán giả đến xem phim tài liệu. Thay vào đó, người làm phim nên tạo dựng sự đam mê cho khán giả, bắt đầu từ những người trẻ.

Có thể bắt đầu từ việc tạo điều kiện để các em học sinh phổ thông biết đến phim tài liệu, học cách làm phim tài liệu, hướng dẫn các em cách thức làm phim tài liệu như thế nào, phong cách, trường phái để các em có sự lựa chọn… ví như ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD.

“Để thu hút khán giả, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, ngoài việc phát trên sóng truyền hình, sắp tới, Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương dự kiến mở rộng diện phủ sóng của các phim được sản xuất trên Youtube hay một vài kênh, mạng xã hội…”- NSND Nguyễn Như Vũ chia sẻ.