Cha mẹ sáng suốt thì con cái mới thuận hòa?

(PLO) - Vì một chữ “tiền”, không biết bao gia đình tan nát, anh em trở mặt. Có người nói đó là do bản tính trời sinh, có người nói đó là do giáo dục. Vậy, đâu mới là nguyên nhân thực sự của những hiện tượng đáng buồn trong xã hội này.
Cha mẹ sáng suốt thì con cái mới thuận hòa?

Anh em đưa nhau ra tòa vì tài sản

Ở tuổi xế chiều, hai vợ chồng ông Trang, bà Yến (ngụ Củ Chi, TP.HCM) còn phải đến tòa để chứng kiến cảnh ba đứa con mình kiện tụng lẫn nhau. Vốn ông bà là nông dân, xưa kia cũng khá vất vả, nhưng càng về sau, đất đai lên giá, những mảnh vườn, ruộng ông bà tích lũy qua nhiều năm lại biến ông bà thành những người có của ăn của để.

Hai người con trai và một đứa con gái trưởng thành, đi làm ở TP, từ khi biết đất đai lên giá, luôn tìm mọi cách thuyết phục cha mẹ bán đi, chia cho mình một ít để làm ăn. Nghe lời các con, ông bà cũng bán lần lượt các mảnh đất, chia cho chúng. Rồi hết đứa này đến đứa khác làm ăn thất bát, lập gia đình..vv, cứ mỗi lần về than khóc, xin xỏ, ông bà lại cắt đất bán dần.

Cuối cùng, còn một mảnh đất rộng 1ha, có ngôi nhà ông bà ở, gắn bó với hai vợ chồng đã 30 năm, ông bà quyết không bán đi vì thấy con cái đứa nào cũng ổn định hết rồi. Thế rồi, con trai đầu thường xuyên về nhà, kể khổ với cha mẹ là công ty đang phát triển, cần có vốn để mở rộng, vì mình không có nhiều tài sản thế chấp nên đối tác không tin tưởng…

Thấy con than thở nhiều lần, sau đó nhờ cha mẹ sang tên mảnh đất cho mình để mình có thứ “làm tin” với đối tác, ông bà cũng xiêu lòng. Là người dân quê, ông bà nghe con nói về chuyện làm ăn cũng ù ù cạc cạc, chỉ biết là nếu có mảnh đất, con mình sẽ làm ăn lớn được, tiền đồ rộng thênh thang. Cuối cùng, hai vợ chồng già bàn nhau sang tên mảnh đất cho con, con trai cũng hứa là chỉ “trên danh nghĩa”, còn thực tế vẫn thuộc về hai vợ chồng.

Thế nhưng, đến khi đất đã sang tên xong, thằng con trai lại lấn tới, đòi bán mảnh đất để làm vốn làm ăn, còn ông bà về sống với mình. Lúc này, hai đứa con còn lại biết chuyện, sau khi nói chuyện, khuyên nhủ, thương lượng với anh trai không xong, liền đâm đơn kiện anh trai ra tòa vì dùng thủ đoạn dụ dỗ cha mẹ để chiếm đoạt tài sản. Hai người em cho rằng, đó là tài sản của cha mẹ, cha mẹ sau này mất thì chia đều cho ba anh em. Miếng đất rộng, nằm ở mặt đường, giá trị không dưới 5 tỉ đã bị anh trai “nuốt” mất, họ không cam lòng…

Giải mã chuyện hòa thuận – bất hòa vì tiền trong gia đình

Trái ngược với gia đình ông Trang bà Yến, gia đình ông bà Hiền Minh (ngụ Thủ Đức, TP.HCM) lại là một gia đình êm ấm điển hình. Hai vợ chồng là công chức nhà nước ở tỉnh lẻ, dành dụm cả đời được một số tiền, quyết định mua nhà cho 4 đứa con đang đi làm, đi học tại TP.HCM để con khỏi cảnh ở thuê. Khi đi làm giấy tờ mua bán, ông bà yêu cầu 4 đứa con đều đứng tên chung vào giấy tờ nhà đất. Nhiều người nói, chỉ cần 1 đứa đứng tên tượng trưng là được rồi, người trong một nhà cả, có gì đâu mà không tin, chứ cả 4 đứa thì thủ tục phức tạp quá.

Thế nhưng, ông nhất định không chịu, đòi phải làm đúng như ông yêu cầu. Thế là cả 4 con đứng tên chung căn nhà ấy. Sau này giá nhà lên gấp 5 lần, mảnh đất ngoại ô thành phố lại trở thành tài sản có giá trị. Nhiều lần, ông giải thích với người thân, không phải ông không tin con, con cái ông từ nhỏ đã được ông bà dạy dỗ phải nhường nhịn, chia sẻ và yêu thương nhau, lời dạy này thấm vào trong mọi việc làm của đời sống hằng ngày, khiến con cái ông luôn coi tình cảm anh chị em là một điều gì đó thiết thân và thiêng liêng, hầu như không có tranh giành, cãi vã. Nhưng ông cũng từng thấy nhiều anh em thương yêu nhau, lớn lên “nồi da xáo thịt” chỉ vì chuyện tài sản.

Ông bà bắt đứng tên chung cho cả 4 đứa, vì đảm bảo công bằng cho tất cả các con mình, đồng thời, tránh sự can thiệp, tác động của người ngoài, khiến 1 trong các con thay đổi, nảy lòng tham. Bởi, theo ông, con mình thì mình biết nó, chứ còn dâu, rể thì thế nào? Nhỡ may, trong số đó có đứa tham lam, coi trọng tiền bạc, con mình sống chung bị tác động thì biết làm sao?

Cạnh đó, trong đối xử với dâu rể, ông bà cũng rất tốt, đồng thời cũng rất khéo để họ thấy được sự công bằng và kiên quyết của mình trong chuyện dạy con, bảo đảm sự êm ấm, vô tư và thương yêu. Chính sự khôn ngoan của ông bà đã giúp các con chưa bao giờ có chút ý nghĩ gì về tranh giành tài sản. Ngược lại, con trai lớn lập công ty, thành đạt, gia tài hàng chục tỉ, con trai thứ hai nhận học bổng du học và định cư nước ngoài, cả hai đều đã tự nguyện kí giấy sang tên tài sản chung cho hai em mình…

Những hình huống như hai câu chuyện nói trên và tương tự, xảy ra không ít trong xã hội hiện đại. Vậy thì, tại sao có gia đình êm ấm, hòa thuận, có gia đình lại mâu thuẫn, tranh cãi vì quyền lợi. Có nhà, anh em bao bọc, thương nhau giúp đỡ nhau không hết, có nhà thì con cái đánh nhau sứt đầu mẻ trán, từ mặt nhau chỉ vì tiền? Có lẽ, bản tính trời sinh chỉ là một phần rất rất nhỏ quyết định, điều quan trọng là ở hai yếu tố: Nếp nhà và sự khôn ngoan, công bằng của cha mẹ.

Có nếp nhà nghiêm, có sự giáo dục cẩn thận của cha mẹ, các con sẽ lớn lên dần trong nhận thức rằng, lấy tình thương làm điều cao nhất, không để tiền bạc phá hoại sợi dây kết nối thiêng liêng của tình máu mủ. Có sự khôn ngoan, khéo léo của cha mẹ sẽ giúp phòng hờ những nguy cơ có thể xảy ra, dưới tác động của đời sống phũ phàng. Có sự công bằng, cha mẹ sẽ giúp các con không bị ấm ức, không nảy sinh lòng riêng… Phần còn lại, là sự tự nhận thức, là cái tâm tốt của mỗi người con, tự rèn dũa qua thời gian.

Một hành trình không dễ, nó đòi hỏi ở các bậc cha mẹ lương tri và thấu hiểu. Trên tất cả, tất nhiên là tình thương yêu sáng suốt dành cho con mình./.

Đọc thêm