Chỉ vì không dám thổ lộ

(PLO) - Ở vậy để có điều kiện chăm sóc mẹ già - đó là hoàn cảnh hiện tại của người con gái với nét mặt đượm buồn tôi thường gặp mỗi sáng, khiến tôi không thể kìm được sự thương cảm dành cho cô.

Khi thì cô khoác tay mẹ cùng đi từng bước chầm chậm dọc lề đường, khi thì đấm lưng, nắn tay nắn chân mẹ ngay trước cửa nhà. Người con gái đã quá tuổi xuân xanh ấy luôn miệng trò chuyện với bà mẹ già yếu. Theo chủ quan của mình, tôi nhận thấy đôi mắt sáng của cô ánh lên vẻ buồn bã, một nỗi buồn không tên…

Cuối cùng, tôi được biết cô gái đã khước từ nhiều lời đề nghị hẹn hò cũng như lời cầu hôn để "ở nhà chăm sóc mẹ già". Cô bảo các anh chị lập gia đình ra ở riêng hết trong khi cha cô mất sớm, cô tự cảm thấy bản thân có trách nhiệm phải hy sinh hạnh phúc riêng để lo cho mẹ già, mặc dù chẳng ai ép buộc.

Chỉ vì không dám thổ lộ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cô cũng kể các anh chị cô sau khi có con cái đã chẳng mấy khi ngó ngàng đến mẹ già, không phải vì vô tâm, mà bởi họ chẳng còn hơi sức đâu đến thăm mẹ và em gái. Trước tình cảnh đó, cô ngẫm nghĩ bản thân mình cũng sẽ giống như họ nếu như bước vào cuộc sống hôn nhân. Và khi đó, rất có thể mẹ cô sẽ cô đơn trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Thế là cô chấp nhận hy sinh.

Đôi lần, cô đã từng đưa ra điều kiện ở rể với mấy anh chàng muốn đặt vấn đề cưới hỏi để cô có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc mẹ cho đến khi bà không còn nữa. Nhưng tất cả đều không chấp nhận đề nghị kỳ cục đó.

Thực ra, cô đã từng trao con tim cho một người con trai nhưng do bản tính nhút nhát, e thẹn và kín đáo quá mức, cô cứ cố che giấu tình cảm. Còn người đó cũng yêu cô nhưng ngại ngùng khi nhận thấy thái độ lạnh lùng của cô. Thế rồi, một ngày nọ, hai bên cùng "ngã ngửa" khi anh ta đến... gửi cô tấm thiệp cưới.

Đến giờ, cô vẫn cảm thấy một chút tiếc rẻ. Giá như có lần sau, cô sẽ chẳng ngại gì mà không bày tỏ lòng mình. "Sao có thể đòi hỏi người ta biết mình nghĩ gì trong đầu chứ" - cô vẫn có suy nghĩ như thế...

"Mẹ vui tuổi già thì em cũng cảm thấy hạnh phúc rồi. Biết đâu, số phận cho em niềm hạnh phúc này" – cô tâm sự.

Còn bà mẹ nói nhỏ với tôi: "Tôi cứ lo mai này tôi chết đi thì nó sẽ khổ vì chỉ có một thân một mình. Các anh chị có cuộc sống riêng cả rồi, có đứa nào ngó ngàng đến em út đâu".

Không phải cô gái không nghĩ đến ngày cô sẽ một mình thui thủi khi người mẹ đi xa, còn các anh chị cũng không ở cạnh bên. Cô nói như vậy và lẩm bẩm một mình: "Kiến giả nhất phận mà"...

Tôi không chỉ thương cảm cho cô gái, mà thậm chí còn đồng cảm nữa, bởi tôi cũng đã từng trải qua quãng thời gian như cô bây giờ và có lẽ cũng mang tâm trạng giống như cô lúc này. Là em út trong nhà, tôi cũng đã tự nguyện "ở vậy" để an ủi và chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già.

Khi mẹ tôi còn sống, bà vẫn thường bảo tôi: "Kiến giả nhất phận, con ơi! Anh em khi đã có gia đình riêng rồi thì ai lo phận nấy, không thể cưu mang nhau như hồi trước được đâu".

Thế nhưng, tôi tự nhủ tôi có thể bảo đảm cuộc sống cho bản thân, không cần ai phải lo lắng, đùm bọc. Đến nay, tôi chỉ còn lại một mình nhưng tôi không hề ân hận về sự lựa chọn của mình.

Một người bạn của tôi thì khác. Chị đã lên xe hoa về nhà chồng khi đã qua thời xuân sắc, chỉ với mục đích có nơi nương tựa lúc tuổi già. Tuy nhiên, người ta cưới chị trước hết là để tìm nơi nương tựa cho mấy đứa con nhỏ mất mẹ ở độ tuổi nhi đồng. Mọi người thân thích và quen biết đều lắc đầu ngao ngán khi nhìn vào hoàn cảnh của chị.

Còn chị, kể từ ngày đó chị đã trở nên ít nói hẳn. Gần đây, tình cờ gặp lại, chị chỉ bảo tôi một câu: "Mình không có con nhưng có một đàn cháu, chúng nó thương bà lắm".

Mỗi người đều có sự lựa chọn riêng cho cuộc sống của mình. Điều quan trọng là, tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc với hướng đi đó và không đổ thừa cho số phận./.

Đọc thêm