Cho con học ngoại khóa: Học sao cho đúng?

(PLO) -Ngoài việc học văn hóa, trẻ cần được học thêm các kĩ năng sống, mà một trong những kĩ năng cần thiết nhất là bơi lội. Cạnh đó, cho con học các bộ môn nghệ thuật theo sở trường của con cũng là cách để trẻ phát triển năng khiếu và tâm hồn. 
Cho con học ngoại khóa: Học sao cho đúng?

Nên cho con học bơi, học đàn!

Nhiều bậc phụ huynh luôn cho rằng, quan trọng là cho trẻ học tri thức, học văn hóa để không bị tụt hậu so với bạn bè. Thế nên, đa phần tập trung cho con học ngoại ngữ và các môn học trên lớp, và vì lịch học dày đặc, còn đâu ra thời gian để học các môn ngoài chương trình nữa!

Tuy nhiên, theo chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga, việc cho trẻ theo học các môn năng khiếu và kĩ năng ngoài môn học chính rất tốt cho trẻ. Học bơi có thể giúp trẻ nâng cao sức khỏe, vận động tay chân. Quan trọng là trẻ sẽ có được kĩ năng bơi lội rất cần thiết trong cuộc sống, tránh được nguy hiểm cho bản thân trong nhiều tình huống liên quan đến đuối nước.

Cạnh đó, việc cho bé học thêm các môn năng khiếu phù hợp với trẻ như đàn, múa, nhảy, học võ… cũng giúp con phát triển được năng khiếu, có tâm hồn phong phú hơn. Đây cũng là cách cho bé “học mà chơi, chơi mà học”, khiến tinh thần bé thoải mái, giải tỏa căng thẳng sau những giờ học trên lớp. Thực tế cho thấy, những bé được học thêm kĩ năng, vận động và năng khiếu hầu hết có phản xạ nhanh, nhạy bén hơn trẻ chỉ chăm chú vào việc học văn hóa.

Trẻ cũng giao tiếp tốt và tự tin hơn hẳn. Nhiều trường hợp, nhờ những buổi học ngoại khoá như thế mà gia đình phát hiện năng khiếu đặc biệt của con để định hình và phát triển lâu dài cho con.

Chị Nguyễn Thị Tâm Như, ngụ Bàu Cát, Tân Bình chia sẻ, con gái chị khá nhút nhát và khép mình so với bạn bè cùng trang lứa. Sau khi nghe lời khuyên của cô giáo, chị cho con đi học đàn cộng với lớp múa ở nhà văn hóa thiếu nhi. Sau nửa năm, chị thấy con lanh lẹn, bạo dạn hẳn, tham gia vào các phong trào ca hát ở lớp. Nhờ đó mà chị cũng phát hiện ra năng khiếu âm nhạc của con mình.

Tuy nhiên, việc học các bộ môn ngoại khóa cho con cũng cần phải cân nhắc đến một số yếu tố phù hợp, tạo ra hứng thú của trẻ với môn học. Nhiều bậc cha mẹ vì mong muốn con “hoàn hảo”, biết nhiều thứ mà ép con hết môn học này đến môn học khác, khiến con quá tải, đâm ra sợ hãi với các môn học này, khó có thể tiếp nhận được.      

Học thế nào cho đúng?   

Theo chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga, có hai vấn đề mà phụ huynh cần lưu tâm đối với các môn học ngoại khóa của trẻ như đàn, bơi, nhảy múa… là độ tuổi nên bắt đầu học và cho con học như thế nào. Hiện nay, vì sốt ruột, nhiều bậc cha mẹ đã cho con học các môn này quá sớm. Bé chỉ mới hơn 1 tuổi, 2 tuổi, cha mẹ đã cho xuống hồ bơi để ép con học bơi, hoặc cho con đi luyện ngón, học múa chuyên nghiệp...

“Không biết cha mẹ đọc ở đâu được thông tin ở đâu là cho trẻ học bơi càng sớm thì khả năng làm quen với nước sau này càng tốt. Có lần, ở hồ bơi, tôi từng thấy hai vợ chồng ép bằng được đứa con xuống nước học bơi. Đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi, sợ nước khóc thét đòi lên bờ. Hai vợ chồng càng bắt buộc thì cháu càng la khóc dữ, đánh vật với con cả tiếng đồng hồ mà không được, khiến cả bố mẹ lẫn con vừa mệt vừa lạnh.

Cách để con tiếp cận với môn học ngoại khóa vậy là sai phương pháp, phản tác dụng, khiến trẻ  sinh ra tâm lý sợ hãi, ám ảnh một thời gian dài, không tiếp nhận được một học. Đặc biệt, với các môn học liên quan đến nghệ thuật, lại càng cần phải khuyến khích, tạo hứng thú cho trẻ thì trẻ mới có thể học tốt được”.

Theo chuyên viên Lê Thị Minh Nga, độ tuổi thích hợp cho trẻ học các môn ngoại khóa là từ 4 đến 5 tuổi, tốt nhất là 5 tuổi. Lúc này, trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh về mặt thể chất lẫn tư duy, có đủ khả năng để tiếp nhận môn học một cách tốt nhất.

Ngoài ra, cha mẹ còn phải quan tâm đến sở trường và sở thích của con, lắng nghe xem trẻ muốn gì để định hướng cho con dựa trên những điều này. Nhiều trường hợp, cha mẹ thích môn đàn, thích môn múa, hoặc thích võ thuật mà cứ ép con phải học, mặc dù trẻ hoàn toàn không có năng khiếu, không yêu thích thì sẽ không có kết quả tốt và tạo áp lực tâm lý, rất không tốt cho sự phát triển của trẻ.  

Và, dù thế nào đi nữa thì cho con học cũng là nhằm đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con, tuổi thơ là “tuổi ăn, tuổi chơi”, hãy cho con một tuổi thơ đẹp và đúng nghĩa, chứ đừng biến con thành “cái máy học”, gánh chịu những kì vọng lớn lao của các bậc cha mẹ.

Đọc thêm