Đừng đánh giá trẻ qua điều kiện gia đình

(PLO) -Người ta vẫn cho rằng, sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có khiến trẻ dễ dàng thỏa mãn, không chịu phấn đấu vươn lên. Tuy nhiên, những câu chuyện sau đây đã chứng minh điều ngược lại.
Nhiều doanh nhân đã dạy con về giá trị đồng tiền từ bé
Nhiều doanh nhân đã dạy con về giá trị đồng tiền từ bé

Tay vợt triệu đô và trung tâm đào tạo tại gia

Để có một tài năng đặc biệt được coi là tương lai của tennis Việt, gia đình Nguyễn Hoàng Thiên đã bỏ ra cả triệu USD, thậm chí xây dựng hẳn một trung tâm đào tạo tại gia đạt tiêu chuẩn quốc tế chỉ để phục vụ cho cậu con trai.

Trung tâm độc nhất vô nhị này được doanh nhân Nguyễn Ngọc Minh (bố Thiên) xây dựng từ năm 2009 tại quận 8, TP HCM. Ông Minh khi đó đã nhờ một người bạn, vốn là chuyên gia của Liên đoàn Quần vợt châu Á tư vấn hỗ trợ và mất cả năm ròng, tốn rất nhiều công của mới hoàn thành. 

Đó là một sân tổng hợp có mái che đạt tiêu chuẩn quốc tế, với chi phí xây dựng lên tới gần 1 tỷ đồng. Kèm theo là một máy phát bóng đặc chủng đặt mua từ Mỹ giá 5.000 USD, có tốc độ thuộc loại “hàng khủng” 140 km/giờ.

Sát với sân, còn có một phòng tập thể lực hoàn chỉnh với đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ “xịn”, đủ cho Thiên rèn tập mọi kỹ năng bổ trợ. Rồi một phòng tắm nóng lạnh riêng, có thể xông hơi - massage, phòng ngủ và học tập riêng có kết nối internet, máy nghe nhạc, vô tuyến, điều hòa, cùng các loại sách vở tài liệu cần thiết… 

Ngay 2009, mức kinh phí mà gia đình chi cho Thiên là 3 tỷ đồng, trong đó riêng tiền thuê thầy ngoại chiếm 50.000 USD và không ngừng tăng sau mỗi năm. Đến 2012, mức đầu tư này đã tăng gấp đôi, lên tới 6 tỷ đồng, ngang với tổng chi cho hoạt động của một đội bóng chuyền hàng đầu Việt Nam. Có thời gian, ông Minh quyết định chỉ cần thuê chuyên gia ngoại về Việt Nam và cho con tập ở ngay sân nhà mình mà vẫn tự tin về chất lượng đào tạo.

Tự chủ đến tận… răng ở đẳng cấp cao như thế, Hoàng Thiên không thành tài mới lạ. Dự tranh tới 22 giải đấu các loại trong hệ thống quốc tế chính thức, gồm nhiều cuộc đấu tầm cỡ ở lứa tuổi U18, U20, một giải Grand Slam trẻ, tay vợt người TPHCM này từng lọt vào tới Top 100 người trẻ thế giới và đoạt nhiều danh hiệu tại các giải trẻ quốc tế.

Đặc biệt, để tạo cơ hội cho con và cả tennis Việt Nam, gia đình Thiên đã trực tiếp kết nối, vận động rồi đưa được 3 giải trẻ thuộc hệ thống ATP Men’s Future về tổ chức tại TP HCM. Không chỉ vậy, gia đình tay vợt sinh năm 1995 này còn tài trợ một nửa kinh phí tổ chức, khoảng 1 tỷ đồng. 

Một bất ngờ gần đây của Hoàng Thiên là đánh bại tay vợt hạng 535 thế giới Takahashi Yusuke (Nhật Bản) tại giải quần vợt nhà nghề Việt Nam F5 Futures diễn ra ở Bình Dương hồi tháng 9/2016. Dù vậy, cả bản thân Thiên cũng như gia đình đều cho rằng những thành tích ấy vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Với điều kiện gia đình như thế, Hoàng Thiên có thể làm những việc dễ dàng hơn nhưng tay vợt Sài thành vẫn đang nỗ lực tập luyện hàng ngày, hàng giờ với mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé cho thể thao nước nhà. 

Hoàng Thiên trong trận đấu đánh bại tay vợt Nhật Bản
Hoàng Thiên trong trận đấu đánh bại tay vợt Nhật Bản

Rèn con bằng sống khổ

Gia đình có xe hơi riêng, công ty sẵn ôtô với lái xe, nhưng Thảo - cô con gái út của chủ một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại TP HCM - cũng như chị gái của mình đều học cách sống tự lập ngay từ nhỏ. Nhà thừa tiền mua xe máy song cô học sinh một trường cấp 3 có tiếng tại Sài Gòn vẫn chịu khó dậy thật sớm, ăn điểm tâm rồi đón xe buýt đi học mỗi ngày.

Cô cũng từ chối ý định chu cấp tiền du học nước ngoài của bố mà sẽ tự săn tìm học bổng du học bằng sức của mình. Chị của Thảo là sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM, tối về vẫn tranh thủ đi làm thêm. Thời gian rảnh, cô chị lại đến công ty bố làm thêm và nhận lương như một nhân viên bình thường để trang trải chi phí sinh hoạt riêng.

Kể về hai cô con gái của mình, người bố - ông Hoàng Văn Dân không giấu niềm tự hào. Ông bảo rằng cả hai đứa con đều rất ngoan từ khi còn bé và biết quý trọng tiền bạc bố mẹ làm ra mà không hề đòi hỏi. "Các con tôi được tự lập, tự ra quyết định cho mình. Chúng phải bỏ công sức để làm ra tiền mới biết quý trọng đồng tiền. Chúng phải sống khó khăn một chút mới biết đồng cảm với những người nghèo khổ" – ông nói.

Như bao ông bố, bà mẹ khác, những doanh nhân giàu có cũng muốn con cái mình học giỏi để nối nghiệp nhà. Thế nhưng họ quá bận rộn với công việc kinh doanh để có thể lo cho con. Ở hầu hết gia đình giàu có, việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái chính là “tiền” mà không có thời gian chăm sóc, giao lưu, dạy dỗ con cái. Vì vậy dẫn đến một thực tế là con trẻ không biết quý trọng sức lao động, lại tiêu xài hoang phí, không chăm lo học tập chỉ biết dựa vào cha mẹ hoặc đàn đúm bạn bè ăn chơi hư hỏng.

Những câu chuyện con ngoan thành hư ở các gia đình khá giả như thế được các chuyên gia tâm lý cho rằng diễn ra khá phổ biến hiện nay. Nguyên nhân được cho là ngày nay trong áp lực cuộc sống hiện đại, nhiều bố mẹ chuyên tâm vào chuyện làm ăn không có thời gian dành cho dạy dỗ, chăm sóc con cái. Mặt khác, gia đình rủng rỉnh tiền bạc tạo cho trẻ thói quen được nuông chiều, tiêu dùng trên đồng tiền có sẵn do bố mẹ chu cấp, từ đó sinh hư.

Song cũng có những doanh nhân dù cho rất bận rộn với việc kinh doanh vẫn thực hiện trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ con cái một cách nghiêm khắc. Và con của họ khi trưởng thành đều là những người giỏi giang, thành đạt, có ích trong xã hội. Trường hợp như ông Giám đốc Hoàng Văn Dân và 2 cô con gái không phải là hiếm.

Nhiều doanh nhân chia sẻ “bí quyết”, ngay từ khi con còn nhỏ, họ đã tập cho con biết quản lý thời gian và tài chính một cách khoa học, không chiều theo kiểu đáp ứng mọi yêu cầu của chúng. Họ sẵn sàng hỗ trợ cho con mọi thứ tốt nhất trong học tập, song để có tiền tiêu cho nhu cầu cá nhân thì các cô bé, cậu bé phải giải thích rõ lý do. Để làm được điều này cũng phải dễ dàng ngay từ đầu mà “mưa dầm thấm lâu”, dần dần bọn trẻ con mới quen đi, hiểu ra và học tập theo.

Không chỉ dạy con biết quý trọng sức lao động, có doanh nhân còn dạy các con cách ăn mặc, sống giản dị và chính họ là những tấm gương bởi quan điểm nhất quán rằng “bảo con ăn uống tiết kiệm mà mình mang tiền đi chơi, spa, shopping... thì sao làm gương được”. Khi con thành đạt, họ cũng hãnh diện, tự hào không kém các bậc làm cha mẹ nuôi con khôn lớn, thành tài từ gian khó. 

Đọc thêm