Hạnh phúc của người đàn bà bị chồng đuổi ra khỏi nhà vì không đẻ được con trai

(PLO) - Bị chồng ruồng bỏ, hắt hủi khi đã có với nhau 5 mặt con đang tuổi ăn, tuổi học. Để có tiền cho các con trang trải học phí, không ít đận bà phải nhịn đói, chịu rét, lang thang mót rau thừa để sống qua ngày. Người phụ nữ trong câu chuyện trên là bà Nguyễn Thị Nam, trú tại xã Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc. 
Hai mẹ con bà Nam tươi cười hạnh phúc bên nhau.
Hai mẹ con bà Nam tươi cười hạnh phúc bên nhau.

Chuỗi ngày nghiệt ngã

Xuất phát từ 8 giờ sáng ở Hà Nội nhưng phải đến gần 11 giờ chúng tôi mới tìm được đến nhà bà Nam. Căn nhà nhỏ đơn sơ chỉ vỏn vẹn 3 gian nhưng chất chứa bao nụ cười và những giọt nước mắt. Hỏi người trong làng, chẳng mấy ai không biết đến hoàn cảnh của bà cùng với năm người con gái Ngân, Thủy, Thảo, Vân, Ngọc chăm ngoan, học giỏi.

Nhác trông vẻ ngoài, bà Nam khá gầy, những nếp nhăn hiện ra rõ trên vầng trán bởi gánh nặng mưu sinh. Kể về những ngày khốn khó, khóe mắt mờ đục của bà bỗng ầng ậc nước. Đến giờ bà Nam vẫn nhớ như in một ngày mùa đông năm 2007. Trong tiết trời giá lạnh, rét mướt chồng bà đuổi 6 mẹ con ra ngoài. Lý do chỉ vì ông không có con trai nối dõi. 

Không có nơi nương náu, bà quyết định bán bớt đàn gà, dọn dẹp khu chuồng ấy để lấy chỗ cho mấy mẹ con nương thân. “Mấy mẹ con tôi người cầm chổi, người cầm vét, người dội nước, xúm vào cọ rửa biến chuồng gà thành nhà ở. Kinh khủng lắm! Dội rửa phân gà đến mấy nó cũng không hết được mùi. Tôi chỉ thương mấy đứa con còn nhỏ dại mà phải chịu khổ” – bà Nam ứa nước mắt bộc bạch.

Nhiều hôm lạnh cắt da, cắt thịt cả 6 mẹ con bà chỉ có tài sản duy nhất là một chiếc chăn bông cũ. Chăn nhỏ nên đút được đôi chân thì hở nửa người nên mẹ con bà chỉ biết nằm co ro trong đêm lạnh.

Ngày chồng bà đưa giấy ly hôn, bà nhất định không kí bởi sợ các con chịu cảnh có mẹ không cha, giống như tuổi thơ bà từng trải qua vậy. Thế nhưng, suốt một năm “không chịu ký” ấy, không ít lần bà bị chồng nhẫn tâm đánh đuổi. Một lần người chồng còn hành hạ bà đến giập xương chân. 

Ngày vợ chồng bà Nam ra tòa. Bà đồng ý ly hôn nhưng một cắc, một đồng người chồng cũng không cho mấy mẹ con. Tuyệt tình và không trách nhiệm nhưng bà Nam không hề oán trách. “Nhớ có lần mất điện, mất nước, không biết làm sao để sống qua ngày, thế là suốt mấy ngày liền Thủy, Thảo phải đi hơn 1km thay nhau gánh nước về nấu cơm, tắm giặt. Một người hàng xóm thấy mẹ con tôi đi gánh nước cực khổ liền bảo khi nào họ rửa xong chuồng lợn thì kéo vòi nước giếng khoan xuống dùng tắm giặt” – bà Nam thật thà kể.  Cứ thế, nước hàng xóm dùng để tắm cho lợn, đấy cũng là những giọt nước mát lành giúp mẹ con bà Nam sống qua ngày.

Và những quả ngọt

Dù nghèo khó nhưng bà Nam và các con vẫn sống hạnh phúc bên nhau. Bữa ăn cũng rất đơn giản, thường chỉ có rau và đậu. Hôm nào có nhiều hơn một chút nhờ bán được rau thì bà mua thêm con cá mè, hôm cá rô phi để cải thiện. Thiếu ăn, thiếu mặc nhưng các con bà không bao giờ kêu than. Thương con, thỉnh thoảng bà lại ra đồng mò cua, bắt ốc để bữa ăn được đầy đủ hơn. Bà sống và nghĩ rất đơn giản “có cái gì thì dùng cái đấy”. Các con bà cũng vậy, chính hoàn cảnh khó khăn nên mấy chị em đều có ý thức hơn bạn bè cùng lứa tuổi.

Bà Nam vẫn luôn tâm niệm một điều “đói cho sạch, rách cho thơm” nhiều khi sạch túi tiền nhưng hàng ngày bà vẫn cố gắng làm lụng, bươn chải để con cái được học hành đàng hoàng. “Động lực giúp tôi không chịu đầu hàng số phận là năm đứa con, đứa nào cũng ngoan ngoãn, vì thế cho dù tôi không được học đến nơi đến chốn nhưng vì các con bản thân mình chịu thiệt cũng không sao”, bà Nam nói trong nghẹn ngào.

Biết được hoàn cảnh gia đình như vậy, Ngân là chị cả trong gia đình, đang học lớp 12 đến xin thầy cho phép em bảo lưu để năm sau ổn định mới có tiền học tiếp. Thương học sinh nhà nghèo nhưng biết vượt khó, thầy Tùng, chủ nhiệm đã khuyên Ngân: “Em bây giờ đang tuổi học, bảo lưu thì bao giờ mới ngóc đầu lên được, bao giờ mới có thêm tiền để học lại một năm nữa. Em cứ tiếp tục học đi, thầy sẽ hỗ trợ cho em”.

Câu nói của thầy như tiếp thêm động lực không chỉ cho Ngân mà còn cả chính bà Nam để cho chị cả học tiếp. Bà Nam nói trong tiếng nấc nghẹn: “Món nợ lớn nhất trong cuộc đời tôi đó là nợ tình nghĩa của thầy, cô, nợ tình làng nghĩa xóm, đây là món nợ mà tôi không bao giờ trả được”.

Ngày biết kết quả Ngân đỗ đại học, bà Nam và các em hạnh phúc lắm, thầy, cô, hàng xóm láng giềng cũng ủng hộ Ngân từng cái bát, cái nồi để đem lên thành phố học. Tiền bán gà được 7 triệu bà dồn hết lo liệu cho Ngân nhập học và tìm nhà trọ.

Bà Nam mừng nhưng cũng không giấu nổi lo lắng. Bà lo bởi thời gian con gái đi học không biết xoay xở như thế nào để duy trì được cuộc sống. Hiểu được lòng mẹ, Thủy và Thảo đứa lớp 9, đứa lớp 7 ngoài việc đi học cũng làm thuê, làm mướn kiếm tiền phụ giúp mẹ. Chứng kiến cảnh các con gánh than, cấy thuê, dọn cỏ... nhiều lúc bà Nam thầm nghĩ, trời không tuyệt đường sống của ai bao giờ bởi những đứa con của bà đều hiểu và san sẻ gánh nặng đối với bà.

Không phụ lòng tin của mẹ sau Ngân là Thủy, Thảo đều nối nhau thi đậu đại học. Thủy đang học Trường đại học Thủy lợi, còn Thảo hiện đang là sinh viên của Trường Đại học Ngân hàng. Biết được nỗi lòng của mẹ, Thủy ôm mẹ rồi bảo: “Mẹ ơi, chúng con thương mẹ lắm, nhưng mẹ cố vay tiền ngân hàng cho chúng con học lấy chữ, sau này ra trường chúng con nhất định sẽ trả nợ ngân hàng”.

Cuộc sống nghèo khổ nhiều lúc cũng siết chặt lấy bà, bận bịu kiếm tiền nuôi gia đình, sức khỏe của bà yếu đi lúc nào không hay. Mới tháng 12, năm ngoái, bà phát hiện mình bị hở van tim. Nhưng bà không muốn phẫu thuật vì sợ tốn kém và nợ nần. Mọi người khuyên bà hết lời, bà mới chịu làm phẫu thuật. Đến thời điểm này, nhà còn có cô bé Vân và Ngọc ở nhà để chăm sóc mẹ. Ngân, Thủy, Thảo thương mẹ nhiều nhưng chỉ nén lòng, vẫn cố gắng học thật tốt dưới Hà Nội.

Vân học cấp 2 Trường chuyên THPT Tam Dương. Khi nói đến con gái, bà Nam hồ hởi: “Vân là đứa học giỏi nhất trong nhà, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên cố gắng học để mẹ đỡ vất vả. Cứ mỗi lần Vân được nhận học bổng, hay đạt giải cao từ những kì thi học sinh giỏi, Vân lại về đưa hết cho mẹ nhờ mẹ giữ”. 

Có một kỉ niệm mà bà Nam vẫn còn nhớ đó là lần đầu đi thi học sinh giỏi tỉnh môn tự nhiên, Vân đạt giải nhất. Vân cầm tiền về đưa cho mẹ, được mẹ cho mười nghìn bảo ra quán mua hai hộp sữa chua để hai chị em ăn, vì bà biết con thích nhất là sữa chua. Ngọc hí hửng chạy theo chị, lúc sau quay về bà Nam hỏi Ngọc thì cô bé bật khóc: “Chị Vân tiếc tiền nên có mua được hộp nào đâu”. Bà Nam bỗng nghẹn lại rồi ân cần nói với con: “Là chị nghĩ cho mẹ và gia đình chúng ta, chừng đó tiền có thể mua quyển sách, cái bút để con và chị Vân có mà học, chứ ăn hộp sữa chua cũng chỉ ngon miệng được một lúc thôi”. Ngọc hiểu được lời mẹ nói, lau nước mắt rồi lại ra cho gà ăn giúp mẹ.

Đọc thêm