Hãy về nhà trong bữa cơm gia đình tối nay!

(PLO) - Tối nay 28/6 – Ngày Gia đình Việt Nam, trong khung giờ từ 17h-19h ngành Văn hóa đã phát ra lời hiệu triệu: Hãy về nhà trong bữa cơm gia đình tối nay!
Hình minh họa
Hình minh họa
Đây cũng chính là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Điều đáng nói là chủ đề này đã được ngành Văn hóa chọn là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam trong suốt mấy năm gần đây.

Lý do của sự chọn lựa này vì một số khảo sát truyền thông cho thấy có hơn 87% trong số 22.848 người được hỏi ăn tối với gia đình ít hơn 3 buổi/tuần, riêng số người chỉ ăn tối với gia đình duy nhất 1 lần/tuần chiếm tới 60%; một số nghiên cứu với trẻ em vào năm 2010 thì chưa đến 60% các bậc cha mẹ có con dưới 10 tuổi ở phía Bắc dành được một tiếng chơi với con, tương tự như vậy, các cha mẹ phía Nam cũng không có thời gian dành cho con cái, trò chuyện với con.

Trong khi đó, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em sống trong gia đình có mức độ gắn kết cao thường được nhiều điểm A hơn trong học tập, các kỹ năng xã hội cũng phát triển tốt hơn, ít bị rối loạn hành vi khi ở tuổi chưa thành niên.  

Thậm chí, sự gắn kết gia đình còn có ảnh hưởng tới chỉ số IQ của một đứa trẻ khi chỉ số IQ trung bình lúc 3 tuổi là 60,5, nhưng nếu trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường đầy yêu thương, chăm sóc thì chỉ số IQ sẽ đạt 91,8… 

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao trong rất nhiều yếu tố để giữ hạnh phúc gia đình thì bữa cơm gia đình lại có ý nghĩa quan trọng giữ tổ ấm bền vững?  Câu trả lời là bữa cơm gia đình là dịp ông bà, cha mẹ, con cháu quây quần thực hành văn hóa trong gia đình. Chúng ta thấy trong các gia đình truyền thống xưa, gia đình nào cũng vậy, không phân biệt giàu nghèo, trong một mâm cơm, có món nào ngon cũng nhường cho người lớn tuổi nhất, nhưng có bao giờ người lớn tuổi ăn đâu, lại nhường cho người bé nhất trong nhà.

Tình cảm gia đình ấm áp cứ thế lớn lên trong tâm hồn trẻ thơ, nền giáo dục đó xuất phát từ ý thức nhường nhịn, sẻ chia, kính trên, nhường dưới.  

Trong áp lực chung của cuộc sống, tất cả mọi người phải mải miết học tập, làm việc, con trẻ mải miết học thêm, bố mẹ mải miết nơi làm việc, vậy thì chính trong bữa ăn này, các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ với nhau những suy nghĩ của mình, để từ đó yêu thương và thấu hiểu nhau hơn. Tình cảm gia đình đâu phải chỉ là những câu khẩu hiện: “Yêu thương nhé!” hay “Đoàn kết nhé!” mà nó là những hành động cụ thể hàng ngày, đem lại hiệu quả thiết thực. 

Chính vì thế, trong lễ khai mạc Ngày hội Gia đình Việt Nam năm nay, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Cùng với sự phát triển trong xã hội cần thiết khuyến cáo tuyên truyền truyền thống của gia đình Việt Nam, đặc biệt là bữa cơm trong gia đình.

Đây chính là thời điểm để các thành viên trong gia đình có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi. Nếu như chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến cáo để mỗi gia đình trong một ngày có ít nhất một bữa cơm hạnh phúc thì đó là  một ý nghĩa rất quan trọng tuyên truyền cho mọi người dân, trong đó có lớp trẻ hiểu được giá trị của gia đình, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”. 

Đọc thêm