Nỗi niềm nuôi con "vượt cạn"

(PLO) -  Người ta thường nói: "Con so nhà mạ, con rạ nhà chồng". Câu nói cửa miệng này được nhân dân ta áp dụng từ bao đời nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện được về nhà mẹ đẻ để sinh con.
Nỗi niềm nuôi con "vượt cạn"

Chị Nga có một cô con gái. Và đứa con gái duy nhất mà chị rất mực yêu thương ấy đã để lại cho chị nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi buồn. Những ngày cuối năm học cấp 3, khi thấy con làm hồ sơ đăng ký thi đại học một trường trong Sài Gòn chị thấy lo lo. Cái cảm giác xa con làm chị không yên lòng. May mắn thay, 12 năm đèn sách của con đã được đáp đền bằng giấy báo trúng tuyển vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM). Đêm trước khi chia tay, hai mẹ con nằm với nhau, chị thủ thỉ dặn dò con học hành xong thì về lại quê nhà, xin việc làm và lấy chồng, đừng yêu đương chi trong nớ để dính dán chuyện chồng con ngăn sông cách núi khổ lắm! Con gái chị tủm tỉm cười cho rằng: "Mẹ cứ lo xa, học xong con về với mẹ. Mẹ hãy yên tâm con sẽ về quê lấy chồng mà".

Cứ mỗi lần Tết đến con về thăm nhà, thấy con học hành tấn tới và không nói đến chuyện tình cảm gái trai trong ấy chị rất mừng. Thế nhưng, khi con gái bước vào năm học cuối, cũng là lúc chị đón nhận "hung tin" con đã có người yêu trong thành phố. Niềm tin vào lời hứa của con vỡ òa. Tâm trạng hụt hẫng, rối bời chị chưa biết tính sao thì con lại gọi điện về nhà thông báo với mẹ có một công ty đã đồng ý trả lương cao cho con ngay sau khi tốt nghiệp. Hè năm ấy, con gái đem bạn trai về giới thiệu với mẹ. Thương con nghĩ đến tương lai của con và được họ hàng khuyên bảo, chị đành phải chấp nhận cho con lấy chồng xa.

Rồi một ngày con gái nhắn tin về, nhờ mẹ vào Sài Gòn giúp con sinh nở. Chị khuyên con nên về ngoài Trung để chị nuôi vì "con so nhà mạ". Bấy giờ, mẹ chồng con gái chị lại viện lý do: "Đường xá xa xôi, bầu bì nặng nề đi lại bất tiện nên có gì chị xui thông cảm vào đỡ đần giúp cháu một thời gian". Thật tình, lòng chị Nga không hề muốn vào trong ấy chút nào, nhưng thương con một mình vượt cạn, chị đành bấm bụng leo lên xe đò. Từ ngày con vào bệnh viện sinh nở cho đến lúc về nhà, chị tất bật chăm chút cho con từng li, từng tí theo kinh nghiệm nuôi đẻ ở quê.

Những ngày sống bên con chị buồn nhiều hơn vui. Buồn bởi lẽ con chị ở nhà chồng, mọi sinh hoạt của người dân thành thị khác với cách ở quê, nên chị dè dặt sợ mích lòng người ta. Ngay cả việc nuôi con chị cũng phải chiều theo ý bên nhà chồng của nó.

Chiều theo họ mà trong lòng chị khó chịu vô cùng. Niềm vui duy nhất của chị có lẽ là cảm giác hạnh phúc vô ngần khi nhìn con ngủ yên không bị cháu quấy khóc. Nhiều lúc, chị ngồi thâu đêm dỗ cháu để con ngủ. Thương con chị chỉ biết làm thế. Con chị dường như hiểu được tâm trạng của mẹ nên mỗi lần chị đến gần, con nắm lấy tay chị mà nói: "Mẹ thương con, thương cháu đừng để tâm việc gì khác mẹ nghe". Nghe con nói mà chị ấm lòng. Giận thì giận, thương thì thương. Chị mong sao qua mùa vượt cạn con mình mạnh khỏe, mẹ tròn con vuông là mãn nguyện rồi.

Đọc thêm