Phụ nữ phải hy sinh bao nhiêu để đàn ông là trụ cột gia đình?

(PLO) - Tại sao câu hỏi này lại được đặt ra? Vì từ trước nay, ở Việt Nam quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình làm các việc nặng nhọc và đưa ra các quyết định chính còn hầu hết phụ nữ là người nội trợ, chăm sóc gia đình. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Tuy nhiên, công việc nội trợ mà phụ nữ đang làm chính là công việc chăm sóc không lương (CVCSKL) theo khái niệm do Quỹ Phát triển phụ nữ của Liên Hợp quốc đưa ra, theo đó “nếu công việc đó thuê người giúp việc làm thì hàng tháng sẽ phải trả lương cho người giúp việc; còn nếu người vợ, người mẹ trong gia đình làm thì không được hưởng lương”. 

Phụ nữ Việt Nam trung bình dành hơn 5 giờ đồng hồ mỗi ngày cho những CVCSKL, nhiều hơn nam giới từ 2 tới 2,5 giờ đồng hồ. Dù công việc tốn khá nhiều thời gian cho mỗi gia đình và đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của đất nước (nếu CVCSKL được trả theo mức lương tối thiểu thì phụ nữ có thể kiếm được 2,56 triệu đồng/tháng và hơn 30 triệu/năm; xét theo khía cạnh quốc gia, khối lượng CVCSKL đóng góp này là rất lớn, với 32,89 triệu phụ nữ trong độ tuổi lao động, phụ nữ đóng góp cho nền kinh tế đạt 996 nghìn tỷ đồng/năm từ khối lượng CVCSKL mà họ làm hàng ngày), nhưng CVCSKL có nơi vẫn chưa thực sự nhận được sự trân trọng của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là nam giới. Đó là một trong những nội dung của báo cáo “Để ngôi nhà trở thành tổ ấm” do Vụ Bình đẳng giới cùng  ActionAid Việt Nam giới thiệu vào tháng 9 năm ngoái.

Hôm qua 19/10/2017, hai cơ quan này đã chính thức công bố báo cáo nghiên cứu “Công việc chăm sóc không lương – San sẻ là yêu thương?” được thực hiện vào tháng 1 năm 2016 tại 9 địa bàn là: TP HCM, Đắk Nông, Lâm Đồng, Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Trà Vinh, Quảng Ninh và Vĩnh Long, để từ đó đưa ra những giải pháp thực tiễn giúp người phụ nữ giảm tải gánh nặng từ những công việc này và có cơ hội sự nghiệp, học vấn.

Một trong những kết quả chính của báo cáo cho thấy phụ nữ thực hiện phần lớn những CVCSKL trong gia đình, bất kể trình độ học vấn của họ. Đó là quan niệm việc nhà là việc của đàn bà đã làm giảm đi sự cảm thông, chia sẻ, động viên đối với người phụ nữ trong gia đình. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ trên 60 tuổi, những người ngoài độ tuổi lao động là những người mang gánh nặng CVCSKL lớn nhất từ việc chăm sóc trẻ nhỏ trong gia đình. Phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và miền núi thậm chí còn chịu gánh nặng nhiều hơn do phải dành rất nhiều thời gian cho việc lấy nhiên liệu và lấy nước…

Những kết quả này mang ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để đề xuất những khuyến nghị chính sách thực tiễn nhằm giải quyết những vấn đề gốc rễ gây ra sự bất bình đẳng trong phân công CVCSKL. Cụ thể là Nhà nước cần có thêm đầu tư vào các sáng kiến phát triển nông thôn như điện khí hoá, cung cấp bếp nấu, cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh, cũng như các chương trình chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non. Điều này sẽ giúp giải phóng thời gian cho phụ nữ, để họ có thể tiếp cận giải trí, giáo dục và những cơ hội việc làm có lương bình đẳng.

“Việc san sẻ, tạo điều kiện để giảm bớt gánh nặng CVCSKL với người phụ nữ là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, của cộng đồng và của chính quyền các cấp. Những kết quả của nghiên cứu sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn toàn diện và tổng thể hơn trong việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào việc thực hiện Mục tiêu 6 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là: Đảm bảo bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ tình trạng bạo lực giới” - bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh. 

Đọc thêm