Trẻ con ngày nay “vượt sướng” rất... khổ?!

(PLO) - Đó là câu nói của chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em Đỗ Thị Trang. Chị Trang kể chị đã từng mất rất nhiều thời gian để điều trị tâm lý cho một em vốn là học sinh giỏi với nhiều thành tích chói sáng. “Em học sinh này bị bố mẹ đưa ra quá nhiều tiêu chí để áp đặt mà không hề được lắng nghe tâm tư. Bị căng thẳng vì áp lực, em đã tự nhổ trụi tóc, lông mày của mình. Khi chữa trị tâm lý em tâm sự chỉ có một ao ước nhỏ là được có một đêm ngủ với mẹ vì mẹ thường xuyên vắng nhà... ”.
Anh Ninh Văn Toàn, thôn Chanh Yên, xã Vĩnh Kiên đã cảm nhận được hạnh phúc cho đi và nhận lại từ những đứa con của mình
Anh Ninh Văn Toàn, thôn Chanh Yên, xã Vĩnh Kiên đã cảm nhận được hạnh phúc cho đi và nhận lại từ những đứa con của mình

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, hạnh phúc của trẻ con đơn giản lắm. Được học, được chơi, được ăn ngon, được mặc đẹp là vui. Nhưng trên thực tế, trẻ con không phải là cái máy tính chỉ với chế độ lập trình cho “4 điều được” ấy.

Cha mẹ ơi, con cần những lời yêu

Nhân Ngày Gia đình (28/6) vừa qua, bộ phim ngắn mang tên “Đánh thức cảm xúc” của đạo diễn Hoàng Lê Na đã được công chiếu. Bộ phim ghi lại chân thực toàn bộ suy nghĩ, tâm tư của các em học sinh Trường Đoàn Thị Điểm Greenfield (Hà Nội) xoay quanh câu chuyện thể hiện tình yêu thương trong gia đình đã khiến nhiều người rơi nước mắt.

Các em học sinh tham gia bộ phim đều gặp khó khăn, trở ngại trong việc bộc lộ tình cảm với cha mẹ mặc dù trong lòng rất muốn. Và chính trong gia đình các em, đa phần cha mẹ cũng hiếm khi thể hiện tình yêu thương với con cái làm các em buồn lòng và càng khó khăn hơn khi muốn thể hiện tình cảm với cha mẹ. 

Để giúp các em phá bỏ rào cản tâm lý ấy, nhà trường đã giúp các em có buổi trải nghiệm đặc biệt “Đánh thức cảm xúc” với chuyên gia của HUG Việt Nam bà Kamonlak Hongyok. Sau trải nghiệm đó, Nhà trường đã tổ chức buổi lễ tri ân để các em được thể hiện tình cảm với bố mẹ qua những lá thư đong đầy tình yêu thương và đặc biệt được nói ra những điều ấp ủ bấy lâu.

Phụ huynh và các em đều vỡ oà cảm xúc, giá trị của tình cảm gia đình được tôn vinh khiến những giọt nước mắt hạnh phúc tuôn rơi. Hoàng Lê Na, đạo diễn bộ phim bày tỏ: “Lần đầu tiên thực hiện một bộ phim mà tôi đã khóc ngay trong lúc làm hậu kỳ. Không chỉ rơi nước mắt một lần mà rất nhiều lần. Có những câu nói hồn nhiên của con trẻ phải khiến người lớn chúng ta “chết lặng” và tự hỏi: “Tại sao mình không biết nói lời yêu thương, cảm ơn và xin lỗi với người thân trong gia đình?”.

Ở một sự kiện khác, em Trần Ngọc Hồng (14 tuổi) khi tham gia chương trình “Cho con tình yêu thương” do Báo Phụ nữ TPHCM phối hợp với nhãn hàng Sữa dê công thức DG tổ chức từ 28/3 đến 1/6/2018 tại 11 mái ấm, nhà mở, trung tâm bảo trợ trẻ em trên địa bàn TP HCM với sự tham gia của hơn 500 trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ bị bỏ rơi đã tâm sự:

“Con bị cha mẹ bỏ rơi trước cổng chùa Kỳ Quang 2, khi con còn đỏ hỏn, rồi sư thầy mang con về nuôi. 14 năm qua, con luôn ao ước được một lần gặp ba mẹ và vẫn luôn hy vọng ba mẹ sẽ đến đón con về”. Ngọc Hồng tham gia cuộc thi với ước mơ được học nấu ăn, để được nấu nhiều món ăn ngon cho mọi người, được lên truyền hình, lên báo.

Em tin, nếu ba mẹ thấy, chắc chắn sẽ nhận ra và tìm đến chùa Kỳ Quang 2 đón em về. Khi được hỏi em có giận khi ba mẹ bỏ rơi mình, em lắc đầu: “Dạ không, sư thầy đã dạy con: Ba mẹ là người có công sinh thành, dù không nuôi dưỡng nhưng vẫn cho con một kiếp người. Con chỉ mong gặp lại ba mẹ, để được ôm ba mẹ và được báo hiếu cho ba mẹ…”.

Hạnh phúc giản đơn

Làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình sung sướng và trưởng thành. Để đạt được niềm mong ước đấy, những ông bố bà mẹ hối hả làm việc, kiếm tiền để chu cấp cho con đi học, đi chơi, ăn ngon, mặc đẹp. Nhưng cũng vì hối hả làm việc, kiếm tiền để chu cấp cho con mà lắm khi cha mẹ quên mất rằng không cần tiền bạc họ cũng có thể mang đến cho con điều mà mọi đứa trẻ đều cần. Đó là sự yêu thương và sẻ chia.

“Ngày bé, tôi lớn lên trong một trong gia đình bố mẹ rất hay cãi nhau. Tôi rất buồn và tự nhủ rằng sau này lớn lên, khi có gia đình, tôi sẽ không để con cái mình phải khổ vì cha mẹ cãi nhau” – bà Từ Thị Bích Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh chia sẻ trong tọa đàm “Cùng xây tổ ấm - Vì sự phát triển của Trẻ em” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức.

“Con gái tôi học giỏi từ bé, chuyện học hành luôn là niềm vui với cháu. Thế nhưng, tôi còn nhớ, hồi cháu học lớp ba, sau khi chuyển lớp theo ý định của cha mẹ, cháu đi học về buồn rầu vì thành tích học tập không đứng đầu lớp như trước. Thay vì trách mắng con, vợ chồng tôi đã cùng ngồi tâm sự với con, xác định là tháo gỡ căng thẳng, không đặt áp lực cho con. Và con đã tìm được niềm vui học tập trở lại ”, bà Lộc kể.

Đúng như lời tự nhủ năm nào, gia đình của bà Lộc luôn là vùng trời yên ấm của những đứa con, hay nói cách khác, khi lập gia đình, có con, vợ chồng bà đã tự bảo nhau thay đổi bản thân để có thể cả nhà “tựa vào nhau mà xây tổ ấm”. 

Trong bộ phim “Đánh thức cảm xúc”, nhiều em học sinh tâm sự “bố đối với em như người hàng xóm” khiến em không thể nói lời yêu thương với bố dù rằng rất biết ơn bố. Từ đó có thể thấy, các ông bố nếu biết vượt qua sự lạnh lùng cảm xúc bản thân để mang đến cho con sự yêu thương và sẻ chia, thì đó thực sự là hạnh phúc của những đứa trẻ.

Cảm xúc này đã được những ông bố trong dự án “Nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành bình đẳng giới dành cho nam giới và gia đình” của hai xã Vĩnh Kiên và Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái trải nghiệm.

Anh Nguyễn Văn Toan, thôn Ba Chăng, xã Vĩnh Yên cho biết: “Bố bế con, chơi với con nhiều thì con theo bố. Bố con sẽ tình cảm hơn”. Kể về chuyện hai bố con cùng vào bếp, anh Đào Quang Biên, thôn Chanh Yên, xã Vĩnh Kiên nói: “Vừa làm, vừa bảo ban con cách nấu ăn, dọn nồi niêu, bếp núc sạch sẽ. Hai bố con đều vui vẻ”.

Với mong muốn sau này con cái lớn lên sẽ hiểu bố mẹ nhiều hơn, anh Hoàng Đình San, thôn Chanh Yên, xã Vĩnh Kiên chia sẻ: “Trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ là phải dạy bảo, chăm sóc con cái. Khi chăm sóc, cùng con học bài, mình cũng cảm thấy hạnh phúc, gần gũi con hơn”. Tình yêu khi trao thì sẽ được nhận, anh Ninh Văn Toàn ở thôn Chanh Yên, xã Vĩnh Kiên đã cảm nhận được điều đó khi cho biết

“Nhiều khi việc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, con trai cũng cùng làm với bố. Bây giờ thành nếp, con tự động vào việc, bố mẹ về muộn là tự biết nấu cơm canh, thả trâu”... 

Đọc thêm