Trí tưởng tượng của trẻ 'bùng nổ' khi mẹ ít mua đồ chơi cho con

(PLO) - Khi không có đồ chơi, trẻ sẽ học cách đối phó, sáng tạo, giải quyết vấn đề và phát triển các kỹ năng xã hội.
Trí tưởng tượng của trẻ 'bùng nổ' khi mẹ ít mua đồ chơi cho con

Chị Phan Linh, hiện sống và làm việc tại Na Uy, có bài chia sẻ về lợi ích của việc cha mẹ bớt mua đồ chơi cho con. Bà mẹ một con này đang xây dựng dự án website riêng chia sẻ kinh nghiệm, cùng các kiến thức liên quan tới làm cha mẹ và nuôi dạy con cái. 

Từ hai thập kỷ trước, nước Đức có một dự án với tên gọi "Der Spielzeugfreie Kindergarten" (Trường mẫu giáo không đồ chơi) nhằm nghiên cứu và tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra nếu họ mang hết đồ chơi ra khỏi vườn trẻ, theo Independent. Các trường đồng ý thực hiện chiến dịch này, và bỏ tất cả đồ chơi ra khỏi lớp học trong vòng ba tháng.

Trường Friedrich Engels Bogen ở thành phố Munich là một trong những nhà trẻ tham gia dự án. Suốt ba tháng, họ mang tới một không gian mới và thời gian, không chỉ cho trẻ mà cho chính bản thân các thầy cô giáo ở đây.

Khi không có đồ chơi, các em nhỏ phải tìm cách để kiểm soát và dành cả ngày ở trường theo cách của riêng chúng. Trong thời gian này, trường bỏ đồ chơi, bút chì, giấy, sách vở, các building blocks. Những gì còn lại chỉ là bàn ghế và một vài cái chăn.

Mục đích của dự án là nuôi dưỡng sự tự tin, trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề và các kỹ năng xã hội. Trẻ không bị gò ép vào hoạt động này hay hoạt động khác, mà tự do làm những gì chúng muốn và tự quyết định làm việc đó thế nào. Trường cũng sẽ ghi hình các hoạt động diễn ra hàng ngày.

Ngày đầu tiên, những đứa trẻ tỏ ra bối rối và buồn chán khi đứng giữa lớp học trống rỗng nhưng buộc phải học cách đối phó. Ngày thứ hai, bọn trẻ bắt đầu chơi đùa cùng ghế ăn và chăn. Chúng tạo ra những căn hầm bí mật bằng cách phủ chăn lên bàn rồi cố định bằng giày.

Chẳng bao lâu, chúng bắt đầu chạy quanh phòng, trò chuyện và cười vui vẻ. Phụ trách chiến dịch giải thích, một khi trẻ nhận ra có thể làm những gì mình thích và được tự kiểm soát, chúng thực sự "điên loạn", sôi nổi, vui mừng và leo trèo khắp nơi.

Ban đầu, các cô giáo khá khó khăn, vì không chỉ "ồn nào không chịu nổi" mà còn "rất khó để có thể giữ các bé ngồi yên". Chúng không được nghịch trò nguy hiểm, nhưng được phép nhảy lên bàn, ghế và làm những việc trong phạm vi cho phép. Chúng thích diễn xuất, đóng vai hoặc giả vờ làm một rạp xiếc, trên một chuyến tàu. Quan trọng nhất, chúng học được cách giao tiếp cùng nhau.

Tới cuối tháng thứ ba, chúng tham gia vào những trò chơi tưởng tượng đầy hoang dã, với khả năng tập trung và giao tiếp hiệu quả hơn.

kha-nang-tuong-tuong-cua-tre-bung-no

Khi không có nhiều đồ chơi, trẻ buộc phải học cách đối phó, từ đó nuôi dưỡng sự tự tin, phát huy tính sáng tạo, trí tưởng tượng và khả năng giải quyết vấn đề. Ảnh:Phan Linh.

Với đồ chơi: Ít đi có nghĩa là nhiều hơn

Kathy Sylva, giáo sư tâm lý giáo dục tại Đại học Oxford, Anh, tiến hành nghiên cứu với hơn 3.000 đứa trẻ tuổi từ 3 đến 5.  

"Khi trẻ có một lượng lớn đồ chơi, nghĩa là chúng bị phân tâm nhiều hơn. Khi bị phân tâm, chúng không học hay chơi tốt", Kathy kết luận.

Nghiên cứu của cô cũng cho thấy, khi trẻ ít đồ chơi hơn mà cha mẹ dành nhiều thời gian để đọc, hát hay chơi với chúng nhiều, chúng sẽ là những đứa trẻ có nền tảng (background) tốt hơn. Tiến sỹ John Richer, nhà tâm lý học Nhi khoa tại Bệnh viện John Radcliffe ở thành phố Oxford, giải thích thêm, khi trẻ tiếp nhận một món đồ chơi mới, chúng sẽ trải qua hai giai đoạn: Khám phá và chơi.

Trong quá trình thăm dò, chúng sẽ thắc mắc: "Đồ chơi này để làm gì?". Lúc chơi, chúng sẽ tự hỏi: "Mình có thể làm gì với đồ chơi này?". Trong giới hạn chơi cho phép, sự sáng tạo, trí tưởng tượng, sáng kiến và khả năng thích ứng của trẻ vẫn có thể phát triển. Nhưng khi phải đối mặt với quá nhiều đồ chơi, trẻ dành nhiều thời gian để khám phá và ít chơi hơn. Trẻ được khuyến khích làm những gì chúng muốn, theo cách riêng của mình. Nếu được cung cấp ít đồ chơi hơn, chúng sẽ dành nhiều thời gian để chơi. Khi không còn lệ thuộc vào đồ chơi, sự dũng cảm và trí tưởng tượng của trẻ được bùng nổ, những thứ mà cả trẻ và người lớn cần phải có để phát triển sự tự tin.

Khi giảm lượng đồ chơi của trẻ và sự lộn xộn, chúng sẽ tăng sự chú ý và khả năng chơi lâu, chơi sâu. Tất nhiên, đồ chơi vốn không xấu. Nhưng, giống như hầu hết những thứ khác trong thời đại này, mọi ước muốn của con người đều bị khai thác và biến thành lợi nhuận. Không ai dễ bị đánh lừa bởi chiến thuật của những nhà sản xuất đồ chơi hơn là trẻ nhỏ.

Không có khả năng kiểm soát và sự thiếu hiểu biết là nguyên nhân của việc tiêu dùng vô tội vạ, nhất là với đồ chơi của con trẻ. Làm cha mẹ, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ con cái khỏi những va chạm với chủ nghĩa duy vật đang trở thành rào cản trong xã hội.

Cách tiếp cận tối giản với đồ chơi

Không dễ để thuyết phục cha mẹ thời hiện đại là hãy mua ít đồ chơi cho con mình. Chủ nghĩa tối giản vốn là việc lựa chọn những thứ quan trọng nhất và loại bỏ thứ không cần thiết. Có ít đồ chơi hơn, cũng như đơn giản hoá cuộc sống, bớt đi các hoạt động phù phiếm sẽ giúp chúng ta có cuộc sống tich cực hơn. 

Khi nói không với đồ chơi tức là chúng ta nói có với những bài học quan trọng hơn về cuộc sống, về thiên nhiên, về những người ta gặp hay hiện tượng mà ta nói cùng con. Nhờ đó, trẻ sẽ có được đánh giá tích cực hơn về những gì chúng có. Hãy dạy con về con người, dựa vào tình người, về gia đình và những mối quan hệ để kết nối.

Thật lố bịch nếu chúng ta mua thật nhiều đồ chơi cho con, và lôi tất cả đồ chơi ra chơi nhưng lại để con chúng ta chơi một mình. Đừng cho phép con chơi quá nhiều đồ chơi cùng một lúc, mà hãy dạy con về sự gọn gàng, ngăn nắp kể cả khi chơi.

Tôi nhớ đến tuổi thơ rất ít đồ chơi ngày bé. Lúc đó, tôi chơi những trò khám phá với đất cát, cây cỏ, quấn chăn làm váy, dựng chiếu làm lều, lon sữa làm nồi, que củi làm đũa, thân đu đủ làm súng, lá đa làm trâu, cọng lúa làm kèn... Tất cả đã mang tới cho tôi những trải nghiệm và kinh nghiệm mà không bao giờ một đứa trẻ hiện đại có được, nếu chỉ giam mình trong 4 bức tường và những món đồ chơi công nghiệp. Hãy lựa chọn và cho con chơi một cách hiểu biết./.

Đọc thêm