Vợ chồng, con cái - ắt hẳn là mối nợ nhân duyên

(PLO) - Cuộc sống là một chuỗi dài nhân duyên. Theo kinh nhà Phật, mối quan hệ vợ -  chồng, cha mẹ - con cái… không phải tự dưng mà tất cả là do một mối nhân duyên…
Vợ chồng, con cái - ắt hẳn là mối nợ nhân duyên

Trong cái vòng lẩn quẩn của cuộc đời, nguyên nhân chính yếu của sống chết-luân hồi là từ sự yêu thương, luyến ái mà ra. Nhân duyên không hẳn đơn thuần biểu hiện trong hiện tại mà có thể đã được tạo ra trong quá khứ và hằng hà sa số kiếp về trước. 

Theo giáo lý nhà Phật, nhân duyên của luân hồi sống chết là một dây chuyền liên tục chuyền từ khâu này đến khâu khác trong một kiếp cũng như trong nhiều đời. Hay nói cách khác, từ con người cho đến muôn loài vật đều do nhân duyên mà có. Vì sao gọi là "nhân duyên"? “Nhân” là nguyên nhân, chỉ cho những sự vật chính nó là nhân trực tiếp sinh ra một vật khác, như hạt lúa làm nhân sinh ra cây lúa. “Duyên” là trợ duyên, chỉ cho những vật có tính cách trợ giúp trực tiếp hay gián tiếp cho vật khác được hình thành; như phân, nước, ánh sáng, con người… là trợ duyên giúp cho hạt lúa phát triển thành cây lúa. Các vật đều là nhân, các nhân đó "duyên" với nhau mà thành ra các vật khác. 

Nhân duyên cuộc đời là một sự kết nối liên tục, cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt, chuyền nối nhau từ sự đan xen chằng chịt của nhân duyên trong nhiều đời. 

Câu kinh bất hủ của nhà Phật khiến nhiều người phải suy ngẫm: “Có thể người vợ ở kiếp này là người bạn chôn kiếp trước, tới trả nợ cho bạn. Đứa con trai ở kiếp này, là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, để đòi món nợ chưa trả. Đứa con gái ở kiếp này, là người tình ở kiếp trước tới vì tình cảm chưa dứt. Người tình kiếp này, là vợ chồng của kiếp trước tới nối tiếp phần duyên phận chưa dứt. Hồng nhan tri kỷ của kiếp này là anh em của kiếp trước tới chia sẻ những tâm sự chưa nói hết. Người giàu có kiếp này là người giàu lòng thiện kiếp trước, tới nhận phần công đức đã phát ra từ kiếp trước…”

Những quan niệm trên không phải là mê tín mà là nhân quả luân hồi, là số kiếp. Phật thường nói rằng nếu không nợ nhau thì làm sao gặp gỡ. Tuy nhiên, không hẳn người vợ kiếp này là người bạn chôn kiếp trước, cũng không chắc chắn đứa con gái kiếp này là người tình kiếp trước… nhưng theo giáo lý đạo Phật thì ắt hẳn phải có một mối nhân duyên nào đó, mới trở thành vợ chồng, con cái của nhau.

Bố mẹ chỉ là “phương tiện’ để linh hồn mượn chỗ đầu thai

Cũng từ triết lý này nên có quan niệm con cái là do “trời cho”. Phải có duyên tiền kiếp mới là người trong một nhà. Tuy nhiên, cũng theo  kinh nhà Phật thì không phải mối duyên nào cũng là duyên lành. Chỉ có duyên báo ân mới khiến cho cha mẹ có những đứa con hiền cháu thảo. Còn nếu là báo oán, báo nợ… thì là những đứa con bất hiếu, phá gia chi tử.

Theo một quan niệm duy vật, người ta coi những trẻ con như là một sở hữu của cha mẹ. Nhưng nói về phương diện tâm linh, cha mẹ không sở hữu con cái, thậm chí cũng không phải là những người sáng tạo ra con cái. Họ chỉ là những phương tiện cho những linh hồn của những đứa con mượn chỗ đầu thai ở cõi thế gian. Trong cuốn “The Prophet”, ông Khalil Gibran viết như sau: “Con cái của anh sinh ra, không phải là của anh. Chúng nó chỉ là con cái của “Sự sống bất diệt trường tồn”. Chúng nó do bởi anh sinh ra, chớ không phải là của anh. Và tuy chúng sống chung với anh trong một nhà, nhưng chúng không thuộc quyền sở hữu của anh. Anh chỉ là những cái cung nhờ đó những đứa con anh lấy đà vùng vẫy, chẳng khác nào như mũi tên bắn ra tận bốn phương trời. Người Cung Thủ kéo sợi dây cung là nhằm mục đích hòa vui, và trong khi Người yêu cái mũi tên bay, Người cũng yêu cái cung còn ở lại.”

Thêm một  bí mật về mối duyên tiền kiếp cho rằng: Những sợi dây duyên nghiệp thường đã có sau từ những kiếp trước giữa người con với người cha và cả người mẹ hoặc chỉ người cha hay người mẹ. Trong những trường hợp đó, thường có một trạng thái dửng dưng giữa đứa con với người cha hay người mẹ mà nó mới quen biết lần đầu tiên trong kiếp này. 

Vô duyên chẳng phải vợ chồng

Về mối quan hệ vợ chồng, theo kinh Phật, không đôi nào là vô duyên vô cớ mà kết hợp. Một số đôi vợ chồng là do ân tình từ kiếp trước mà kiếp này gặp nhau, cho nên cuộc sống cũng vui vẻ tốt đẹp. Một số khác lại là vì oán giận từ kiếp trước mà kiếp này gặp nhau nên cuộc sống của họ cũng phiền não, khổ đau, oán giận.

Cũng có những đôi vợ chồng là vì cả ân và oán mà kết hợp, khi đó họ sẽ có cơ hội để hoàn trả ân oán cho nhau. 

Mặc dù nói: “Thiên định thắng nhân”, nhưng con người cũng có thể làm cải biến được. Cho nên, bên nhà Phật mới khuyên con người ta sám hối, ăn năn hối lỗi, tu sửa bản thân, từ bỏ tâm hiếu thắng, chế ngự sự cao ngạo, mọi việc phải lấy nhẫn nhịn làm trọng, không tranh giành với nhau thì tự nhiên mâu thuẫn sẽ giảm dần.

Người phụ nữ được gả cho người đàn ông nào thì đều là mệnh của mình. Người mà hôm nay mình gặp đều là đã có trong mệnh rồi, đều là nhân gieo trồng từ kiếp trước nên ngày hôm nay mới nhận được quả như vậy. Đàn ông cũng vậy, không nợ sẽ không đến.

Trong gia đình, vợ chồng, đừng nên trách mắng nhau để tránh cảnh “nghiệp cũ chưa hết lại thêm nghiệp mới.” Hãy đối xử tử tế với nhau để hóa giải nợ kiếp trước. Nhà Phật có câu: “Chúng sinh là bình đẳng.” Người chồng hay người vợ không phải là tài sản riêng của mình. Vì có một đoạn nhân duyên ở kiếp trước, nên kiếp này đến để kết thúc đoạn nhân duyên đó mà thôi.

Nếu một lúc nào đó, duyên tận duyên tán, tất cả sẽ phân ly. Đừng oán trách người chồng hay người vợ của mình mà hãy trả giá, bỏ công sức ra nhiều hơn, giúp đỡ người kia nhiều hơn ngay bây giờ, bạn chắc chắn sẽ nhận được quả ngọt. Phàn nàn người khác cũng chỉ là tự làm hại mình mà thôi.

Đọc thêm