Tiếp vụ 30 năm đi đòi đất ở Hưng Yên: Nhiều vấn đề cần được làm rõ

(PLO) - TAND TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) đã có phán quyết về vụ kiện đòi đất cho mượn của ông Lâm Thành Dũng (số nhà 141 đường Điện Biên 1, phường Lê Lợi, TP Hưng Yên) đối với bà Chu Thị Cúc (số nhà 139 đường Điện Biên 1). Nhưng theo Luật sư (LS) Lê Trung Sơn (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Dũng) thì trong vụ án này còn rất nhiều tình tiết mà tới đây, tòa cấp phúc thẩm cần làm rõ để có phán quyết đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn.
Luật sư  Lê Trung Sơn
Luật sư Lê Trung Sơn

Theo LS Sơn, vụ kiện đòi đất cho mượn của ông Dũng đối với bà Cúc đã phải kéo dài hơn 30 năm qua là do các cơ quan chức năng thụ lý, giải quyết theo kiểu “biến tấu” để bản chất vụ việc bị thay đổi nghiêm trọng. Tính pháp lý và sự thật khách quan không được tôn trọng dẫn đến sai từ “gốc”. “Sai chồng sai” nên phán quyết sơ thẩm của TAND TP Hưng Yên cũng sai. 

LS có thể nói rõ hơn về việc “sai chồng sai” trong vụ án này?

- Tôi xin đơn cử: Ngay từ đầu, nguồn gốc đất tranh chấp được các cơ quan chức năng “đồng loạt” khẳng định là đất của địa chủ, bị Nhà nước thu hồi, cấp cho bà Cúc. Nhưng UBND thị xã Hưng Yên (nay là TP Hưng Yên) không đưa ra được bất kỳ một văn bản nào để khẳng định nội dung này. Còn bà Cúc khai rằng: đất bà đang ở là do Nhà nước cấp cho mình khi Nhà nước thu hồi 500 m2 đất của bố bà Cúc (cụ Chu Văn Phúc) ở khu vực bưu điện TP Hưng Yên hiện nay để xây dựng trụ sở HTX Tiền Tiến. Nhưng, các cơ quan chức năng và cả bà Cúc cũng không đưa ra được tài liệu hoặc văn bản nào để chứng minh có việc thu hồi và cấp đất đó này. Trong khi đó, ông Dũng có đầy đủ chứng cứ pháp lý từ năm 1956 để chứng minh đất gia đình bà Cúc đang sử dụng là của mình. Thậm chí, ông Dũng cũng có không ít văn bản thể hiện việc chính quyền Hưng Yên khẳng định đất bà Cúc ở là của ông Dũng (như sổ mục kê và bản đồ từ năm 1963). Nhưng khi xem xét, giải quyết vụ việc thì các cơ quan chức năng và HĐXX sơ thẩm lại không dùng tài liệu này làm chứng cứ. 

Xin LS cho biết về quan điểm của ông về bản án sơ thẩm vừa qua của TAND TP Hưng Yên?

- Phán quyết tại Bản án sơ thẩm số 03/2017/DSST ngày 12/5/2017 của TAND TP Hưng Yên (do Thẩm phán Đỗ Quang Lịch làm chủ tọa) là không chính xác và không phù hợp với chứng cứ khách quan của vụ án. 

Thứ nhất, HĐXX sơ thẩm “phớt lờ” chứng cứ, không dựa trên cơ sở pháp lý, không tôn trọng sự thật khách quan, áp dụng pháp luật không đúng, thể hiện:

Bản án xác định nguồn gốc đất tranh chấp là của ông Dũng nhưng lại cho rằng đất này đã được Nhà nước lấy để cấp cho bà Cúc từ năm 1964 và cho rằng đây là việc Nhà nước thực hiện chính sách đất đai nên ông Dũng “không được đòi lại” (theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 và Nghị quyết 755/2005/QH11). Nhận định này là không đúng bởi UBND TP Hưng Yên không thừa nhận việc này (thể hiện tại Công văn số 1459/UBND-TNMT ngày 08/12/2016). Nếu Nhà nước thực hiện chính sách đất đai (thu hồi đất, trưng dụng đất của gia đình ông Dũng) thì phải được UBND TP Hưng Yên thừa nhận và được thể hiện bằng văn bản.

HĐXX TAND TP Hưng Yên áp dụng Nghị quyết số 23/2003/QH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho rằng: “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 1991; Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất”. Tuy nhiên, HĐXX không nêu ra được việc thu hồi đất của gia đình ông Dũng và cấp cho gia đình bà Cúc là thực hiện theo chủ trương, chính sách nào? 

TAND TP Hưng Yên áp dụng khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 755/2005/QH11 để cho rằng nhà đất của ông Dũng bị Nhà nước trưng dụng không thời hạn, do đó UBND cấp tỉnh xác lập sở hữu toàn dân đối với đất đó. Việc áp dụng quy định này là không chính xác bởi tại Điều 3 Nghị quyết này quy định: “Các văn bản quản lý được áp dụng khi giải quyết các trường hợp quy định tại Nghị quyết này bao gồm quyết định, thông báo, công văn, văn bản kê biên, kiểm kê, danh sách kiểm kê và các giấy tờ khác liên quan đến việc quản lý, bố trí sử dụng nhà đất của Uỷ ban hành chính, Uỷ ban quân quản, Uỷ ban nhân dân cách mạng, UBND, cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế nhà nước, tổ chức xã hội”.

Nhưng trong vụ án này thì nhà đất của ông Dũng không bị Nhà nước trưng dụng trong số các văn bản được Nghị quyết 755 liệt kê trên đây. Như vậy, không có căn cứ để xác định đất của ông Dũng thuộc diện Nhà nước trưng dụng như sự nhận định của Tòa án.

Thứ hai, HĐXX sơ thẩm sử dụng một số văn bản làm chứng cứ nhưng thiếu tính khách quan và không đảm bảo tiêu chuẩn làm nguồn chứng cứ: Ví dụ như các văn bản của TAND thị xã Hưng Yên giải quyết việc tranh chấp mốc giới sử dụng đất giữa bà Cúc và ông Dũng từ năm 1987 không có dấu của Tòa án, không có tên thẩm phán giải quyết…

Theo LS, để có một phán quyết công minh, khách quan về vụ kiện này thì Tòa cấp phúc thẩm cần làm gì? 

- Tôi cho rằng, bản án sơ thẩm của TAND TP Hưng Yên đối với vụ án này là không đảm bảo tính pháp lý, cần được Tòa cấp phúc thẩm xem xét xem xét, đánh giá lại để “sửa sai” cho HĐXX sơ thẩm. Đây vừa là quy định của pháp luật, vừa là lương tâm và trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của các thành viên HĐXX phúc thẩm. Tôi và người dân đang mong chờ vào quyết định đúng đắn của TAND tỉnh Hưng Yên.

Xin cảm ơn ông.

Đọc thêm